Bài 1: Từ “nói chuyện bằng bom” đến đối thoại ôn hòa

26/04/2013 13:40 GMT+7

(TNO) Cùng gia đình rời Việt Nam vào đêm 30.4.1975 trên tàu HQ-08, ông Al Hoang - Hoàng Duy Hùng đã trải qua một hành trình rất dài trước khi trở thành nghị viên thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas, Mỹ. Câu chuyện của ông, từ âm mưu đánh bom tới nỗ lực đối thoại, minh họa sống động cho những hận thù, chia rẽ và hàn gắn giữa những con người Việt Nam. Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn ông.

* Chào ông, trước hết xin hỏi tôi có thể gọi ông là Al Hoang hay Hoàng Duy Hùng?

- Ông Hoàng Duy Hùng: Anh có thể gọi tôi là Al Hoàng hay Hoàng Duy Hùng cũng được. Tôi là người theo Thiên chúa, đạo Công Giáo, tên thánh là Louis Gonzaga, mà tiếng Anh viết là Aloysius và được gọi tắt là Al.

Lúc sinh ra, tên tôi là Hoàng Duy Hùng. Năm 1975, tôi qua Hoa Kỳ. Năm 1983, tôi nhập tịch và trở thành công dân Mỹ với tên thánh Aloysius Duy - Hùng Hoàng, viết tắt là Al Hoàng. Người Mỹ gọi tôi là Al Hoàng, nhưng người Việt Nam vẫn gọi tôi là Hoàng Duy Hùng và khi tôi mở văn phòng luật sư thì họ gọi tôi là luật sư Hoàng Duy Hùng.

Nghị viên TP Houston (Mỹ) Hoàng Duy Hùng: Từ “nói chuyện bằng bom” đến đối thoại ôn hòa 2
Ông Hoàng Duy Hùng (thứ 3 từ phải sang) thăm tư gia nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Ảnh: Ông Hoàng Duy Hùng cung cấp

* Xin ông cho biết đôi nét về xuất thân của ông tại Việt Nam? Ông đã rời khỏi đất nước trong hoàn cảnh nào?

- Thân phụ tôi quê ở Nghệ An và thân mẫu tôi quê ở Quảng Bình. Năm 1954, hai ông bà di cư vào nam. Tôi là người con thứ 6 trong gia đình 10 người con. Trong 10 người đó đã mất 3 người; 2 mất khi còn nhỏ ở Việt Nam và ông anh đầu mất năm 1995 ở Mỹ. Thân mẫu tôi mất ở Mỹ năm 2003 và thân phụ tôi mất ở Mỹ năm 2007. Thân phụ tôi đi bộ băng qua đường ở chợ Fiesta tại Houston, bị một người Mễ nhập cư lậu lái xe ẩu tông vào người, ông được đưa đi cấp cứu nhưng cuối cùng qua đời ở bệnh viện.

 
Tôi nhận ra một sự thật đó là bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây thêm phiền hà.

Tôi sinh ra ở Phan Rang năm 1962. Thân phụ tôi đi lính cho chế độ cũ, năm 1966, cả gia đình dọn về Ban Mê Thuột là nơi có Trung đoàn 45 của Sư đoàn 23 Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) trấn đóng. Năm 1974, tôi gia nhập tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh. Năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, gia đình tôi đã di tản xuống Phước An trước để tìm đường đi Nha Trang. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tôi đi bộ tới Phước An và đoàn tụ lại với gia đình. Rồi gia đình băng rừng, được trực thăng QLVNCH bốc khỏi rừng hoang đem về Nha Trang. Từ Nha Trang, gia đình chúng tôi đi bộ tới Cam Ranh nhưng phải quay trở lại Nha Trang vì con cầu ở Cam Ranh đã bị giật sập. Chúng tôi đi thuyền từ Nha Trang tới Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu về tới Cư xá Thanh Đa ở Sài Gòn vào giữa tháng 4.1975.

Đêm 30.4.1975, gia đình chúng tôi ra bến Bạch Đằng để lên chiếc tàu Hải quân cuối cùng là HQ-08. Chiếc HQ-08 bị chết 2 máy nên lúc ra khơi thì chạy hình chữ Z, lò mò 8 ngày mới tới được cảng Subic của Philippines. Tàu lớn của Hoa Kỳ bốc chúng tôi đưa đến đảo Guam. Từ Guam, chúng tôi bay qua Hawaii rồi bay về tiểu bang Pennsylvania để vào trại tạm cư Indian Town Gap. Cuối tháng 11.1975, Giáo xứ Sacred Heart thuộc tiểu bang Pennsylvania bảo trợ gia đình tôi.

Tôi gia nhập Dòng Đồng Công ở Carthage, Missouri từ năm 1977 - 1985. Năm 1983, bề trên cho tôi về Houston đi học đại học và tôi học triết ở Đại học Houston. Sau đó, tôi rời khỏi nhà dòng và bắt đầu đi vào con đường đấu tranh chính trị chống lại nhà nước Việt Nam.

Nghị viên TP Houston (Mỹ) Hoàng Duy Hùng: Từ “nói chuyện bằng bom” đến đối thoại ôn hòa 1
Ông Hoàng Duy Hùng rời đất nước vào đêm 30.4.1975 trên tàu HQ-08 (Chi Lăng II). Sau khi đến Philippines, con tàu đã được biên chế vào hải quân nước này - Ảnh: Tư liệu

* Sau khi rời đất nước, ông kể rằng ông rất căm thù chế độ và có lần ông đã trở về nước với ý định đánh bom một số địa điểm công cộng. Điều gì đã khiến ông bỏ ý định ấy?

- Đầu năm 1986, tôi gia nhập Mặt Trận Việt Nam Tự Do dưới sự lãnh đạo của các ông Hà Thúc Ký và Nguyễn Văn Kim. Cả hai người này là lãnh đạo của đảng Đại Việt Cách Mạng. Thời gian đó, Mặt Trận Việt Nam Tự Do là một hình thức ngoại vị của Đảng Đại Việt Cách Mạng. Ông Hà Thúc Ký qua đời năm 2008, ông Nguyễn Văn Kim qua đời năm 1996.

Sau khi có bằng cử nhân triết và chuẩn bị đi học tiến sĩ luật, cuối năm 1990, nhận chỉ thị của ông Nguyễn Văn Kim, tôi về Việt Nam hoạt động để xây dựng cơ sở cho Mặt Trận Việt Nam Tự Do. Năm 1991, tôi trở về lại Mỹ thì đau lòng nhìn thấy hai người đàn anh của tôi là cụ Hà Thúc Ký và ông Nguyễn Văn Kim phân hóa với nhau. Lúc đó, Đông u và Liên Xô tan rã nhưng trong lòng của tôi cũng tan rã bởi sự phân hóa của các đàn anh vì từ đó Mặt Trận Việt Nam Tự Do cũng tàn lụi luôn. Cuối cùng, tôi không theo phe nào mà cùng với một số anh em trẻ đứng ra ngoài cuộc tranh chấp này. Tôi trở lại Việt Nam năm 1991 và thông báo cho những người ở trong nước biết hoàn cảnh bi đát phân hóa nội bộ của tổ chức rồi trở về lại Mỹ. Tháng 3.1992, tôi trở về lại Việt Nam thì bị bắt ngay tại phi trường, bị nhốt ở số 3C Tôn Đức Thắng và Chí Hòa gần 16 tháng.

Năm 1993, Hoa Kỳ và Việt Nam bàn thảo việc bãi vận và bang giao. Việt Nam trả tự do cho các công dân Hoa Kỳ, trong đó có ông Nguyễn Sĩ Bình và cá nhân tôi. Trở về Hoa Kỳ, tôi tiếp tục học lên, lấy bằng tiền sĩ luật khoa và mở văn phòng luật sư vào năm 1997. Tôi lập gia đình năm 1994 với Diana Bích-Hằng Nguyễn (ở nhà gọi là Trâm) và hiện nay có 3 người con, 2 gái 1 trai, Angel Trâm-Anh 12 tuổi (sinh 2000), Andrew Hùng-Dũng 9 tuổi (2003) và Ashley Trâm- Đoan 7 tuổi (2006).

Nghị viên TP Houston (Mỹ) Hoàng Duy Hùng: Từ “nói chuyện bằng bom” đến đối thoại ôn hòa 3
Ông Hoàng Duy Hùng (thứ 3 từ phải sang) gặp Tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành n trong chuyến trở về Việt Nam mới đây - Ảnh: Ông Hoàng Duy Hùng cung cấp

Năm 1998, tôi thành lập một tổ chức đấu tranh chính trị mới với danh xưng là Phong trào Quốc Dân Hành Động. Tôi gởi anh em về hoạt động trong nước với chủ trương bạo động lật đổ nhà nước Việt Nam. Đầu năm 2001, đích thân tôi xâm nhập Việt Nam qua ngã Campuchia với kế hoạch đặt bom nổ tượng Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng ở Sài Gòn và bến Ninh Kiều ở Cần Thơ. Trước khi hành động, tôi âm thầm lên Đền Hùng khấn xin các vị tổ tiên, nhất là vua Hùng thứ 6 (tôi tên Hùng và là người con thứ 6 trong nhà nên tôi rất thần tượng Vua Hùng thứ 6), soi sáng cho tôi để tôi biết làm những việc đúng cho đất nước.

Lúc đầu có một cụ hơn 80 tuổi nghe tôi đổi sang đối thoại, cụ hận tôi, tôi đến nhà của cụ, nói chuyện với cụ ngày đêm, cụ hiểu được, cụ đồng ý chỉ có con đường đó là con đường tốt đẹp nhất cho đất nước.

Trở về Sài Gòn, trước khi hành động, tôi suy nghĩ nhiều và thấy nếu tôi cho nổ 2 tượng Hồ Chí Minh thì sẽ đi về đâu.  Tôi có thể cho nổ 2 tượng đó, nhưng sẽ có người chết, có người bị thương, anh em tôi bị bắt, tôi có thể bị bắt, chúng tôi nổi tiếng là người hận thù chống chế độ Cộng sản, nhưng chúng tôi không giải quyết được việc gì hết, chỉ gây thêm phiền toái và phức tạp, nhà cầm quyền sẽ canh chừng gay gắt hơn, dân bị khó dễ nhiều hơn thì càng bực mình với chúng tôi. Tôi nhận ra một sự thật đó là bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây thêm phiền hà. Tôi quyết định bỏ kế hoạch và băng đường bộ trở về Campuchia, rồi từ Campuchia bay qua Thái Lan, từ Thái Lan bay về lại Hoa Kỳ.

Về tới phi trường Los Angeles, chính tình báo Mỹ gọi tôi vào và nhắc nhở tôi đừng có hoạt động bạo lực nữa vì Việt Nam có bang giao với Hoa Kỳ. Hơn nữa, Hoa Kỳ muốn Việt Nam trở thành đồng minh chiến lược trong khu vực để giữ ổn định và hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương. Họ còn cho tôi biết nếu đấu tranh không khéo tạo sự xáo trộn ở trong Việt Nam thì nhân cơ hội nước đục thả câu, Trung Quốc có thể đem hơn 1,8 triệu quân ở biên giới tràn vào Việt Nam với lý do cần ổn định ở Việt Nam ngõ hầu tránh sự xáo trộn dây chuyền lan sang Trung Quốc. Lúc đó, Việt Nam thay vì tốt lên thì sẽ xấu đi nhiều, sợ không đủ thực lực lấy lại chủ quyền của đất nước như tình trạng của người Tây Tạng vậy, hoặc có lấy lại được thì cũng tốn rất nhiều xương máu.

Tôi trả lời với họ rằng họ hãy an tâm vì khi ở trong Sài Gòn, tôi đã nhận thức rõ con đường bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây ra thêm phiền toái mà thôi nên tôi đã không thi hành kế hoạch nổ bom ở 2 tượng Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng và bến Ninh Kiều. Tôi trình bày cho họ rằng tôi đã suy nghĩ nhiều lúc còn ở Việt Nam và tôi thấy con đường tốt đẹp nhất cho Việt Nam là con đường hợp tác ổn định xây dựng và ôn hòa đối thoại giải quyết từng phần những mâu thuẫn.

Họ nói họ rất vui mừng và tin ở tôi vì họ cho rằng tôi có con tim nhưng còn biết dùng cái đầu để suy nghĩ. Trong nhiều năm qua, ở hải ngoại, tôi đã từng lên tiếng nếu ai thấy có con đường nào khác tốt đẹp hơn cho Việt Nam, xin chỉ dạy tôi, tôi sẵn sàng đi xách dép cho người đó. Cho tới ngày hôm nay, không ai chỉ vẽ cho tôi con đường nào tốt đẹp hơn mà chỉ rủa sả vu chụp cho tôi là phản bội và là Việt gian.

Ông Hoàng Duy Hùng
Ông Hoàng Duy Hùng làm việc với các cộng đồng trên cương vị nghị viên Houston - Ảnh: Ông Hoàng Duy Hùng cung cấp

Về đến Hoa Kỳ, tôi đã trình bày với các anh em trong Phong trào Quốc Dân Việt Nam Hành Động của tôi tại sao phải từ bỏ bạo lực, tại sao phải hợp tác trong những sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại giải quyết từng phần những mặt trái và những bất đồng, nhất là, tại sao chúng ta phải hành động khôn ngoan không tạo cơ hội cho Trung Quốc đưa quân sang Việt Nam vì họ đã vào rồi thì khó mà trở ra.

Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, vui buồn đắng cay, để cố gắng thuyết phục các thành viên. Lúc đầu có một cụ hơn 80 tuổi nghe tôi đổi sang đối thoại, cụ hận tôi, tôi đến nhà của cụ, nói chuyện với cụ ngày đêm, cụ hiểu được, cụ đồng ý chỉ có con đường đó là con đường tốt đẹp nhất cho đất nước. Đa số anh em trong tổ chức của tôi đồng ý nhưng cũng có những người không đồng ý và họ rời bỏ tổ chức. Năm 2007, trong Đại hội của tổ chức chúng tôi tại Houston, các thành viên bỏ phiếu chấp thuận thay đổi từ bỏ con đường bạo lực sang ôn hòa đối thoại. 

Vì xoay đổi từ bạo động sang ôn hòa đối thoại, tôi quyết định tranh cử. Năm 2007, tôi đắc cử Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Houston và Phụ cận; năm 2009, tôi đắc cử Nghị viên Khu vực F thành phố Houston. (Còn tiếp)

Đỗ Hùng
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.