Dân có thể kiện thủy điện “giết” sông

09/04/2013 03:30 GMT+7

Nước là tài sản chung, được sử dụng trên nguyên tắc chia sẻ cùng nhau. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, khi có một bên xâm hại lợi ích của các bên còn lại thì bên bị hại có quyền khởi kiện.

Dân có thể kiện thủy điện “giết” sông
Dòng Vu Gia khô cạn - Ảnh: V.P.T

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển (CBD), chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) khẳng định cả chính quyền và người dân địa phương đều có thể đứng ra kiện khi Ban Quản lý dự án thủy điện vi phạm luật về tài nguyên nước.

Chuyển nước đi nơi khác

Theo ông, trong thủy điện, nước của dòng chính bị chuyển qua nơi khác vì nhà máy thủy điện thiết kế những hầm, ống rất lớn xuyên qua núi để dẫn nước từ dòng chính chảy theo dạng ống với độ dốc lớn và với cường độ rất mạnh để tạo ra một nguồn năng lượng lớn hơn, có lợi hơn khi chạy qua tua bin, tạo ra nguồn điện năng nhiều hơn. Tuy nhiên sau đó nó sẽ tạo ra một dòng sông chết vì nước đã bị chuyển sang nơi khác. Do đó vấn đề chuyển dòng nước từ sông Vu Gia và sông Thu Bồn của thủy điện Đăk Mi 4 cũng như một số công trình khác là việc nguy hại đối với môi trường. Nó có thể giết chết toàn bộ hệ sinh thái của dòng sông bị lấy cắp nước.

PGS-TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng hiện tại nguồn nước đang khan hiếm nên nhà máy thủy điện muốn giữ nước lại để sản xuất điện bán với giá cao hơn. Họ đang tối ưu hóa lợi ích của mình mà bất chấp thiệt hại của người dân vùng hạ lưu. Cần phải hiểu rằng tài nguyên nước là tài sản chung chứ không phải là việc mình xin được phép làm thủy điện rồi khống chế ở dưới hạ lưu như hành động của thủy điện Đăk Mi 4.

Đối với các đập thủy điện, thường cơ quan chức năng phải quy định lượng nước tối thiểu về phía hạ lưu là bao nhiêu chứ không phải do ban quản lý dự án muốn xả nước như thế nào cũng được. Lượng nước xả phải được tính toán dựa trên cơ sở lưu lượng tối thiểu của dòng chảy tự nhiên. Từ đó, thủy điện phải xả nước với lượng tương ứng để đảm bảo cho người dân vùng hạ lưu lấy nước sinh hoạt được, không gây khô hạn, ô nhiễm... “Những quy định như vậy thì theo tôi biết nó chưa có hoặc có thì chưa được rõ ràng thậm chí có mà chưa dựa vào sự tính toán khoa học cụ thể”, TS Tuấn nói.

Buộc bồi thường thiệt hại cho dân

 

Nguồn nước phải được phân bổ theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro. Kể cả việc buộc thủy điện phải dùng một phần lợi nhuận để bù đắp các ảnh hưởng xấu mà nó gây ra cho những người khác

PGS-TS Lê Anh Tuấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ

Theo TS Tuấn, ở nước ngoài, việc người dân kiện buộc các nhà máy thủy điện phải bồi thường thiệt hại là rất bình thường. “Thủy điện có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư nhưng lại gây ra những tổn thất cho nhiều đối tượng khác. Nguồn nước phải được phân bổ theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro. Kể cả việc buộc thủy điện phải dùng một phần lợi nhuận để bù đắp các ảnh hưởng xấu mà nó gây ra cho những người khác”, ông kết luận.

TS Vũ Ngọc Long cũng cho rằng, việc Ban quản lý dự án thủy điện Đắk Mi 4 lần lữa xả nước cho Đà Nẵng và Quảng Nam với lý do phải chờ quy trình vận hành liên hồ đang trình Chính phủ phê duyệt thực chất là để kéo dài thời gian nhằm bảo vệ lợi ích của họ.  “Nhu cầu sử dụng nước của người dân thì không thể chờ được. Người dân có thể kiện Ban Quản lý dự án thủy điện”, ông Long nói. Theo quy định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phải xem xét trong phạm vi rộng, tính đến vùng hạ lưu chứ không phải chỉ xem xét ở khu vực môi trường thay đổi ở xung quanh con đập. Trong khi đó các dự án thủy điện thường không xem xét ở những vùng hạ lưu mà chỉ xem xét xung quanh khu vực nhà máy thủy điện thôi. Rõ ràng các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó chưa hoàn chỉnh. Chính quyền địa phương có thể yêu cầu thủy điện hoàn trả lại nước và các tài nguyên khác bị mất do các tác động mà thủy điện đã gây ra.

Từ phía người dân, theo TS Long, họ phải tập hợp lại, thông qua các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp để gửi đơn kiện. Những thiệt hại cụ thể do thủy điện giữ nước gây ra cho sinh hoạt, sản xuất cần được các đoàn thể tập hợp để làm chứng cứ khởi kiện.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cũng phân tích thêm: Pháp lệnh về tài nguyên nước quy định người dân có quyền được sử dụng nước sạch và phải ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất trước tiên. Thủy điện không có quyền xâm phạm đến quyền này của người dân. Khi quyền đó bị xâm hại thì người dân có thể căn cứ vào đó để khởi kiện nhà máy thủy điện. “Điều cần chú ý là người dân phải chứng minh được việc thủy điện không xả nước gây ảnh hưởng đến đời sống, như do sử dụng nước nhiễm bẩn, nhiễm mặn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ảnh hưởng đến sản xuất như cây trồng chết, mùa màng thất thu”, ông Hậu nói.

Phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả

Theo điểm e, điều 23 luật Tài nguyên nước thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Nghị định 04 ngày 15.1.2010 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão quy định phạt 20 - 40 triệu đồng, đối với hành vi vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trái quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức buộc khôi phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra.

Vì vậy, người dân có quyền khởi kiện đơn vị này đòi bồi thường thiệt hại và yêu cầu xả nước.

Luật sư Lý Ngọc Hải (Văn phòng luật sư Nguyễn Thị Xuân Hoàng)

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.