Cho trẻ tham gia truyền hình thực tế: Vừa mừng, vừa lo

27/03/2013 15:00 GMT+7

(TNO) Không ít ông bố, bà mẹ thú nhận rằng họ đã có lúc phải nuốt nước mắt nhìn con run rẩy trên sân khấu hay khóc nấc khi bị loại khỏi cuộc chơi...

(TNO) Háo hức đưa con đăng ký tham gia các chương trình truyền hình thực tế nhưng không ít ông bố, bà mẹ sau đó thú nhận rằng họ đã có lúc phải nuốt nước mắt nhìn con run rẩy trên sân khấu hay khóc nấc khi bị loại khỏi cuộc chơi...

Mong con được... "lột xác"

Trong phòng chờ tuyển sinh của một cuộc thi tài năng dành cho mọi lứa tuổi, một bà mẹ cẩn thận lau mồ hôi, xiết dây buộc tóc và chỉnh lại trang phục cho con.

Con chị chỉ trạc 6 - 7 tuổi, đôi mắt ánh lên vẻ lanh lợi vẫn nhưng tuyệt nhiên không dám... di chuyển nhiều. Đến cả ăn cơm hộp, cô bé cũng múc từng muỗng với vẻ dè dặt như sợ son phấn sẽ "bay hết" như lời mẹ dặn.

Ở một góc khác, hai vị phụ huynh cười nói rôm rả, không ngừng huyên thuyên về thành tích hoạt động "văn nghệ, văn gừng" của con mình. Còn hai đứa trẻ nghêu ngao hát, rồi khi mệt lại gục lên đùi mẹ.

Những hình ảnh như thế không hiếm gặp ở hậu trường các cuộc thi, nhất là khi sân chơi dành cho trẻ em ngày càng đa dạng như hiện nay.


Cả gia đình cùng "gặm" bánh mì, chờ tới lượt thi của con tại vòng sơ tuyển Vietnam's Got Talent 2013 ở TP.HCM - Ảnh: n Nguyễn

Qua chuyện trò, dù luôn khẳng định lý do hàng đầu rằng "đưa con đi thi chủ yếu để bé giải trí", nhưng không khó để nhận thấy sự kỳ vọng to lớn mà các bậc cha mẹ dành cho con mình trong các chương trình truyền hình thực tế.

Có người muốn con đi thi để có thể mạnh dạn hơn, xóa bỏ tính nhút nhát. Có người cho rằng những chương trình truyền hình thực tế sẽ giúp họ phát hiện được "tài năng tiềm ẩn" của con cái, có người muốn con mình "lột xác" để được như con của anh A, chị B...

Trong khi đó, nhiều bé đi thi vẫn rất hồn nhiên, vô tư đến độ sắp đến lượt mình vẫn nô đùa với bạn hay lí lắc pha trò. Những bé lớn hơn, trạc 9-10 tuổi, thì có phần lo lắng hơn, liên tục tập dợt các động tác hay nhẩm lại lời bài hát.

Chị T. Cúc (Q.7, TP.HCM), người từng đưa con tham gia cuộc thi Vietnam's Got Talent 2012, cho biết: "Khi cho con đi thi, tôi mong con mình trưởng thành hơn, dù có thất bại nhưng con sẽ rút ra nhiều bài học để sau này có va chạm với cuộc sống cũng không bỡ ngỡ".

Nói là nói vậy, nhưng khi chứng kiến con bị loại từ vòng ngoài rồi khóc nấc trên tay mình, chị Cúc đã không cầm được nước mắt.

Dù không hối hận với quyết định của mình, nhưng chị Cúc cho biết, nếu có cho con tham gia những chương trình tương tự một lần nữa, thì chị sẽ chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt. "Có nhiều cái phải lo lắm", chị Cúc trầm ngâm.

Những nỗi lo vô hình

Hiện nay, những sân chơi truyền hình nổi bật dành cho các thí sinh nhí Đồ Rê Mí, Vietnam's Got TalentGiọng hát Việt nhí (đang tuyển sinh mùa đầu tiên).

Thế nhưng, vụ scandal của cô bé Quỳnh Anh tại Vietnam's Got Talent 2012, những "hạt sạn" trong cuộc thi Đồ Rê Mí 2012... đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng.


Bảo Trân cực "ngầu" trong phần thi hát Rock con diều tại chương trình Đồ Rê Mí 2012 - Ảnh: BTC Đồ Rê Mí cung cấp

Trên các diễn đàn như Webtretho, Lamchame... không ít ý kiến cho rằng những cuộc thi như thế sẽ ít nhiều gây tác động không tốt đến trẻ.

Đơn cử như trên diễn đàn Lamchame.com, khi một phụ huynh nhờ tư vấn "có nên cho con tham gia một chương trình truyền hình thực tế khá "hot" hiện nay?", nhiều ý kiến tỏ ra khá dè dặt.  

"Mình thì nghĩ những chương trình như thế đôi lúc làm ảnh hưởng đến tâm lý các cháu vì bị người lớn can thiệp nhiều quá", nick Ntthanhnga bày tỏ.

"Mình thấy chương trình này rất hay nhưng càng ngày càng không tự nhiên. Các con không được theo ý mình mà phải cố làm theo các yêu cầu của ban tổ chức. Những yêu cầu quá cao mà các con phải làm trong thời gian quá ngắn", nick Mebelala chia sẻ.

Có thể thấy rằng, hình ảnh cậu bé Đăng Khoa (Michael Khoa) gần như ngã quỵ khi bị loại tại vòng bán kết Vietnam's Got Talent 2012 hay câu chuyện bé Gia Linh bị sốt nặng ba ngày liền nhưng vẫn lên sân khấu biểu diễn trong chương trình Đồ Rê Mí 2012... đã khiến nhiều người xót xa và lo lắng: Liệu con em họ có chịu được những "cú sốc đầu đời" như thế?


Đăng Khoa "sụp đổ" khi bị loại tại vòng bán kết Vietnam's Got Talent 2012 - Ảnh: n Nguyễn

Tại buổi họp báo ra mắt cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013, ông Lại Văn Sâm, Trưởng ban Thể thao giải trí và thông tin kinh tế, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng bị chất vấn khá nhiều về trách nhiệm của ban tổ chức trong việc đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh nhí.

Trước vấn đề này, ông Lại Văn Sâm cho rằng phía ban tổ chức sẽ xử lý thật kỹ ở khâu duyệt chương trình để hạn chế tối đa những gì "nhạy cảm" hay "scandal" nhằm tạo "sân chơi thực sự cho các em" chứ không phải là một cuộc thi tranh giành quyết liệt.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng sẽ rất khó để một chương trình truyền hình trở nên ăn khách mà không có những chiêu trò hậu trường hay những vụ lùm xùm. Và khi đó, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng...

Lợi và hại khi tham gia truyền hình thực tế

Các chương trình truyền hình thực tế sẽ mang đến cho thí sinh rất nhiều lợi ích và tất nhiên cái gì cũng có cái giá của nó.

Qua những chương trình dài hơi này, các em có cơ hội trưởng thành rất lớn. Từng vòng thi là từng bước trưởng thành, nỗ lực mạnh mẽ để có thể “sống” đến vòng cuối cùng và đạt được mục tiêu mong đợi. Điều này sẽ thúc đẩy các em phải liên tục tự hoàn thiện mình. Nhiều trường hợp còn lột xác hoàn toàn so với lúc bắt đầu tham dự.

Sự dài hơi trong cuộc thi còn giúp các em được luyện tính kiên trì, sự tự tin và bản lĩnh. Đó là điều mà cả năm trời trải nghiệm thực tế chưa chắc có thể mang đến.

Chưa kể đến cơ hội phát triển tài năng, cơ hội hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật từ sớm.

Tuy nhiên, các em đang ở độ tuổi đi học, theo đuổi một kế hoạch lâu dài chắc chắn không thể tránh khỏi sự học bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các em còn có nguy cơ tự mãn nếu thành công sớm nếu không được chuẩn bị trước tâm lý; nguy cơ suy giảm sức khỏe do cố gắng quá sức; nguy cơ để xảy ra sự cố do thiếu kinh nghiệm sống, dẫn đến sa vào các scandal.

Cơ hội thì lớn, ắt nguy cơ kèm theo cũng lớn. Do đó, phụ huynh phải tính toán cẩn trọng khi cho con em của mình tham gia những chương trình. Sẽ tuyệt vời nếu con chúng ta phát triển nhanh chóng, trưởng thành và bản lĩnh. Và cũng sẽ hết sức tệ hại nếu cuộc thi có thể làm thui chột đi ý chí, ước mơ hay bỏ phí chuyện học hành.

Tuy nhiên các thí sinh và phụ huynh cần cẩn thận nhưng cũng đừng quá bi quan, không phải chương trình nào cũng nguy hiểm, chỉ vì một "con sâu" thì hà cớ gì chúng ta sẽ mãi mãi từ bỏ "món canh".

(Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

(Còn tiếp)

Thiên Hương

>> Simon Cowell là ngôi sao truyền hình thực tế giàu nhất
>> Thêm một chương trình truyền hình thực tế về… nhảy
>> “Ghế nóng” cho Hoài Linh trong chương trình truyền hình thực tế Gương Mặt Thân Quen
>> Truyền hình thực tế đang “đuối”
>> Trò dàn xếp của truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế, thực đến đâu ?
>> Truyền hình thực tế về việc nuôi con bằng sữa mẹ
>> Truyền hình thực tế “thực” đến tàn nhẫn?
>> Chương trình truyền hình thực tế "Ước mơ của em
>> Dustin Nguyễn làm đạo diễn, MC truyền hình thực tế
>> Bùng nổ truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế Bếp yêu thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.