Tàu chiến Trung Quốc tiến sát Malaysia

29/03/2013 03:15 GMT+7

Việc Trung Quốc đưa tàu chiến đến diễn tập trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia gây bất ngờ về sự phô trương chủ quyền của nước này.

Tân Hoa xã ngày 26.3 công khai loan tin đội tàu 4 chiếc của hải quân Trung Quốc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, đã đến tận bãi đá James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km. Vị trí này là điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên biển Đông, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km. Cùng với sự yểm trợ của 4 trực thăng và 1 tàu đổ bộ, đội tàu này rời đảo Hải Nam hôm 19.3 nhằm thực hiện cái gọi là “diễn tập và tuần tra” trên biển Đông. Tại bãi James, theo Tân Hoa xã, các thủy thủ đã làm lễ tuyên thệ “chiến đấu can trường để bảo vệ chủ quyền và thực hiện giấc mơ Trung Quốc hùng bá”.

Tàu Tỉnh Cương Sơn diễn tập cùng tàu đệm khí đổ bộ
Tàu Tỉnh Cương Sơn diễn tập cùng tàu đệm khí đổ bộ - Ảnh: Hoàn Cầu 

Hành động này của Trung Quốc làm sửng sốt các nhà quan sát và khiến nhiều quốc gia quan ngại. Chuyên gia phân tích Gary Li của Trung tâm tình báo biển IHS Fairplay ở London nói với tờ South China Morning Post: “Chúng ta chưa từng thấy một đội tàu hùng hậu như vậy của Trung Quốc, cả về số lượng lẫn chất lượng, ở tận cực nam biển Đông”. Ông cho biết 3 tàu hộ tống là Lan Châu, Ngọc Lâm và Hành Thủy cũng thuộc loại tốt nhất của hải quân Trung Quốc. Ông hoài nghi: “Thật khó đoán liệu đó có phải chỉ là sự trùng hợp hay không. Nhưng dường như nó phản ánh tham vọng hướng tới hoạt động diễn tập tác chiến thực tiễn của tân Chủ tịch Tập Cận Bình”.

 

Cuộc tập trận là một cảnh báo đối với cả Malaysia và Brunei rằng Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện của họ xa hơn về phía nam và sẵn sàng theo đuổi tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò

Tiến sĩ Ian Storey

Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Á của Singapore nhận định: “Đây sẽ là mối lo lớn cho Malaysia và Brunei, vì hoạt động của đội tàu đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của họ”. Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói trước báo chí hôm 27.3: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao những hành động quân sự của Trung Quốc và khuyến nghị họ minh bạch hơn. Chúng tôi muốn họ sử dụng khả năng quân sự một cách tích cực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong vùng châu Á - Thái Bình Dương”.

Malaysia chưa phản ứng

Theo tiến sĩ Storey, việc quân đội một quốc gia tập trận trong vùng EEZ của một quốc gia ven biển khác là “hợp pháp” và “được phép” theo Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, một số quốc gia không chấp nhận điều này, bao gồm có cả Trung Quốc và Malaysia. “Lập trường của Trung Quốc là việc quân đội nước ngoài tập trận trong vùng EEZ của một quốc gia ven biển là phi pháp theo UNCLOS, trừ khi được sự đồng ý của quốc gia ven biển đó”, ông Storey nói với Thanh Niên. Vậy mà Trung Quốc lại đem hải quân vào sâu trong EEZ của Malaysia để giương oai diễu võ. “Điều đó cho thấy Trung Quốc không công nhận EEZ mà Malaysia tuyên bố chủ quyền và nước này đang tiếp tục theo đuổi “chủ quyền lịch sử” mà họ vẽ trong đường lưỡi bò”, tiến sĩ Storey nói.

Trong khi đó, Malaysia chưa có phản ứng trước hành động mà nhiều người cho là “khiêu khích” này của Trung Quốc. Lý giải thái độ của Malaysia trên góc độ chiến lược, tiến sĩ Ian Storey nói: “Từ đầu thập niên 1990, chính sách của Malaysia là đề cao những chuyển động kinh tế tích cực của Trung Quốc và né tránh đề cập những hệ lụy an ninh đến từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh, gồm cả vấn đề biển Đông”. Bằng cách đó, vấn đề tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Malaysia không căng thẳng như giữa Trung Quốc với các bên khác.

Ngày 28.3, Thanh Niên đã thực hiện nhiều cuộc gọi đến Bộ Ngoại giao Malaysia để hỏi về phản ứng của nước này, nhưng không gặp được người có trách nhiệm. Thư điện tử gửi đến Ngoại trưởng Anifa Aman và các thư ký của ông đến cuối ngày vẫn chưa có hồi âm. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Thủ tướng Najib Razak là ông Sariffuddin Ahmad trả lời phóng viên: “Tôi sẽ phải kiểm tra. Vui lòng gọi lại cho tôi vào ngày mai”. Một phóng viên Malaysia nói với Thanh Niên: “Chính phủ bây giờ đang bận rộn với cuộc bầu cử cam go sắp tới. Thủ tướng Najib đang tất bật chuẩn bị ứng viên và mọi thứ để sẵn sàng trong vòng 1 tuần phải đưa ra thông báo chính thức về ngày tổng tuyển cử. Vì vậy, có thể họ không quá chú tâm vào chuyện này”.

Tuy vậy, “cuộc tập trận là một cảnh báo đối với cả Malaysia và Brunei rằng Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện của họ xa hơn về phía nam và sẵn sàng theo đuổi tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò”, ông Storey nhắc nhở. Ông cũng cho rằng hành động mới nhất của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng quan hệ sắp tới của nước này với Malaysia và Brunei, quốc gia nắm quyền Chủ tịch ASEAN năm 2013.

Ngoài Malaysia và Trung Quốc, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở bãi cạn James. Theo tờ USA Today, hải quân Trung Quốc từng đến khu vực này vào các năm 1993 và 1994. Đến tháng 4.2010, tàu hải giám 83 ngang nhiên dựng bia chủ quyền tại bãi cạn James dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò”. Malaysia từng khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đây hoàn toàn không có căn cứ và nhằm chiếm đoạt tài nguyên.

Trọng Kha

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Tàu chiến Trung Quốc tuần tra phi pháp hàng loạt đảo ở Trường Sa
>> Tàu chiến Trung Quốc "chạm mặt" Hải quân Hàn Quốc
>> Tàu chiến Trung Quốc nhắm tên lửa vào tàu chiến Nhật?
>> Tàu chiến Trung Quốc tiến vào biển Đông tập trận
>> Bốn tàu chiến Trung Quốc đi sát vùng biển Nhật
>> Tàu chiến Trung Quốc đi sát đảo Nhật
>> Tàu chiến Trung Quốc lượn lờ Địa Trung Hải
>> Tàu chiến Trung Quốc mắc cạn tại biển Đông
>> 5 tàu chiến Trung Quốc tiến gần hải phận Philippines
>> Nhật phát hiện tàu chiến Trung Quốc thử nghiệm UAV
>> Tàu chiến Trung Quốc đến gần Philippines

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.