Chuyên gia gốc Việt “lật tẩy” bí mật phim bom tấn 3D Hollywood

30/03/2013 18:00 GMT+7

(TNO) Ít ai biết rằng đằng sau những cảnh quay gay cấn, hấp dẫn trong Life of Pi lại là… một hồ nước với chiếc thuyền và nhân vật chính mà không hề có con hổ nào, cũng như không có những con quái vật trong các phim bom tấn Hollywood mà đó chỉ là sự "hóa thân" của chiếc xe hay một diễn viên nào đó…

(TNO) Ít ai biết rằng đằng sau những cảnh quay gay cấn, hấp dẫn trong Life of Pi lại là… một hồ nước với chiếc thuyền và nhân vật chính mà không hề có con hổ nào, cũng như không có những con quái vật trong các phim bom tấn Hollywood mà đó chỉ là sự "hóa thân" của chiếc xe hay một diễn viên nào đó…

Những bí mật thú vị này đã được chuyên gia tạo hình và kĩ xảo điện ảnh Thierry Ly Thien Nguyen (người Pháp gốc Việt), người từng tham gia thực hiện kỹ thuật 3D cho các bộ phim bom tấn như Pirates of the Caribbean, Harry Potter and Death Hallows… chia sẻ trong buổi hội thảo 3D Animation - Hình dáng của tương lai diễn ra sáng 30.3 tại Trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia (TP.HCM).

Xoay quanh chủ đề này, Thierry Ly Thien Nguyen đã có cuộc trao đổi riêng với Thanh Niên Online về những thú vị của công nghệ 3D và triển vọng của ngành này tại Việt Nam.

* Kỹ thuật 3D ngày nay phổ biến như thế nào, thưa anh?

- Những bộ phim bom tấn Hollywood như Avatar, John Carter... thành công cũng một phần là nhờ kỹ thuật 3D. Với sự hỗ trợ của 3D thì không cần huấn luyện một con hổ (trong Life of Pi) mà người ta chỉ cần con rối màu xanh lam, xanh lục là có thể thực hiện được những cảnh quay cần đến hổ.

Hay những cảnh cả thành phố bốc cháy hoặc nổ tung thì chỉ cần dùng kỹ thuật 3D trên một phông nền màu xanh và một vài dụng cụ khác là có thể tạo ra những cảnh quay hoành tráng mà lại tiết kiệm được chi phí.

Công nghệ này còn giúp cho các diễn viên thực hiện được những “điệp vụ bất khả thi” như những cảnh bay lượn trên không hay những cảnh quay nguy hiểm. Và đương nhiên là 3D còn giúp chúng tạo ra những sinh vật không có trong thực tế, những con quái vật ghê rợn…


Đằng sau cảnh quay trong Life of Pi - Ảnh: The Star


Sự thật về "con hổ" trong Life of Pi - Ảnh: The Star

*Từng tham gia thực hiện các bộ phim 3D bom tấn của nước ngoài, anh có thể chia sẻ thêm về quá trình thực hiện những bộ phim này?

- Một bộ phim 3D chiếu trong vài giờ nhưng có thể mất vài năm (trung bình là 2-3 năm) để thực hiện với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia. Chẳng hạn như bộ phim Man of steel sắp ra mắt mà tôi có cơ hội tham gia thực hiện, phim này huy động lên đến cả ngàn chuyên gia.

Hay như phim Life of Pi, cũng đòi hỏi rất nhiều chuyên gia. Có chuyên gia chỉ lo làm phần lông con hổ, có người dựng hình khối, có người lo việc biến hồ nước bé xíu thành bờ biển xa tít tắp.

* Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh khi tham gia làm phim ở nước ngoài?

- Để lại nhiều kỷ niệm nhất với tôi là khi còn làm ở Anh trong Công ty kĩ xảo nổi tiếng Double Negative ở London. Tai đây, tôi đảm nhiệm vai trò dựng hình nhân vật và tìm được cảm giác thỏa mãn khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và học được nhiều thứ.

Điều thú vị là hơn phân nửa trong số 700 thành viên của công ty này đến từ những quốc gia khác nhau, trong đó có cả người Việt Nam.


Alice lạc vào "xứ thần tiên" - Ảnh: Cgsociety


Tạo hình nhân vật trong Avatar - Ảnh: Cgsociety

* Gần đây, công ty chuyên về kĩ xảo Rhythm & Hues nổi tiếng của Hollywood và rất nhiều công ty kĩ xảo khác tuyên bố phá sản. Tại sao anh lại về Việt Nam để mở một studio chuyên về 2D/3D và làm nơi nuôi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực này?

- Khi còn hoạt động tại Pháp, tôi đã nhìn thấy được tiềm năng của các bạn sinh viên Việt Nam thông qua những sản phẩm của họ. Tuy kỹ thuật chưa cao nhưng họ rất có tiềm năng để tiến lên trong lĩnh vực này.

Còn chuyện những công ty kĩ xảo ở Los Angeles (Mỹ) phá sản thì theo tôi được biết là họ sa thải các nhân viên để mở những công ty con ở châu Á. Chính họ cũng nhìn ra một châu Á đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.

* Nhiều bộ phim hoạt hình 3D do nhóm các bạn trẻ Việt Nam thực hiện đã được đánh giá cao như Dưới bóng cây, Cô bé bán diêm… Anh có nhận xét gì về những sản phẩm này?

- Tôi đã xem những bộ phim này và rất thích, dù chưa hiểu hết nội dung. Các bạn trẻ thật sự khiến tôi bất ngờ về tài năng và sự sáng tạo của họ.

* Những bạn trẻ muốn nắm bắt kỹ thuật này thì cần phải bắt đầu như thế nào, thưa anh?

- Trước hết phải xác định mình là chuyên gia nào trong hệ thống: chuyên gia tạo hình nhân vật hay diễn hoạt nhân vật… Để làm được điều này, bạn phải học hỏi rất nhiều thứ, chẳng hạn như học về giải phẫu cơ thể người, nắm bắt kĩ xảo điện ảnh… Còn nếu bạn thật là giỏi thì bạn có thể là chuyên gia “toàn diện”.

Theo quan sát của tôi, các bạn trẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này. Các bạn có thể rèn luyện thêm cho mình bằng cách “đầu quân” cho các công ty giỏi để có thêm kinh nghiệm, tham gia các khóa học, đặc biệt là trên mạng hiện có nhiều khóa học online về kĩ xảo, hiệu ứng nên bạn hoàn toàn có thể tự thu nạp kiến thức cho bản thân.

Công nghệ bây giờ thay đổi chóng mặt. Công nghệ mới sản sinh hằng ngày. Vì thế, bạn không nên hài lòng với những gì mình đã làm được mà hãy luôn tìm tòi, đổi mới mình. Tôi đã tốt nghiệp hơn 10 năm trước nhưng bây giờ vẫn phải học hỏi và tự mày mò thể nghiệm các kỹ thuật mới.


Bộ phim hoạt hình 3D Dưới bóng cây do các bạn trẻ Việt Nam thực hiện từng "gây sốt" trong cộng đồng mạng - Ảnh chụp màn hình

* Những người trẻ thường gặp hạn chế gì khi tiếp cận với kỹ thuật này?

- Công nghệ của chúng ta còn non trẻ và rất ít những nơi đào tạo hay những công ty chuyên nghiệp để các bạn ấy phát triển. Nếu có cũng là đào tạo trong khoảng thời gian ngắn, không đủ để họ phát triển thêm khả năng của mình. Tại Pháp, tôi cũng phải học mất 4 năm (bây giờ là 5 năm) mới hoàn thành khóa học về kĩ xảo.

* Nhiều đạo diễn Việt kiều đã trở về Việt Nam và khá thành công như Charlie Nguyễn, Victor Vũ… anh có ý định hợp tác thực hiện những bộ phim kĩ xảo đặc sắc tại Việt Nam không?

- Do làm việc ở châu u trong thời gian dài nên khi đến Việt Nam, tôi chưa có nhiều mối quan hệ. Trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ hợp tác với các hãng phim trong nước để thực hiện những bộ phim chất lượng cho nước nhà.

Buổi hội thảo 3D Animation - Hình dáng của tương lai được tổ chức vào sáng 30.3 đã thu hút trên 300 bạn trẻ tham gia cùng nhiều chuyên gia đến nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình… 

Trong buổi hội thảo, chuyên gia Thierry Ly Thien Nguyen giới thiệu nhiều kiến thức mới mẻ về quá trình sản xuất phim hoạt hình 3D và đằng sau những cảnh quay hoành tráng, ấn tượng trong các phim nổi tiếng như Harry Potter and Death Hallows, Life of Pi… 

Đặc biệt, Thierry đã giới thiệu về kỹ thuật Motion Capture, sử dụng những mô hình thật, sao chép lại những chuyển động của diễn viên thông qua các vi mạch đã góp phần tạo nên những nhân vật đặc sắc như thuyền trưởng Davy Jones (Cướp biển vùng Caribbe), người da xanh trong Avatar, Tintin và chú chó (The adventure of Tintin)… giúp những biểu cảm của nhân vật càng thêm chân thực.


Chuyên gia Thierry Ly Thien Nguyen trong buổi hội thảo sáng ngày 30.3 - Ảnh: Thiên Hương

 

 

Thiên Hương

>> Màn hình 3D cho "dế
>> Máy in 3D MakerBot "hớp hồn" khách tham quan CeBIT
>> Nghệ sĩ bàng hoàng trước tin đạo diễn "Thạch Sanh 3D" qua đời
>> Ghép sọ nhờ máy in 3D
>> Tái tạo hóa thạch với máy in 3D
>> Triển lãm ảnh 3D đường phố ở Bangkok
>> Máy tính 3D "nhúng" tay người dùng vào màn ảnh
>> Bút vẽ 3D đầu tiên trên thế giới
>> Tạo ra tai người như thật bằng công nghệ in 3D
>> Mèo của Nguyễn Nhật Ánh lên phim 3D
>> Cuộc chiến Stalingrad lên phim 3D
>> Thạch Sanh" - phim 3D thần thoại cổ trang Việt
>> Xem phim 3D ngay tại trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.