Bó tay với bãi rác tự phát

26/04/2013 10:36 GMT+7

Dù là tỉnh công nghiệp trọng điểm, nhưng nhiều năm qua, Đồng Nai vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng 42 bãi rác tạm khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường.

Bó tay với bãi rác tự phát
Xử lý rác tại bãi rác Liên Kim Sơn

Chiều ngày 23.4, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt quả tang xe tải biển số 60S-1978, do ông Nguyễn Hùng Vương (ngụ tại KP2, P.Bình Đa. TP. Biên Hòa) làm chủ, chở rác thải đến đổ tại bãi rác tự phát thuộc KP7, P.Long Bình (TP.Biên Hòa). 

Rác đổ trộm thành núi

Tại KP7, KP8 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa), mỗi ngày ngoài các loại rác thải sinh hoạt được tập kết về đây, thì khu vực này còn xuất hiện nhiều loại rác thải y tế, công nghiệp bỏ ngổn ngang. Người dân sống ở gần khu vực này cho biết khoảng 2 tháng nay không biết từ đâu rác được tập kết về đây gây ô nhiễm môi trường, rác nhiều đến mức thành đống lớn, chắn ngang đường vào hố tiêu hủy của TP. Biên Hòa. Ông Bùi Ngọc Sơn, người dân P. Long Bình bức xúc: “Bãi rác này trước đây là khu rừng. Khi quy hoạch đã được san lấp mặt bằng, sau đó những xe rác nơi đâu đến đổ cả xác súc vật, gia súc gia cầm chết rất mất vệ sinh”.

 

 Do không được xử lý triệt để các khu vực đổ rác trộm, lâu ngày đã hình thành các bãi rác tự phát như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh

Ông Hoàng Văn Thống-Chánh thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai nói.

Theo UBND P. Long Bình rác ở khu vực này do các đối tượng từ nơi khác mang đến đổ trộm. Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức bắt giữ. Tuy nhiên, thực tế là rác khu vực này đang ngày càng một nhiều hơn.

Còn tại xã Hóa An, cửa ngõ vào TP. Biên Hòa, cũng xảy ra tình trạng đổ rác trộm gây bức xúc. Tại đây, rác thải chủ yếu là rác công nghiệp, kể cả các loại chất thải nguy hại từ các công ty thuộc tỉnh Bình Dương chở qua đây đổ trộm. Lâu ngày thành những hố rác khổng lồ, không thể xử lý được. Ông Hoàng Văn Thống-Chánh thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai cho biết: “Do không được xử lý triệt để các khu vực đổ rác trộm, lâu ngày đã hình thành các bãi rác tự phát như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh”. Còn theo ông Võ Văn Chánh-Phó giám đốc Sở TN-MT, để hạn chế phát sinh các điểm ô nhiễm và tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý các bãi rác tạm sở đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 42 bãi rác tạm chiếm diện tích trên 23ha. Tất cả đều gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khu vực xunh quanh.

Thí điểm dự án xử lý rác “sạch”

Để xử lý rác thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, tỉnh Đồng Nai đang chọn bãi rác Liên Kim Sơn (H.Long Thành) làm điểm, trước khi tiến hành nhân rộng xử lý 42 bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh trong năm nay. Bãi rác Liên Kim Sơn đã tồn tại 15 năm qua chứa gần 37.000 tấn rác sinh hoạt. Đây là khu vực gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua khiến người dân sống xunh quanh bức xúc. Do vậy, việc đầu tư máy móc và áp dụng công nghệ hiện đại trên thế giới để xử lý bãi rác này là việc làm hết sức bức thiết.

Theo Sở TN-MT, việc thực hiện thí điểm xử lý bãi rác Liên Kim Sơn dự kiến hoàn thành trong quý I/2013 theo công nghệ mới, dùng phương pháp nén, ép, đóng kiện chất thải và chôn lấp hợp vệ sinh. Sau khi hoàn tất việc chôn lấp, phía trên phủ đất và trồng cỏ. Đây là bãi rác tạm đầu tiên trong tỉnh được xử lý bài bản theo công nghệ của nước ngoài.

Song song với thực hiện thí điểm bãi rác này, Sở TN-MT đang khảo sát và lập phương án xử lý 41 bãi rác tạm còn lại trên địa bàn tỉnh. Ông Võ Văn Chánh cho biết: “Chúng tôi đi theo công nghệ định hướng của Bộ TN-MT chọn công nghệ xử lý rác hợp vệ sinh nhưng phải thu hồi sản phẩm có ích để tránh ô nhiễm”.

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.