Xã hội đen bảo kê taxi dỏm?

20/04/2013 03:05 GMT+7

Dù cơ quan chức năng từng tiến hành nhiều đợt ra quân xử lý nhưng taxi “mù”, nhái... vẫn thoải mái tung hoành trên những nẻo đường Sài thành.

Mới đây, như Thanh Niên đã đưa tin, một du khách người Nhật ngày 12.4 bị một tài xế taxi "dù" hành hung, đòi 650.000 đồng cho đoạn đường có 3 km.

Cát cứ khu trung tâm

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, bức xúc: “Đã gần 20 năm từ khi Mai Linh thành lập, đến nay tình trạng taxi nhái, giả thương hiệu gây thiệt hại cho người tiêu dùng vẫn chưa được giải quyết. Các hãng taxi cùng Sở GTVT, Thanh tra GTVT, Công an TP... tổ chức mai phục, truy bắt rất nhiều. Thế nhưng, bắt hôm trước, hôm sau lại hoạt động rầm rộ”. Đáng lo ngại, theo ông Huy, tại nhiều điểm trên địa bàn TP đang có tình trạng taxi nhái thuê xã hội đen bảo kê. Khi xe của các hãng lớn vào đón trả khách ở những điểm này thì bị hăm dọa, hành hung. Ông Hồ Huy dẫn chứng cụ thể tình trạng này đang diễn ra ở khu khu vực chợ Bến Thành.

 Xã hội đen bảo kê taxi dỏm?
Taxi nhái, "mù" tập trung dày đặc ở chợ Bến Thành - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Kinh nghiệm Đà Nẵng

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng Võ Thành Nhân cho biết: “Trước đây taxi “dù” hoạt động mạnh ở Đà Nẵng, đặc biệt ở khu vực sân bay, bến Bạch Đằng... Nhờ sự cương quyết của UBND TP, Sở GTVT, Thanh tra, Công an... mới dẹp được. Cụ thể cách đây 5 năm, đích thân Phó chủ tịch UBND TP phụ trách vận tải đã trực tiếp ra sân bay để người dân, DN chỉ từng chiếc taxi “dù” và UBND TP dẹp ngay”. UBND TP Đà Nẵng thường xuyên mời các DN taxi lên họp, lắng nghe kiến nghị của họ và giải quyết. Từ đầu năm 2013 đến nay UBND TP Đà Nẵng đã 2 lần mời các DN taxi họp bàn giải pháp nâng cao chất lượng taxi. Hiện Đà Nẵng không còn taxi “dù” vì chiếc nào xuất hiện lập tức bị cơ quan công an xử lý. 

Đình Mười

Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 2 hãng taxi bị nhái thương hiệu nhiều nhất là Mai Linh và Vinasun. Địa điểm cát cứ của taxi nhái hiện nay là tại khu phố Tây trên đường Phạm Ngũ Lão, chợ Bến Thành, bến tàu khách TP trên đường Tôn Đức Thắng, trung tâm thương mại Diamon Plaza (Q.1), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (Q.5)... Khi cơ quan chức năng kiểm tra, tài xế taxi giả, nhái vẫn xuất trình được phù hiệu, đơn vị chủ quản để đối phó với đoàn kiểm tra. Thường đó là xã viên của một HTX vận tải. Cách quản lý của các HTX chủ yếu là thu phí mà không kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh thanh tra Bộ GTVT, cho biết: “Đầu năm 2012, Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra hoạt động taxi tại TP.HCM, qua đó phát hiện các sai phạm như: nhiều đơn vị kinh doanh taxi giám đốc không điều hành trực tiếp mà chỉ làm dịch vụ hỗ trợ, quản lý lái xe quá lỏng lẻo, khoán toàn bộ cho lái xe; taxi trong sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hãng cạnh tranh không lành mạnh. Đoàn thanh tra đã đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của 1 HTX taxi”.

Ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội 1 - Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Taxi nhái thấy thanh tra là bỏ chạy. Khu vực trung tâm lại quá đông đúc nên thanh tra không dám đuổi vì sợ gây tai nạn. Hiện lực lượng thanh tra chủ yếu phải mật phục để bắt quả tang, xử lý”. Khu phố Tây ba lô ở P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 là khu vực taxi “mù” (không có đăng ký) hoạt động rất mạnh. Công an P.Phạm Ngũ Lão cho biết từ năm 2012 đến nay liên tục phối hợp với CSGT Q.1 tuần tra xử lý các taxi gian dối đồng hồ cước, không có giấy phép, giả nhãn hiệu...

Hành vi ăn cướp

Vì sao tình trạng trên chưa được giải quyết triệt để? Ông Hồ Huy nhận xét rằng quy định mức xử phạt vi phạm theo Nghị định số 71 (taxi có màu sơn, biểu trưng không đúng với đăng ký) bị phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày không đủ sức răn đe.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đưa ra một chồng dày các hồ sơ xử lý taxi giả, nhái thương hiệu và có hành vi “chặt chém” hành khách. Các chồng hồ sơ này không ngừng tăng lên. Ông Thanh cho biết khó khăn là các taxi “dù” chặt chém du khách không hề có phép nên không thể rút giấy phép. Những taxi vi phạm là xã viên HTX thì buộc ngừng hoạt động chiếc này sau đó lại lập tức xuất hiện chiếc khác. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp ngay với CSGT tăng cường kiểm tra tại các điểm nóng như chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng, phố Tây... Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kết quả sẽ không triệt để do mức xử phạt không đủ sức răn đe. Đây là hành vi ăn cướp nên phải xử lý hình sự mới có tác dụng”, ông Thanh nói.

Cần mạnh tay với tệ nạn này

Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó TGĐ Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist - bức xúc: “Taxi là phương tiện di chuyển phổ biến hiện nay của du khách đến TP.HCM, cho nên nhà nước cần phải quản lý loại hình taxi này càng chặt càng tốt. Chúng tôi hoan nghênh tiến tới dẹp nạn taxi hành du khách để góp phần thay đổi bộ mặt du lịch Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP du lịch Hòa Bình - cho rằng: “Nạn taxi “dù” đang làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của Việt Nam, du khách đến Việt Nam cảm thấy không được an toàn vì an ninh không tốt. Tôi đề nghị dứt khoát phải chấn chỉnh tệ nạn này để không gây ảnh hưởng xấu đến tình hình thu hút du khách nước ngoài tại Việt Nam”.

Q.Thuần

Đình Mười

>> Tài xế taxi truy bắt 2 nghi can cướp giật tài sản người nước ngoài
>> Một tài xế taxi bị sát hại
>> Tài xế taxi lãnh án
>> Giật đồ của khách, tài xế taxi lãnh án
>> Tài xế taxi trả lại 10.000 USD cho khách 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.