Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

04/04/2013 09:30 GMT+7

(TNO) Với hơn 75.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những nước có đông lao động (LĐ) nhất tại đất nước này. Tình hình LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay ra sao? Thanh Niên Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) về vấn đề này.

>> Người Việt tại Hàn Quốc bình thản trước các tuyên bố chiến tranh
>> Hàn Quốc lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp đe dọa từ Triều Tiên
>> Thái Lan chuẩn bị kế hoạch sơ tán công dân ở Hàn Quốc
>> Philippines lên kế hoạch sơ tán 40.000 công dân ở Hàn Quốc

* Thưa ông, đã gần 8 tháng Hàn Quốc dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam do tỷ lệ LĐ hết hạn hợp đồng không về nước cao, đến thời điểm này phía bạn vẫn chưa có thông tin gì về việc có tiếp tục ký gia hạn Bản Ghi nhớ về hợp tác LĐ với Việt Nam hay không. Phía Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Trước tình trạng một bộ phận không nhỏ LĐ Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc không về nước khi hết hạn hợp đồng, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết.

Một trong những biện pháp được đẩy mạnh là thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho xã hội và cho người LĐ về sự cần thiết phải về nước đúng thời hạn và những rủi ro có thể xảy ra nếu người LĐ không về nước khi hết hạn hợp đồng.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội thông tin trực tiếp đến các gia đình người LĐ, vận động các gia đình yêu cầu thân nhân làm việc tại Hàn Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hai nước. Các tỉnh, thành phố có nhiều LĐ làm việc tại Hàn Quốc đã có các văn bản chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể để các cấp chính quyền thực hiện các biện pháp kiên quyết tại địa phương mình. Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức hàng chục hội nghị tại các huyện để thực hiện các biện pháp trên.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc tổ chức nhiều hoạt động để gặp gỡ trực tiếp người LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc để thông tin, tư vấn và vận động người LĐ về nước đúng thời hạn.

 
Nhiều LĐ đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn có nguy cơ không được sang Hàn Quốc làm việc - Ảnh: Thanh Xuân

* Cụ thể, những người LĐ về nước đúng hạn sẽ được ưu tiên những gì, và ngược lại sẽ gặp những rủi ro gì khi ở lại Hàn Quốc?

- Từ giữa năm 2012 đến nay, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích người LĐ về nước đúng hạn. Những người đã làm việc trong suốt thời hạn hợp đồng trong một xí nghiệp (phía Hàn Quốc gọi là LĐ trung thành) nếu về nước đúng hạn sẽ được đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc thêm một hợp đồng mới mà không cần phải tham gia kiểm tra tiếng Hàn. Những người LĐ tuy không làm việc suốt thời hạn hợp đồng cho một xí nghiệp nếu về nước đúng hạn sẽ được tham gia các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính được tổ chức thường xuyên để đi làm việc tại Hàn Quốc.

Những người không về nước đúng hạn được coi là làm việc và cư trú bất hợp pháp. Những người này khi bị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc phát hiện sẽ phạt và bị trục xuất về nước. Bên cạnh đó, sẽ không được hỗ trợ khi gặp rủi ro.

* Với những biện pháp nêu trên, tỷ lệ LĐ Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước có giảm không, thưa ông?.

- Tình hình có chuyển biến, song chưa được nhiều. Chúng tôi đang tiếp tục rút kinh nghiệm để có những giải pháp mới khắc phục tình trạng này. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đề xuất những biện pháp chế tài đối với người LĐ vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật.

* Gần đây có các thông tin về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có những động thái gì để bảo vệ người LĐ?

- Trước những thông tin nói trên, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát sao tình hình để chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn cho LĐ ta đối với các tình huống có thể xảy ra. Hiện nay, tình hình vẫn ổn định, lao động ta vẫn đang làm việc bình thường.

* Xin cảm ơn ông!

Những lời đe dọa trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 12.2: CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba.

Ngày 26.2: Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi cuộc tập trận bắn đạn thận mô phỏng “một cuộc chiến thực sự”.

Ngày 1.3: Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung Đại bàng non.

Ngày 5.3: CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ xé bỏ thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

Ngày 7.3: CHDCND Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc. Liên Hiệp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt nặng nề hơn với Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân.

8.3: CHDCND Triều Tiên thông báo xé bỏ các hiệp ước không xâm lược với Hàn Quốc và cắt đường dây nóng với chính phủ Hàn Quốc. Kim Jong-un bắt đầu chuyến thị sát các đơn vị tiền tuyến và cam kết phát động một cuộc chiến tổng lực.

11.3: Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung Giải pháp then chốt

Hàn Quốc lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên
Binh sĩ Hàn Quốc trong một đợt tập trận gần đây - Ảnh: Reuters

12.3: Kim Jong-un đe dọa xóa xổ đảo Baengnyeong của Hàn Quốc.

15.3: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo kế hoạch tăng cường phòng thủ lục địa Mỹ trước một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng của CHDCND Triều Tiên.

18.3 Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cam kết sẽ hỗ trợ Hàn Quốc với mọi nguồn lực quân sự dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.

19.3: Mỹ thông báo tiến hành các chuyến bay của oanh tạc cơ B-52 tại Hàn Quốc như một phần cuộc tập trận Đại bàng non.

21.3: Quân đội CHDCND Triều Tiên đe dọa tấn công các căn cứ Mỹ ở Nhật và đảo Guam nhằm trả đũa các chuyến bay B-52.

22.3: Hàn Quốc và Mỹ ký hiệp ước mới về biện pháp phản ứng quân sự tập thể trước sự khiêu khích của CHDCND Triều Tiên.

26.3: Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye cảnh báo CHDCND Triều Tiên rằng con đường sống sót duy nhất của họ phụ thuộc vào việc từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân. CHDCND Triều Tiên đặt các đơn vị tên lửa chiến lược vào tình trạng sẵn sàng tấn công lục địa Mỹ, Hawaii, đảo Guam và Hàn Quốc.

27.3: CHDCND Triều Tiên cắt đường dây nóng quân sự cuối cùng với Hàn Quốc.

28.3: Mỹ triển khai hai oanh tạc cơ tàng hình B-2 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân trong sứ mệnh răn đe tại Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

29.3: Kim Jong-un ra lệnh cho các đơn vị tên lửa sẵn sàng tấn công lục địa Mỹ và các căn cứ ở Thái Bình Dương.

Dân chúng Triều Tiên ngày 29.3 tuần hành ủng hộ lãnh đạo Kim Jong-un
Dân chúng Triều Tiên ngày 29.3 tuần hành ủng hộ lãnh đạo Kim Jong-un - Ảnh: Reuters

30.3: CHDCND Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc và mọi vấn đề sẽ được xử lý theo quy định thời chiến.

31.3: Kim Jong-un tuyên bố vũ khí hạt nhân là “sinh mạng quốc gia” trong khi Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên nhất trí tiếp tục phát triển hạt nhân.

1.4: Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ sự khiêu khích nào từ phía Bình Nhưỡng. Mỹ điều động tàu khu trục áp sát bờ biển CHDCND Triều Tiên.

2.4: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử CHDCND Triều Tiên thông báo tái khởi động lò phản ứng plutomium và nhà máy làm giàu uranium tại địa điểm hạt nhân Nyongbyon.
 
3.4: Mỹ điều thêm một tàu khu trục tên lửa đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
 
- Bình Nhưỡng cấm cư dân Hàn Quốc đến khu công nghiệp chung Kaesong nằm bên phía CHDCND Triều Tiên.
 
- Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố không loại trừ biện pháp quân sự nhằm bảo đảm an toàn cho các công dân Hàn Quốc hiện có mặt tại Kaesong.
 
4.4: Mỹ thông báo sẽ điều hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD đến đảo Guam nhằm đối phó với “nguy cơ có thật và rõ ràng” từ Bình Nhưỡng.
 
- CHDCND Triều Tiên thông báo kế hoạch tấn công hạt nhân Mỹ đã được duyệt và chiến tranh có thể nổ ra “trong hôm nay hoặc ngày mai”.
 
- Tình báo Hàn Quốc phát hiện CHDCND Triều Tiên di chuyển các tên lửa tầm trung Musudan có tầm bắn 3.000 km ra bờ biển phía đông.
 
- CHDCND Triều Tiên thông báo các công ty Hàn Quốc phải rút khỏi Kaesong trước hạn chót ngày 10.4. (Sơn Duân)

Thu Hằng (thực hiện)

>> Triều Tiên đe dọa “chẳng có gì mới”
>> Triều Tiên tung video tấn công Hàn Quốc
>> Triều Tiên dọa Thủ tướng Hàn Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.