Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long

19/03/2013 03:15 GMT+7

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định các lãnh đạo mới của Trung Quốc “có năng lực”, nhưng cũng cảnh báo họ về cách ứng xử trước thế giới.

Ông Lý vừa có cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post ngay tại Singapore về nhiều chủ đề, nhưng trọng tâm là Trung Quốc dưới một thế hệ lãnh đạo mới, cán cân quyền lực Mỹ - Trung và tranh chấp lãnh hải. Từ lâu, quan chức và báo chí Mỹ thường xem các lãnh đạo Singapore là những người hiểu sâu sắc về Trung Quốc và châu Á. Điều này cũng vừa được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore K.Shanmugam vào ngày 13.3 tại Washington.

Khi được hỏi ý kiến về những tân lãnh đạo của Trung Quốc, ông Lý nói: “Họ đều là những người có năng lực. Chúng tôi đã gặp nhiều người trong Thường vụ Bộ Chính trị. Họ từng được thử thách và nắm nhiều vai trò khác nhau”. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, theo ông Lý, cũng bị đè nặng trước hết bởi những vấn đề đối nội. Bên cạnh đó, “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là cái mà chính phủ nào cũng thấy rằng mình có trách nhiệm theo đuổi và bảo vệ”. “Nhưng mức độ linh hoạt trong việc họ định nghĩa vấn đề này, cũng như mức độ thỏa hiệp như thế nào thì chúng ta cần phải theo dõi cả hành động lẫn lời nói của họ”, ông Lý gợi ý.

 Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long
Ông Lý Hiển Long (phải) và ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp gỡ hồi năm 2010 - Ảnh: Want China Times

Ông Lý cũng chỉ ra các thách thức đối với các tân lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là: làm sao để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và cải cách kinh tế; thích nghi với một xã hội thay đổi nhanh chóng vì truyền thông mạng và sự lớn lên của tầng lớp trung lưu; đồng thời tìm lối ra thế giới trong nhận thức rằng mình đã hùng cường hơn xưa. 

Cảnh báo

Khi phóng viên nhắc lại chuyện ông Lý từng phát biểu trước 300 cán bộ Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng 9.2012 và kêu gọi nước này nên giữ hình ảnh thân thiện trước thế giới, ông Lý tiếp tục lặp lại: “Đúng, lợi ích của Trung Quốc rất rộng lớn. Đó không chỉ là những hòn đảo trong vùng tranh chấp hay tài nguyên, mà quan trọng hơn là uy tín của một cường quốc đang lên trong cộng đồng thế giới”. Theo ông Lý, thái độ của thế giới đối với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc nước này “có tỏ ra mềm mỏng, tuân thủ luật pháp và dành không gian cho những quốc gia yếu hơn phát triển hay không”. “Một trong những lý do mà Mỹ được chào đón ở châu Á là vì Mỹ muốn khu vực này thịnh vượng, muốn các nước khá lên và sẵn sàng giúp đỡ họ”, ông Lý nhắc nhở.

Trước tình hình căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vấn đề đặt ra là liệu Washington có ủng hộ mạnh mẽ Tokyo hay không. Điều này rất đáng quan tâm khi mà dường như Mỹ thoái lui trong vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough giữa đồng minh Philippines và Trung Quốc. Ông Lý cho rằng: Mỹ không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng “sự hiện diện của Hạm đội 7 của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương từ sau Thế chiến 2 đến nay có tác động ổn định an ninh trong khu vực và khiến các nước kiềm chế trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ nan giải”. Và ông cũng tuyên bố: “Chúng ta thật sự muốn một sự hiện diện lâu dài, không thỏa hiệp, không nửa vời của Mỹ ở châu Á”.

Điều khiến ông Lý lo lắng là trào lưu dân tộc chủ nghĩa ở cả hai quốc gia Trung Quốc và Nhật Bản, khiến không bên nào chịu nhún nhường. Xung đột có thể xảy ra ngoài ý muốn khi mà tàu chiến và chiến đấu cơ hai nước kè sát nhau như thời gian gần đây. “Tôi nghĩ đó là một nhân tố thật sự, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Giới trẻ nước này không từng đi qua chiến tranh cũng không trải qua thời kỳ Cách mạng văn hóa, mà lớn lên trong ổn định và thịnh vượng, nên họ có có cái nhìn nặng tính dân tộc chủ nghĩa nhất về vai trò của Trung Quốc trong thế giới”.

Ông Lý cũng cho rằng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, theo những nhà phân tích thạo tin, có một ảnh hưởng nhất định trong chính sách quốc phòng của nước này, và có thể “tự mình hành động”. Tuy nhiên, vấn đề lãnh thổ nằm trong tầm quản lý của bộ máy chính quyền cao nhất, dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, Thủ tướng Lý nhận định.

Ông cũng cho rằng mọi người đều mong hưởng lợi nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng phình to, “nhưng chúng tôi cũng muốn làm bạn với Mỹ, Ấn Độ và châu Âu”.

Mỹ và Trung Quốc nên tạo dựng một mối quan hệ ổn định và xây dựng để “chúng tôi không phải chọn lựa đi theo một bên”, ông Lý cảnh báo.

Đài Loan sẽ triển khai 50 tên lửa nhắm vào Đại lục

Ngày 18.3, báo China Times đưa tin Đài Loan có kế hoạch sản xuất 50 tên lửa tầm trung vào năm tới để nhắm vào Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan Thái Minh Hiến đã tiết lộ điều này trong cuốn sách được xuất bản gần đây. Theo đó, Đài Bắc đã phát triển thành công loại tên lửa dẫn đường tầm trung vào năm 2008. Loại tên lửa này mang tên Vân Phong và có thể được triển khai để đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, báo China Times dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho hay tên lửa Vân Phong do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn chế tạo có tầm bắn hơn 1.000 km, dự kiến được triển khai tại các vùng đồi núi ở miền trung Đài Loan từ năm tới. Từ khu vực này, chúng sẽ được nhắm vào các mục tiêu, trong đó có các sân bay và các căn cứ tên lửa, dọc theo bờ biển đông nam Trung Quốc. Theo AFP, Cơ quan phòng vệ Đài Loan từ chối bình luận về thông tin trên nhưng đã chỉ trích ông Thái là tiết lộ thông tin có thể gây nguy hiểm cho Đài Bắc.

Lê Loan

Truyền thông Nhật nói Trung Quốc thừa nhận đã “khóa mục tiêu” tàu Nhật 

Kyodo News ngày 18.3 dẫn lời một số quan chức quân sự Trung Quốc giấu tên lần đầu thừa nhận một tàu chiến nước này đã chĩa radar khóa mục tiêu nhắm bắn tàu chiến Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Đầu tháng 2, Nhật Bản từng cáo buộc chiến hạm Trung Quốc đã có hành động trên vào ngày 30.1 khi tàu của 2 bên chỉ cách nhau khoảng 3 km, tại khu vực phía bắc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp. Tuy nhiên, các quan chức trên khẳng định việc chĩa radar không được lên kế hoạch từ trước mà là “quyết định khẩn cấp” của chỉ huy tàu. Đáp lại, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật, đã tuyên bố: “Nếu điều đó là đúng, người ta sẽ nghi ngờ một hệ thống quân đội khi trao quyền hành như vậy cho các chỉ huy tàu trong tình huống không nguy cấp”. Hiện chưa rõ chỉ huy Trung Quốc có bị phạt vì hành động trên hay không. Đến tối qua, Tân Hoa xã đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ thông tin của Kyodo News.

Trong một diễn biến khác, Nhật ngày 18.3 đã “bày tỏ quan ngại” với Pháp về vụ Công ty DCNS của nước này đã bán ít nhất 11 bộ thiết bị, giúp máy bay trực thăng hạ cánh trên tàu trong thời tiết xấu, cho Trung Quốc. Theo AFP, Tokyo lo ngại số thiết bị trên có thể giúp Bắc Kinh cải thiện kỹ thuật đáp trực thăng, đe dọa sự kiểm soát của Nhật đối với Senkaku/Điếu Ngư. Đáp lại, Paris nói với Tokyo rằng các giao dịch trên nằm ngoài khuôn khổ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của EU nhằm vào Trung Quốc.

Trùng Quang

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Thủ tướng Singapore cảnh báo Trung Quốc chớ xem thường Mỹ
>> Báo Trung Quốc đe dọa Philippines, Nhật Bản
>> Báo Trung Quốc khẩu chiến vì bà Clinton
>> Trung Quốc bắt hai người liên quan đến vụ cướp cờ trên xe đại sứ Nhật
>> Trung Quốc triển khai vệ tinh do thám ở biển Đông
>> Ấn Độ, Trung Quốc nối lại hoạt động tập trận chung
>> Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trấn an Ấn Độ
>> Đài Loan, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Trung Quốc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.