Chưa biết phổ thông học mấy năm

23/03/2013 03:15 GMT+7

Đổi mới căn bản, toàn diện ra sao để khắc phục chất lượng giáo dục yếu kém hiện nay, sách giáo dục cho học sinh nhiều điều đáng lo ngại..., đó là những vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng GD-ĐT tại phiên chất vấn chiều qua.

 ĐB Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH nêu vấn đề:  Thực tế các lần cải cách giáo dục vừa qua cho thấy, những bất hợp lý, yếu kém lại nảy sinh và tồn tại ngay trong quá trình cải cách. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ra sao? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: quản lý giáo dục có những bất cập, yếu kém trong giai đoạn vừa qua là một nguyên nhân khiến cả xã hội chưa bằng lòng với chất lượng giáo dục. Với tư cách là cơ quan quản lý, trách nhiệm của những yếu kém ấy trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT. 

Bao giờ có thể yên tâm ?

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) hỏi thẳng vào những nội dung cụ thể như: cơ cấu giáo dục phổ thông là 10 năm, 11 năm hay 12 năm; việc phân luồng, phân ban được tổ chức ra sao? Ông Luận nói, điểm mấu chốt trong cải cách giáo dục là "phải có nhận thức mới để giải quyết những vấn đề mới và cả những vấn đề cũ". Riêng vấn đề cơ cấu, ông Luận cũng chưa khẳng định được bậc phổ thông sẽ học bao nhiêu năm khi trả lời rằng hiện nay “các góp ý vẫn nổi lên hai phương án 11 hoặc 12 năm”. Với phương án đề nghị giảm 1 năm học so với cơ cấu hiện hành thì có hai lý do: trưởng thành sớm, khôn hơn, tiết kiệm 1 năm thì tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, công sức, thời gian… Ý kiến 12 năm nói rằng kiến thức bây giờ rộng hơn, 11 năm thì phải được học 2 buổi/ngày, miền núi có khi chỉ học 1/3 buổi/ngày. Các nước giáo dục phát triển vẫn 12 năm, nên đi theo xu hướng chung. “Do vẫn đang còn nhiều ý kiến nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục lắng nghe”, ông Luận nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: "Bộ trưởng có thể nói rõ với đồng bào, cử tri cả nước rằng hằng năm chất lượng GD-ĐT của chúng ta có chuyển biến được hay không và hết nhiệm kỳ của đồng chí, từ nay đến hết năm 2016 có khiến đồng bào ta và chính bản thân đồng chí bộ trưởng có thấy yên tâm không?".

Trước lời hứa sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm và nghị lực của mình cùng với toàn ngành, toàn dân triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện... của người đứng đầu ngành GD-ĐT, Chủ tịch QH vẫn chưa yên tâm. Ông hỏi tới: “Bộ trưởng có thể nói rõ, bao giờ thì đồng bào cả nước có thể yên tâm về chất lượng giáo dục?”. Nhưng ông Luận vẫn vòng vo: với giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về chương trình, nội dung, sau đó là việc biên soạn SGK. Sau 2015 bắt đầu đổi mới chương trình SGK, đổi mới chương trình sư phạm để có đội ngũ giáo viên dạy chương trình mới…

Quá chậm đưa Hoàng sa, Trường Sa vào SGK

Nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng SGK, đặc biệt là sách tham khảo về giáo dục ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ về những vấn đề lớn của đất nước.

ĐB Lê Minh Thông chất vấn trực tiếp vào việc bản đồ trong SGK Tiếng Việt lớp 1 không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà dư luận đang quan tâm. Ông Phạm Vũ Luận nói: "Chúng tôi đã trao đổi với NXB Giáo dục và NXB này lý giải bản đồ trong cuốn sách đó có in hai quần đảo nhưng in nhỏ chứ không phải không có. Chúng tôi đã chỉ đạo NXB Giáo dục cho sửa lại". Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) hỏi: “Bộ trưởng nghĩ gì khi Bộ GD-ĐT quá chậm trễ đưa kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình, SGK, trong khi đó lại xuất hiện quá nhiều sai sót về chủ quyền đất nước trong thời gian qua?”. Tuy nhiên, câu hỏi này đã không nhận được câu trả lời rõ ràng từ Bộ trưởng Luận.

Xung quanh những lo ngại về chất lượng sách tham khảo, ông Luận nói: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, sẽ phải soạn thảo ban hành lại thông tư liên tịch mới để có thể “quét” được tất cả những vấn đề của thực tiễn. “Với sách lưu hành trong nhà trường chúng tôi sẽ rà soát và dựng hàng rào kỹ thuật bằng cách ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để sách kém chất lượng không thể lưu hành”, ông Luận khẳng định.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bức xúc về việc nhập tràn lan sách tham khảo của nước ngoài, ngay cả những sách tập đọc cho học sinh mầm non: “Phải chăng các nhà khoa học, nhà giáo của VN không có năng lực để biên soạn được những sách như vậy hay có những lợi ích gì chi phối”? Ông Luận nói: “Chúng tôi đã có danh mục đầy đủ, không phải thiếu và không phải VN không viết được những sách đó”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.