Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả

09/04/2013 03:00 GMT+7

Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn tập trung ôn thi tốt nghiệp. Lời khuyên của các giáo viên có nhiều kinh nghiệm sẽ phần nào giúp học sinh có hướng ôn tập hợp lý, đạt kết quả cao.

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả
Giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) hướng dẫn học sinh ôn thi môn tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môn Văn: Ôn theo chủ đề

Trước một lượng kiến thức lớn, học sinh (HS) cần chủ động lên kế hoạch ôn tập một cách khoa học, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. HS có thể kết hợp ôn theo đặc trưng thể loại với nhóm tác phẩm theo đề tài - chủ đề. Đây là một cách ôn tập hiệu quả vì các em vừa hệ thống được kiến thức vừa vận dụng cùng lúc nhiều dạng đề bài cho nhiều tác phẩm. Ví dụ ở chương trình học kỳ 2 lớp 12 nâng cao, có thể nhóm các tác phẩm - đoạn trích theo các chủ đề: nhân đạo (các bài Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ); chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; khuynh hướng sử thi - cảm hứng lãng mạn (các bài Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình); cách nhìn mới về cuộc sống, con người của văn học sau 1975 (các bài Một người Hà Nội, Chiếc thuyền ngoài xa).

Khi ôn tập theo chủ đề, các em cần chú ý làm rõ những khái niệm, kiến thức cơ bản từ đó soi chiếu vào tác phẩm. Chẳng hạn khi ôn các nhóm tác phẩm - đoạn trích trên, các em hãy tìm hiểu các khái niệm “giá trị nhân đạo”, “khuynh hướng sử thi - cảm hứng lãng mạn”, “chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam” cùng với những biểu hiện cơ bản, đặc điểm nổi bật trong cách nhìn mới về cuộc sống - con người của văn học sau 1975... rồi vận dụng vào những tác phẩm cùng nhóm.

Thiếu hụt kỹ năng làm bài là một hạn chế lớn nhất ở HS hiện nay. Dù là nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, cũng cần xác định một hệ thống lập luận chặt chẽ (qua hệ thống luận điểm, sự sắp xếp hợp lý các ý). Việc xác định rõ chức năng của từng phần: mở bài, thân bài, kết bài tưởng đơn giản nhưng cũng khá cần thiết để tránh tình trạng thiếu hay “lấn sân” các yêu cầu của đề. Để rèn kỹ năng làm văn, các em nên chia thành các kiểu - dạng đề bài, tìm hiểu cách làm bài với mỗi kiểu - dạng đề bài đó. Các dạng đề bài yêu cầu phân tích, cảm nhận đoạn thơ, nhân vật (nhóm nhân vật), một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm là những dạng đề cần chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.   

 Thạc sĩ TRIỆU THỊ HUỆ  Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Môn tiếng Anh: 8 điều cần chú ý

Để đạt kết quả cao, các em cần theo sát sách giáo khoa tiếng Anh 12, xem lại phần từ vựng trong sách lớp 10, 11 với các chủ điểm về môi trường, tổ chức quốc tế, văn hóa thể thao, nghề nghiệp và giáo dục, gia đình... Ngoài ra, cần chú ý các điểm sau:

- Verb tense: Cần chú ý khi dùng ngôi thứ ba số ít ở thì simple present. Thì present continuous dùng trong các câu có các từ như: now/at the moment/right now/at present = presently hay có câu ra lệnh. Trong văn kể thường dùng với các thì ở quá khứ nhất là thì simple past. Những câu có after/before/as soon as, no sooner... than, hardly... than, scarely... than... thường dùng với past simple và past perfect. Những từ như: just, for,  lately = recently, ever, never hoặc so far = up to now = up to the present... dùng present perfect...

Ôn các cách diễn tả tương lai của simple future/future with “going to”/present continuous/ simple present, thì của động từ trong các câu điều kiện (conditional sentence) và lời nói gián tiếp (reported speech). Câu điều kiện IF (Conditional sentences): Có thật, có thể xảy ra trong tương lai:  Mệnh đề IF: S+ V1, mệnh đề chính: S+ will + bare infinitive; Không thật ở hiện tại:  Mệnh đề IF: S + V2, mệnh đề chính: S would + bare infinitive; Không thật ở quá khứ: Mệnh đề IF S + had + V3; mệnh đề chính: S would + have + V3.

- Verb forms: Chú ý các trường hợp dùng Gerund (v-ing) sau một số động từ hay cụm động từ như like, enjoy, avoid, hate, start, do you mind, I don’t mind, keep,... be fed up with, be afraid of, be fond of, be aware of, be interested in, look forward to, be used to (quen với), be used for, can’t help.

- Cấu trúc câu: Chú ý các cấu trúc passive voice, reported speech, relative clause (còn gọi là adjective clause), participial phrase, to-infinitive phrase, conditional sentence (3 loại câu điều kiện). Phần này có thể chiếm trên 1/5 số điểm nhưng nằm rải rác ở nhiều nơi.

- Giới từ: Giới từ đi với các từ chỉ thời gian và nơi chốn, đi với động từ, đi với tính từ... nằm rải rác trong các bài học, và đặc biệt cần chú ý các phrasal verbs có trong SGK chuẩn (units 14 & 15 và Test Yourself F). 

- Cách dùng của các từ nối như: because và because of/so, although/in spite of/ despite/but/even though/ however/therefore (units 7 & 9), và cách dùng articles (a, an, the, no article) (SGK chuẩn unit 8)

- Phân biệt các cách dùng: so... that/such... that/too... for... to/not + adj + enough to do something/enough +  noun/as... as/not so... as/adj-ER + than/ more adj + than/double comparative/the + comparative..., the + comparative...

- Trọng âm (main stress): Chỉ chú ý các từ 2 hoặc 3 âm tiết: Những từ tận cùng bằng ic, tion, sion, ity, tual... nhấn vần trước đó chẳng hạn económics, translátion, intellétual, abílity... Một số danh từ hay tính từ có 3 âm tiết: nhấn vần thứ nhất chẳng hạn cónfidence, pólitics, vértical... Những từ tận cùng bằng:  ee, eer, sque, nhấn ngay từ có những từ đó chẳng hạn voluntéer, pionéer, employée, referée, picturesqúe...

- Chú ý cách phát âm những âm cuối “S”, “ED”, “CH” và một số nguyên âm hoặc phụ âm mà HS thường hay nhầm lẫn. “ED” được phát âm là /t/ khi đứng sau các phụ âm vô thanh, “S” được phát âm là /s/ khi cũng ở sau các phụ âm vô thanh và chữ “t”.

TRẦN THỊ HUYỀN THANH Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM

B.Thanh (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.