Hà Nội đối phó nguy cơ dịch cúm A/H7N9

10/04/2013 08:55 GMT+7

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài sáng 9.4.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài sáng 9.4.

Tại sân bay, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã đưa vào hoạt động hai máy đo thân nhiệt cảm ứng, đảm bảo 100% hành khách được kiểm tra thân nhiệt. Một khu vực cách ly tại chỗ, các phương tiện phòng hộ, thiết bị vận chuyển đã được chuẩn bị.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, các ca nhiễm vi rút cúm A/H7N9 sẽ được điều trị cách ly nghiêm ngặt, với các phương tiện phòng hộ theo tiêu chuẩn của bệnh tối nguy hiểm.

Cũng theo ông Cảm, Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, túc trực 24/24 giờ hằng ngày. Chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các đội này sẽ phải lên đường đến các ổ dịch để xử lý ổ dịch, hỗ trợ chuyên môn.

Bệnh viện bệnh nhiệt đới TƯ đã bố trí khu cách ly cho bệnh nhân cúm A/H7N9
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã bố trí khu cách ly cho bệnh nhân cúm A/H7N9 - Ảnh: Dương Ngọc

Bệnh viện (BV) Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cũng đã được phân công tiếp nhận những ca bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên. Theo TS Nguyễn Văn Kính,  Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, ngay từ những ca đầu xuất hiện tại Trung Quốc, BV đã kết nối thông tin với các bác sĩ Trung Quốc và chuyên gia Vương quốc Anh về các vấn đề liên quan, mức độ nguy hiểm cũng như cách điều trị các ca nhiễm cúm A/H7N9.

Được biết, bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 có diễn biến nặng với tổn thương phổi rất nhanh, gây khó thở, có thể tử vong do phù phổi, suy hô hấp. Hiện tại Tamiflu vẫn là thuốc kháng vi rút được khuyến cáo sử dụng sớm để tăng hiệu quả.

Hiện BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã dự trữ 3.000 viên Tamiflu cùng 250 khẩn trang đặc hiệu kháng vi rút và 250 trang phục phòng hộ để chống dịch. Tuy nhiên, theo ông Kính, đơn vị còn thiếu máy thở, diện tích chật hẹp, không đủ đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ông Kính cũng đề nghị Bộ Y tế cấp kinh phí mua thêm 5 máy thở, 3 máy lọc máu liên tục và khẩu trang kháng vi rút để sử dụng khi dịch xảy ra.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, chúng ta cũng chưa kiểm soát được gia cầm nhập lậu. Trong khi đó, A/H7N9 là vi rút tồn tại trên gia cầm, chim hoang dã. Mới đây A/H7N9 còn được phát hiện trên chim bồ câu, chim cút. Để phòng bệnh, cần lưu ý những người đi về từ vùng có dịch, khi có ho, sốt, khó thở cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được theo dõi sức khỏe.

Liên Châu

>> Giám sát, xét nghiệm tất cả các ca bệnh viêm phổi, cúm để phòng H7N9
>> H7N9 tiếp tục diễn biến phức tạp
>> Đà Nẵng chuẩn bị chống dịch cúm H7N9
>> Sĩ quan Trung Quốc tố Mỹ tạo ra virus cúm H7N9
>> Chuyên gia lo ngại xét nghiệm H7N9 không chính xác
>> Thêm người nhiễm ­vi rút H7N9 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.