Xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Đe dọa nhiều di sản khác

24/04/2013 03:15 GMT+7

Nhiều chuyên gia phản đối việc xây cầu vượt tại nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa, Hà Nội do lo ngại không chỉ di sản đàn Xã Tắc bị xâm hại, mà chùm di sản gần đó cũng bị ảnh hưởng.

Cho tới giờ này, chưa một văn bản nào từ cơ quan quản lý có thể “đe dọa” việc thi công cây cầu vượt ở khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa. Bởi ít nhất, quy trình cho việc xây dựng này cho tới nay vẫn đúng luật. Còn theo hình ảnh quy hoạch cầu do ông Trần Đình Thành, Phó phòng Quản lý di sản - Cục Di sản, cung cấp, ở hai đầu cầu vượt, hai mố cầu không nằm trong khoanh vùng bảo vệ của di tích đàn Xã Tắc. Vùng bảo vệ này được căn cứ vào Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc của UBND TP.Hà Nội. Biên bản được làm năm 2007, sau cuộc họp tại Sở VH-TT Hà Nội với đại diện 12 đơn vị, trong đó có Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học. Theo đó, khu vực bảo vệ 1 của di tích được thiết lập với diện tích 1.571,8 m2, không có khu vực bảo vệ 2.

Sẽ xâm hại “chùm di tích”

Tuy nhiên, việc đúng quy trình, không phạm chỉ giới mà ông Thành nêu lên không làm các nhà khoa học từng lên tiếng phản đối hài lòng. Bởi theo họ, di tích đàn Xã Tắc còn rộng lớn hơn thế rất nhiều. Thêm vào đó, việc để cây cầu “lơ lửng” như thể một tấm bê tông lớn đè lên không gian tâm linh này cũng khiến họ không an lòng. Chưa kể, các rung động từ cầu có thể làm hỏng tầng văn hóa của di tích phía dưới, khiến sau này con cháu khó tiếp cận di sản tổ tiên. Có thể thấy, một nguy cơ rất gần là: khi việc thi công có thể được thực hiện thì các nhà khoa học vẫn không có cơ hội ngăn cản nguy cơ văn hóa họ đã nhìn thấy.

Ông Trần Đình Thành chỉ ra mố cầu không xâm 2 vùng bảo vệ của di tích đàn Xã Tắc
Ông Trần Đình Thành chỉ ra mố cầu không xâm 2 vùng bảo vệ của di tích đàn Xã Tắc
- Ảnh: Trinh Nguyễn
 

Trên thực tế, những ý kiến khoa học, thậm chí của cả Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử - GS Phan Huy Lê cũng chỉ là trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, phía Hà Nội chưa hề có một động thái nào ghi nhận việc đã biết đến ý kiến này. Do đó, việc Hà Nội theo đuổi phương án “xây cầu trên đầu tổ tiên” này hoàn toàn có thể xảy ra.

Một nhà khảo cổ giấu tên cho biết, vấn đề của cây cầu vượt này bắt nguồn chính từ sự quy hoạch chưa toàn diện của Hà Nội trong quá khứ. Bởi thông tin cho thấy ngay từ đợt khai quật khảo cổ đàn Xã Tắc năm 2007, phía Viện Khảo cổ đã đưa ra phương án, trong đó vấn đề quy hoạch khảo cổ học cho mặt bằng này được đưa ra triệt để. Nếu được thực hiện, đào khảo cổ và chừa các hố trung tâm di tích để bảo vệ, giải tỏa đường rộng hơn thì Hà Nội đã có một mặt bằng ngã năm Ô Chợ Dừa rộng hơn nhiều. “Thậm chí hoàn toàn có thể dựng một ngã năm, ngã sáu rộng không cần cầu vượt”, nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, sau đó di tích đàn Xã Tắc chỉ được khoanh vùng xếp hạng di tích cấp quốc gia như ông Trần Đình Thành đã cho biết ở trên. Như vậy, một cơ hội quy hoạch di sản đã bị bỏ lỡ.

Việc bỏ lỡ quy hoạch di sản này còn dẫn đến nguy cơ lớn hơn trong đợt xây dựng tới. Bởi khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa và các tuyến phố lân cận này vốn là nơi có rất nhiều di tích quý. Gần kề đó có di tích Đại La thành rất quý giá. Cũng ngay tại cửa ô này có một di tích thời Lý không kém quan trọng là cửa Trường Quảng. Người xưa vẫn có câu “đến cửa Trường Quảng ngắm đàn Xã Tắc” là thế. Nghĩa là nếu không cẩn thận, con đường, cây cầu qua khu vực này sẽ xâm hại cả những di sản khác nữa. “Thực ra, nếu làm cho chuẩn, việc khoanh vùng bảo vệ ở khu vực này phải kéo rộng ra hơn rất nhiều, bao gồm cả Ô chợ Dừa, cửa Trường Quảng, Đại La thành”, nhà khảo cổ giấu tên nói.

Không thuộc bài học di sản

“Hà Nội vẫn bảo sẽ làm quy hoạch di sản, nhưng tới giờ vẫn chưa có”, nguồn tin cho biết. Và như nhiều người đều biết, không phải Hà Nội chưa từng có bài học di sản về việc chưa có quy hoạch khảo cổ, quy hoạch di tích này.

Việc thi công cầu ở nút Văn Cao - Hồ Tây cũng đã xúc đổ cả đoạn tường thành quý thời Lê. Cũng ở thời điểm đó, GS Phan Huy Lê đã cảnh báo Hà Nội cần làm quy hoạch di tích để tránh cảnh xây dựng phá di sản. Ngay cả khi các nhà khảo cổ được vào đào “chữa cháy” thì di sản cũng đã bị xâm hại rồi. Hơn thế, bản thân bên xây dựng cũng làm việc trong thế nơm nớp lo âu, chẳng hiểu nay mai khởi công thì có chạm phải di sản gì không. Trong khi việc quy hoạch có thể giúp việc xây dựng chủ động hơn nhiều.

Bản thân vụ việc ở nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa cũng cho thấy điều tương tự. Vấn đề nằm ở chỗ ngay từ khi thiết kế, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ đã phải được mời như một thành phần thực hiện công việc. Chứ không phải như hiện nay, họ chỉ biết sau khi đã có thiết kế, thậm chí còn khó khăn mới tiếp cận được thiết kế. Giờ đây, khi việc nhà khoa học không được mời xây dựng phương án đã xảy ra, Hà Nội cũng không nên để việc sai lâu hơn nữa. Hà Nội cần khẩn trương mời họ cùng ngồi để có thể có phương án tốt cho phát triển mà vẫn giữ được di sản cho đời sau.

Hà Nội phải chủ động quy hoạch khảo cổ

Việc khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn mình, theo luật Di sản, trách nhiệm đầu tiên là của địa phương. “Luật cũng quy định các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch khảo cổ. Quy hoạch khảo cổ nghĩa là trên địa bàn có những di tích nào đã được xếp hạng di tích rồi thì tỉnh, thành phố phải có biện pháp khoanh vùng bảo vệ thật cụ thể hoặc phải có phương án bảo vệ tốt nhất. Vị trí nào dự kiến có khu vực khảo cổ cũng phải khoanh vùng bảo vệ trước khi đủ các điều kiện để khai quật. Bộ không thể làm thay những việc đó”, ông Trần Đình Thành nói.

Trinh Nguyễn

>> Đình chỉ mở đường xâm phạm di tích Nước Là
>> Nghiêm cấm xâm phạm di tích quốc gia Trường Lũy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.