Làm rõ vụ Thanh tra giao thông “phù phép” biên bản vi phạm

15/03/2013 03:20 GMT+7

Ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT TP.Hải Phòng, cho biết đã chỉ đạo Thanh tra sở xác minh cụ thể, làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Đội Thanh tra giao thông số 5, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Đầu mối nghi vấn là việc Đội 5 xử lý vi phạm của ông Hoàng Đình Thắng, chủ xe tải nhỏ BKS 33H-9395. Sáng 30.11.2012, ông Thắng ngồi bên phụ cùng tài xế chở 2 tấn muối trên đường Lê Thánh Tông, Q.Ngô Quyền, bị cán bộ Đội 5 lập biên bản vi phạm chở quá tải trọng thiết kế “2 tấn/1,1 tấn”. Với mức quá tải trên 40% này, lái xe bị phạt 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày. Theo quy định, vi phạm này không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp đội mà thuộc thẩm quyền của Thanh tra sở. Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Tùng, Đội phó Đội 5, đã trực tiếp nhận 4 triệu đồng tiền phạt của ông Thắng và trả lại giấy tờ xe cho ông này ngay trong ngày 30.11, không hề có biên lai.

Trong biên bản làm việc của Thanh tra sở với ông Phạm Hồng Khang (cũng là Đội phó Đội 5, người đã ký biên bản vi phạm chở quá tải của xe 33H-9395), ông Khang thừa nhận việc ghi biên bản lỗi quá tải (2 tấn/1,1 tấn) là chưa chuẩn. Vì theo quy định, khi ghi biên bản, các số tự nhiên từ 1 đến 9 phải ghi thêm số 0 vào trước (đúng ra phải là 02 tấn) để tránh việc sửa chữa. Ông Khang cũng thừa nhận thường xuyên viết biên bản không đúng quy định vì ông nghĩ “ai cũng có mối quan hệ nên viết biên bản như thế là để tạo điều kiện có thể linh hoạt giải quyết đối với những trường hợp thân quen”. Các trường hợp như vậy ông đều xin ý kiến Đội trưởng Đội 5 Bùi Mạnh Tuấn.

Một cán bộ Thanh tra sở phân tích: Với vi phạm của xe 33H-9395, biên bản lập ban đầu ghi lỗi quá tải “2 tấn/1,1 tấn” (mức quá tải trên 40%), sau khi nhận tiền phạt 4 triệu đồng, rất có thể thanh tra viên sẽ sửa lỗi quá tải thành “1,2 tấn/1,1 tấn” (thêm số 1 và dấu phẩy ở trước số 2) thì mức quá tải chỉ còn dưới 10%, mức phạt từ 300.000 - 500.000 đồng (mức trung bình là 400.000 đồng), đúng thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên. Nếu có việc sửa chữa như vậy thì chỉ có 400.000 đồng được nộp vào ngân sách, còn 3,6 triệu đồng tiền chênh lệch sẽ bị "hô biến".

Ngoài ra còn nhiều biên bản vi phạm của xe chở quá tải dưới 10%, nhưng con số tải trọng thiết kế của xe ghi trong biên bản không đúng với hồ sơ kiểm định của cơ quan đăng kiểm. Nghiêm trọng hơn, chỉ trong một quyển biên bản (50 tờ) đã có tới hàng chục trường hợp có dấu hiệu bị sửa chữa, sai so với hồ sơ đăng kiểm xe. Câu hỏi đặt ra là với tổng cộng 69 quyển biên bản (trong vòng 2 năm) có bao nhiêu trường hợp bị “phù phép”?

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.