Hướng tới bộ quy tắc đủ mạnh cho biển Đông

19/04/2013 03:25 GMT+7

Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) được đánh giá là có nhiều đề xuất táo bạo nhưng có thể sẽ bị Trung Quốc làm khó.

Dự thảo COC được ASEAN khởi xướng từ tháng 7.2012 và đang trong quá trình thảo luận nhằm đạt thống nhất trong khối và mang lên bàn đàm phán với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng nước này sẽ không bao giờ chấp nhận một COC với đầy đủ các cơ chế giải quyết bất đồng chặt chẽ, do 2 điểm mấu chốt: Trung Quốc khăng khăng cho rằng tiến trình đàm phán sẽ bị ách tắc nếu như sự can dự của Mỹ vào khu vực vẫn còn đó và Bắc Kinh không hoàn toàn tin tưởng vào vai trò trung lập của các bên không trực tiếp tham gia tranh chấp.

 
Tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines hồi năm ngoái - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Mark Valencia (Viện Nautilus - Mỹ) đã có điều kiện nghiên cứu kỹ dự thảo COC và nhận định với Thanh Niên: “Dự thảo COC lần này là một bước tiến quan trọng với những điều khoản táo bạo, toàn diện và cụ thể hơn. Dự thảo đưa thêm vào 3 cam kết trọng yếu: tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia vùng ven biển; tôn trọng COC và có những động thái thống nhất với cam kết đó; đồng thời khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng COC. Dự thảo cũng tái khẳng định một điểm mấu chốt: các quốc gia ký COC không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa hay vũ lực”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Valencia đánh giá điều khoản liên quan đến việc tôn trọng EEZ và thềm lục địa cần được làm rõ thêm vì nó có thể bao gồm từ tôn trọng các tuyên bố chủ quyền hiện nay cho đến tôn trọng luật do chính các quốc gia ven biển ban hành, bất chấp luật đó có phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển hay không. Ông Valencia cho rằng có lẽ điều khoản sẽ gây tranh cãi nhiều nhất là quy định: “Các bên liên quan đồng ý không tiến hành diễn tập quân sự, hải giám hay các hành động khiêu khích khác trên biển Đông”. Ông nói: “Cá nhân tôi đánh giá cao đề xuất táo bạo này nhưng nó khó có khả năng tìm được đồng thuận giữa một số bên, nhất là Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, theo ông Valencia, dự thảo nên bổ sung thêm một số điều khoản để hướng tới một bộ quy tắc đủ mạnh cho biển Đông. Trong đó có cơ chế xử lý vi phạm và đòi hỏi phải có cam kết giữa các bên sử dụng biển Đông chỉ cho “mục đích hòa bình”. Các cam kết quan trọng khác chưa được nhắc tới bao gồm: chính thức khẳng định tính ràng buộc của COC; không bên nào được phép có những hành động đơn phương gây phá hoại hay cản trở tiến trình đạt đến thỏa thuận cuối cùng về vùng tranh chấp; tham gia ký COC nên là nguyên thủ quốc gia nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và đảm bảo tính cam kết cao.

Philippines thúc đẩy hoàn tất COC

Tờ The Manila Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho hay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, Tổng thống Benigno Aquino III sẽ thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC. Ông Hernandez khẳng định đây là thời điểm chín muồi để Trung Quốc và ASEAN đàm phán COC. Phát ngôn viên này cũng cáo buộc Trung Quốc đưa tàu đến đồn trú ở bãi cạn Scarborough đang tranh chấp và xem đây là bằng chứng cho thấy một số bên vẫn chưa thực hiện đầy đủ DOC.

Bên cạnh đó, theo Kyodo News ngày 18.4, quân đội Philippines và Mỹ đang xem xét phát triển một lực lượng “có khả năng xử lý các lợi ích chiến lược của Philippines ở biển Đông”.

Phát biểu tại lễ bế mạc cuộc tập trận chung Balikatan hôm 17.4, Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương Terry Robling cho hay đã thảo luận với Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Emmanuel Bautista về lộ trình tăng cường phối hợp huấn luyện, đào tạo để xây dựng một lực lượng bảo vệ lãnh thổ “có năng lực mạnh”.

Lê Loan

Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ thảo luận về biển Đông

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra từ 24 - 25.4 tại Brunei, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về các biện pháp bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông. Đây là thông tin được Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết tại cuộc phỏng vấn ngày 18.4. 

Theo ông Vinh, tình hình biển Đông thời gian qua có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh trong đó có an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông là quan tâm chung và lợi ích của ASEAN, của khu vực cũng như các nước liên quan và ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong vấn đề biển Đông.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng trong thời gian tới để đạt các mục tiêu chung này. Một trong những nội dung quan trọng là bảo đảm thực hiện hiệu quả những cam kết, thỏa thuận đã có, bao gồm Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)... 

Tại hội nghị sắp tới, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến cũng sẽ tiếp tục trao đổi về một vấn đề rất cấp thiết là xây dựng cho được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), vốn đã được ASEAN tích cực, chủ động đề xuất để sớm tiến hành đàm phán với Trung Quốc.

NG.Phong

An Điền

>> EU và Việt Nam trao đổi về vấn đề biển Đông
>> ASEAN quyết liệt trong vấn đề biển Đông
>> ASEAN sẽ ra thông cáo chung về biển Đông
>> Bãi biển đông nghịt người vì nắng nóng
>> Đề nghị không sử dụng vũ lực với ngư dân trên biển Đông
>> Nhất trí về bộ quy tắc trên biển Đông
>> Mỹ hết sức lo ngại về căng thẳng biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.