Đấu thầu vàng, ai lỗ ?

15/04/2013 03:15 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đã nhập vàng với giá 41 triệu đồng/lượng, nay giá chỉ còn 37 triệu đồng/lượng nhưng Ngân hàng Nhà nước không lỗ vì bán giá cao. Các đơn vị kinh doanh vàng thừa khôn ngoan để giải tán hàng tồn kho, "làm bàn" ngay khi trúng giá. Vậy ai là người chịu lỗ khi giá vàng lao dốc?

Đấu thầu vàng,  ai lỗ ?
Người lỗ là người mua vàng  - Ảnh: Diệp Đức Minh

Siêu lợi nhuận

Gần 6 tấn, tương đương với 158.200 lượng vàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra thị trường thông qua 6 phiên đấu thầu. Kết quả là, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được đưa đến mức kỷ lục: 4,8 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua.

Điều gì đang xảy ra trong giải pháp bình ổn thị trường vàng của NHNN?

Câu hỏi lớn nhất trên thị trường lúc này là, tại sao giá vàng càng bình ổn thì lại càng cao hơn giá thế giới như nói trên. Nếu nhìn vào mức giá, cách cung vàng ra thị trường của NHNN, có thể khẳng định cơ quan này đang thực hiện việc kinh doanh vàng. Họ bán ra với giá mua vào cộng thêm một phần lợi nhuận. Cụ thể, khi NHNN tạm nhập vàng khối, tái xuất vàng phi SJC thời điểm tháng 3, giá vàng thế giới trung bình chưa tới 41 triệu đồng/lượng. Nếu thực sự muốn bình ổn, NHNN có thể bán ra với giá 42 triệu đồng/lượng nhưng đơn vị này lại không làm như vậy. Họ muốn khoản lợi nhuận lớn hơn và thực tế là siêu lợi nhuận. Cụ thể, tại phiên đấu thầu vàng đầu tiên, giá đấu của NHNN đưa ra lên tới 43,81 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thị trường, tạo chênh lệch gần 4 triệu đồng/lượng giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới và đem về cho NHNN một khoản lợi nhuận lớn. Đáng nói là với việc đưa giá đấu thầu cao hơn giá thị trường nên ngay sau phiên đấu thầu, giá vàng SJC đã được đẩy cao hơn trước phiên đấu thầu.

Tương tự, đến phiên đấu thầu thứ 2, giá đấu khởi điểm của NHNN là 43,23 triệu đồng/lượng, độ chênh giữa vàng trong nước và thế giới vẫn gần 3 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng cách ngắn nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới kể từ khi thực hiện việc đấu thầu vàng. Các phiên đấu thầu sau đó, khoảng cách bắt đầu được kéo dài ra, tỷ lệ với sự suy giảm của giá vàng thế giới để đảm bảo mức lợi nhuận của NHNN. Cụ thể, từ 3,5 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng rồi lên 4,1 triệu đồng và đến cuối tuần qua, vàng trong nước đã cao hơn vàng thế giới 4,8 triệu đồng/lượng.

Đến lúc này, giá vàng thế giới chỉ còn khoảng 37 triệu đồng/lượng, so với giá nhập 41 triệu đồng/lượng trước đó, NHNN đang lỗ khoảng 100 USD/oz. Cách duy nhất để né lỗ, thậm chí vẫn lời là "neo" giá vàng trong nước ở mức cao. Thị trường đã diễn biến đúng như vậy. Còn nhớ cuối tuần qua, khi vàng thế giới giảm gần 600.000 đồng/lượng thì giá vàng trong nước lại chỉ giảm 270.000 đồng/lượng. Tính chung cả tuần qua, giá vàng trong nước chỉ giảm 3,4% trong khi giá vàng thế giới đã giảm hơn 6%. Cách giảm đủng đỉnh của vàng trong nước luôn được lý giải do mãi lực thị trường thấp... Nhưng rất dễ nhận thấy vàng đấu thầu được cung nhỏ giọt (trung bình mỗi phiên một tấn vàng), khoảng cách giữa vàng thế giới và trong nước luôn được duy trì ở mức 3 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng thế giới giảm, khoảng cách này ngay lập tức được kéo rộng ra để đảm bảo cho NHNN không bị lỗ.

Ai lỗ ?

Câu chuyện các đơn vị đấu thầu vàng lỗ nặng do giá vàng đột ngột lao dốc đang gây xôn xao thị trường. Cụ thể, ngay sau phiên đấu thầu gần nhất (ngày 12.4), giá vàng thế giới giảm tới 5% sau một đêm, giá vàng trong nước cũng giảm 1 triệu đồng/lượng. Với mức giảm này, các đơn vị trúng thầu 40.000 lượng vàng lỗ tương ứng 40 tỉ đồng. Nhưng có thể khẳng định, đó chỉ là lỗ tạm tính. Chính các công ty vàng trước đó đã thừa nhận, với cung cách đấu thầu hiện nay, chỉ những đơn vị có sẵn vàng trong kho mới dám tham gia. Nếu đấu thầu trúng, họ sẽ không chờ đến khi nhận vàng của NHNN mà nhanh chóng đẩy lượng vàng tồn kho cho các kênh phân phối và kiếm lời ngay lúc đó. Vì sử dụng vàng tồn kho nên giá giảm thì giá trị hàng tồn kho giảm, lỗ chỉ là tạm tính. Còn phần kinh doanh của họ đã được chốt lời ngay trong phiên đấu thầu. Nên lo các đơn vị trúng thầu lỗ vì giá vàng giảm, là “lo bò trắng răng”.

Vậy ai là người chịu lỗ khi giá vàng lao dốc? Đó chính là người mua cuối cùng trên thị trường. Khoản lỗ từ chính sách nhập vàng, đấu thầu vàng đã chuyển “trọn gói” sang người mua vàng theo cách như vậy.

Nguyên Hằng

>> “Đấu thầu vàng không nhằm mục tiêu bình ổn giá”
>> Phiên đấu thầu vàng khó hiểu
>> Giá đấu thầu vàng cao hơn giá thị trường
>> Ban hành quy trình đấu thầu vàng miếng
>> Đấu thầu vàng thử nghiệm với 30 ngân hàng, doanh nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.