Chưa thống nhất được phạm vi giám sát, phản biện của mặt trận

16/04/2013 15:01 GMT+7

(TNO) Dự luật Mặt trận tổ quốc sửa đổi lần đầu tiên trình tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 16.4 chưa nhận được sự tán thành của các thành viên dự họp ở nội dung giám sát và phản biện xã hội .

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Vũ Trọng Kim, nhiệm vụ giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân hiện nay còn chung chung, tính khả thi không cao.

Vì vậy, sửa luật lần này, ban soạn thảo đã xác định và hoàn thiện cơ bản các hình thức giám sát của mặt trận, trong đó có các hình thức giám sát mới, như: "Tổ chức, hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát”, thay thế cho hình thức “động viên nhân dân giám sát” như luật hiện hành; “Tổ chức đoàn giám sát khi cần thiết” và quy định “các hình thức giám sát khác cho phù hợp với quy định của pháp luật”.

Việc quy định “tổ chức đoàn giám sát khi cần thiết” được ông Vũ Trọng Kim lý giải là “nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đang đặt ra ngày càng nhiều và nặng nề cho MTTQ, đặc biệt là trong các trường hợp khi các cơ quan hữu quan của Nhà nước đã xem xét, giải quyết nhưng chưa đáp ứng quyền, lợi ích của nhân dân, cần có tiếng nói độc lập, khách quan của MTTQ để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.

Dự luật lần này cũng đã bổ sung thêm các quy định về hoạt động phản biện xã hội. Trong quá trình nghiên cứu, ông Kim cho biết còn hai loại ý kiến khác nhau về đối tượng, phạm vi giám sát, phản biện xã hội của mặt trận.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự thảo chỉ quy định việc mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, nhà nước; phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định giám sát cả hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên; phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng đây là vấn đề mới, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đủ điều kiện mới thể chế hóa thành pháp luật.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị phải xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội; đồng thời xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động này cũng như trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, phản biện trong việc thi hành kết luận giám sát, phản biện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét dự luật chưa làm rõ mối quan hệ pháp lý giữa người nêu vấn đề phản biện với cơ quan, tổ chức tiếp nhận các ý kiến góp ý phản biện. “Hay anh cứ nêu, tôi muốn nghe gì thì nghe kệ tôi, rồi ai phán xử cái này? Phải quy định rõ hệ quả tiếp nhận phản biện”, ông Ksor Phước đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành các ý kiến phát biểu trước đó. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ thêm để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay vì trình tại kỳ 5 như nghị trình dự kiến.

Bảo Cầm

>> Mặt trận Tổ quốc VN kiến nghị gì với Thủ tướng về vụ Tiên Lãng?
>> Sửa luật phải đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
 >> Cần hiến định quyền giám sát, phản biện của dân
>> Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng
>> Chuyên gia phản biện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.