Hộp đen cần giải mã

10/03/2013 03:20 GMT+7

Cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên địa bàn TP.Cam Ranh vào rạng sáng 8.3. Xe khách 76M-1154 bị cho là có lỗi trong vụ tai nạn, nên chiếc hộp đen của xe này sẽ là “đối tượng” đầu tiên mà cơ quan chức năng truy tìm.

Đến chiều 9.3, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy cái mình cần.

Hộp đen là thiết bị giám sát của xe khách. Các thông số ghi lại trong hộp đen như tốc độ, hành trình, thời gian làm việc của lái xe… sẽ là cơ sở để các chủ xe khách biết được các tài xế của mình “nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông” như thế nào. Lắp hộp đen cho xe khách là quy định bắt buộc theo Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà cơ quan chức năng không “giải mã” được. Theo nghị định trên, bắt đầu từ 1.7.2012, tất cả xe khách lưu thông trên đường đều phải lắp hộp đen. Quy định là thế, song thực tế thì việc cơ quan chức năng kiểm tra hộp đen từng xe khách vẫn là điều rất cần đến một “hộp đen” khác để kiểm chứng.

Một điệp khúc đã quá mòn cũ mà ai cũng biết lâu nay: hễ nhà nước ra quy định nào thì doanh nghiệp (kể cả người dân) tìm cách “thích nghi” bằng đủ các kiểu đối phó. Bắt buộc người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, lập tức mũ bảo hiểm “giá rẻ bất ngờ” được bày bán tràn lan khắp nơi. Bắt buộc xe khách phải có hộp đen thì trước khi đăng kiểm xe, doanh nghiệp “thuê” tạm hộp đen đâu đó lắp vào, kiểm tra xe xong lại tháo ra mang đi trả! Ngành giao thông biết điều này không? Chắc chắn là biết. Ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh thanh tra của Bộ GTVT đã từng thừa nhận nhiều doanh nghiệp vận tải chỉ lắp hộp đen theo kiểu đối phó. Trong khi đó, cơ quan kiểm định thì dễ dàng “cho qua” nếu như doanh nghiệp “biết điều” với họ.

Ngoài ra, có lẽ nhiều hộp đen trên xe khách hiện chỉ được cơ quan điều tra giải mã sau khi tai nạn đã xảy ra. Vì vậy, hộp đen sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi doanh nghiệp không tự ý thức mối nguy hiểm, không thường xuyên “răn đe” tài xế. Sẽ càng vô nghĩa hơn nếu trên xe có hộp đen mà doanh nghiệp vẫn “trả lương theo chuyến” đối với tài xế. Tài xế nào “xoay vòng” nhanh thì lương cao mà xoay chậm thì lương ít. Để có “lương cao” buộc tài xế phải xoay vòng nhanh bằng cách tăng tốc độ. Thậm chí, thay vì mỗi xe phải 2-3 tài xế thì họ “vận dụng” một tài rưỡi (1 tài và 1 phụ xe) để tiết kiệm chi phí.

Vì vậy, lắp hộp đen trên xe rồi đi tìm hộp đen sau khi tai nạn xảy ra chỉ mới là phần ngọn của câu chuyện tang thương mà thôi. Cái gốc vẫn là làm sao để mỗi người phải tự ý thức khi tham gia giao thông. Song hành với điều đó là hệ thống đường bộ phải được cải thiện, không để quá nhếch nhác như hiện nay. Đó mới là “hộp đen” cần giải mã.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.