Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 5: Băng Châu hóa thân thành Diễm Châu

08/03/2013 00:00 GMT+7

Đầu năm 1971, sau khi thành công với phim Loan mắt nhung trong năm trước, tôi được người bạn thân Nguyễn Chánh Lý, Tổng giám đốc Kỹ thương Ngân hàng, gọi điện thoại mời đến nhà Lâm Châu, Giám đốc Hãng gạch men Thanh Thanh, để gặp mặt các bạn khác trong một buổi tiệc vui.

Sau bữa ăn, Nguyễn Chánh Lý đề xướng với giọng nửa đùa nửa thật: “Chúng ta hãy dự một “cuộc chơi” thú vị! Hãy cùng nhau góp vốn cho bạn Lê Dân làm phim, bất kể lời lỗ. Nếu lời, sẽ trích tiền ra chiêu đãi nhau cho vui. Còn nếu thâm thủng vốn, chúng ta coi như gặp vận rủi trong một sòng bạc. Đồng ý không nào?”. Lập tức 12 người có mặt đều nồng nhiệt hưởng ứng. Mỗi người ký chi phiếu một triệu đồng ngay trên bàn ăn. Nguyễn Chánh Lý gom lại trao cho tôi: “Anh Lê Dân, hãy giữ lấy! Anh trọn quyền sử dụng, để đem lại nguồn vui cho mọi người”.

Một nhân vật nữ “ác liệt”

Tôi từ chối giữ tiền, đề nghị nên có người trong nhóm đứng ra thành lập hãng phim, lo việc quản lý tài chính, để tôi rảnh tay đảm trách phần nghệ thuật, tổ chức đoàn làm phim. Mọi người nhất trí cử chủ nhà Lâm Châu lãnh trách nhiệm làm thủ tục lập hãng sản xuất và phát hành điện ảnh, lấy tên là Nam Phương phim.

Công việc đầu tiên của tôi là chọn truyện phim sao cho có ý nghĩa, đồng thời lôi cuốn được khán giả. Về việc này, tôi muốn tiếp tục với đề tài “hiện thực phê phán”, đi vào cuộc sống đang bề bộn trong vùng bị tạm chiếm, và tôi nghĩ ngay đến quyển tiểu thuyết Trần Thị Diễm Châu của nhà văn Duyên Anh, với ý tưởng gần với Loan mắt nhung, nhưng nhân vật chính là nữ, lại có vẻ “ác liệt” hơn.

Truyện phim kể về cuộc đời của một nữ sinh hiền thục có tên Trần Thị Diễm Châu. Trước nhiều sóng gió của cuộc đời, Châu không giữ được mình và sự hận thù biến cô thành nữ chúa du đãng. Châu chìm ngập trong ý niệm trả thù đời và đã gây nên tội ác. Để cuối cùng, trong nhà lao, Châu phải sống trong nỗi day dứt, ân hận khi nhìn lại quãng đời đã qua. Tổ chức đoàn làm phim, tôi đã quy tụ được những chuyên viên giỏi: quay phim Trần Khắc Tố và Nguyễn Văn Thọ, dựng phim Tăng Thiên Tài, thiết kế mỹ thuật Hoài Nam, nhạc: Nghiêm Phú Phi, theo nhạc chủ đề của Phạm Duy Giết người trong mộng.

 
Băng Châu (Diễm Châu)

Một số vai quan trọng do những diễn viên ít nhiều tên tuổi đảm nhiệm: La Thoại Tân, Ngọc Phu, Bảo n, Xuân Phát, Hà Huyền Chi, Thanh Sang, Kiều Hạnh, Thanh Nguyệt. Còn lại, các vai nữ trẻ đều là những khuôn mặt mới: Ngọc Thúy trong vai vũ nữ Thu Hồng, Trang Đài trong vai Hồ Hải, bạn gái của Châu, đặc biệt là Băng Châu trong vai chính Diễm Châu.

Băng Châu là một ca sĩ gốc từ Cần Thơ, được vinh danh là Người đẹp Tây đô, vừa mới đến Sài Gòn để lập nghiệp. Tôi thấy hình dáng cô gái trẻ này qua phim ca nhạc truyền hình, cho mời đến thử vai và tuyển cô ngay vào vai nữ chính của phim.

Như là định mệnh, gặp “Châu” trong phim, Châu ngoài đời đã hóa thân cả hồn lẫn xác vào nhân vật. Đây là điều bất ngờ đối với Phương Nam phim khi lần đầu tiên tôi giới thiệu Băng Châu với đoàn làm phim. Bởi vì, thoạt nhìn cô ca sĩ mới xuất hiện vài lần trên truyền hình này, mọi người đều nhận thấy ở Băng Châu nét dịu hiền của một cô gái “tỉnh lẻ” vừa lên thành phố, không thể nghĩ cô sẽ đóng được vai ác liệt của một nữ chúa du đãng trong phần sau của phim. Nhưng sau buổi đầu tiên tiếp xúc, chuyện trò thoải mái để tìm hiểu Băng Châu, tập cho Châu đóng thử một đoạn rất gay cấn của kịch bản và cảm nhận được sự nhạy cảm của cô, tôi đã tin tưởng và quyết định chọn cô vào phim.

Cũng như Huỳnh Thanh Trà sau phim Loan mắt nhung, Băng Châu đã nổi lên trong làng điện ảnh sau phim Trần Thị Diễm Châu. Tên tuổi của Băng Châu đã trở nên quen thuộc trong giới trẻ đô thành. Chính nhờ sự “chạm ngõ” đầy thuận lợi như vậy, điện ảnh đã mở rộng vòng tay đón nhận “Người đẹp Tây đô”, cô được mời xuất hiện trong nhiều phim khác, và từ đó Băng Châu lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh.

Một lần và mãi mãi

Trong phim, hình ảnh cuối cùng là khuôn mặt đẹp của nhân vật chính hiện lên từ phía sau các song sắt nhà tù. Đoạn kết thực sự của phim ngoài đời ảm đạm hơn: phim bị cơ quan kiểm duyệt của Bộ Thông tin Sài Gòn giữ lại không cho ra mắt khán giả, với lý do “nội dung quá tàn bạo”. Cuối cùng, phải có lệnh của Phủ Tổng thống đưa xuống, phim mới được phép chiếu rộng rãi. Nhắc lại điều này, tôi ghi nhớ nhiệt tình của J.H, em vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ, đã hết lòng can thiệp vào số phận phim này, như phim trước đây Loan mắt nhung, cũng đã từng vấp phải trở ngại ở khâu kiểm duyệt.

Trong Lịch sử điện ảnh Việt Nam (quyển 1 - do Cục Điện ảnh xuất bản năm 2003), nhà lý luận phê bình Hoàng Thanh có lời nhận xét như sau: Trần Thị Diễm Châu là phim do Lê Dân cải biên và đạo diễn từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh. Do có hàng chục năm hành nghề luật sư, ông có dịp tiếp xúc với nhiều thân chủ của mình, hiểu biết về những nỗi đau và oan trái trong cuộc đời của họ. Nhân vật trung tâm trong phim này của ông là một cô gái trẻ, đẹp như cái tên của cô: Diễm Châu. Cô không chỉ đẹp, mà còn trong trắng, hiền hậu. Nhưng rồi những sóng gió cuộc đời, những “tên Sở Khanh”, những kẻ bất nhân đã xô đẩy cô xuống tận đáy xã hội và biến cô trở thành “hung thần của đàn ông”, làm chấn động giới giang hồ, sau phạm tội chủ mưu giết người, phải ra trước vành móng ngựa. Đời người con gái có số phận phũ phàng, Trần Thị Diễm Châu, gói gọn trong 90 phút, với hình ảnh cuối cùng là nhân vật này đứng đằng sau các song sắt phòng giam của nhà tù Chí Hòa.

Đèn trong rạp đã bật sáng, mà người xem còn như nghe văng vẳng bên tai lời Diễm Châu nói với dì phước ở Trường dòng Thánh Điển: “Dì bảo Chúa thương con, sao Chúa vẫn làm con khổ? Dì bảo chị của con là người của Chúa, sao chị con lại bị tai nạn đau đớn đến nỗi phải tự vẫn?”.

Như thế đó, mới chỉ một lần xuất hiện trên màn ảnh qua vai Trần Thị Diễm Châu, hình ảnh người đẹp Băng Châu đã đọng lại đậm nét trong lòng khán giả. (Còn tiếp)

Đạo diễn Lê Dân

>> Người đẹp đêm giao thừa
>> Người đẹp New York đăng quang Hoa hậu Mỹ 2013
>> Người đẹp Việt Nam đăng quang Hoa hậu ASEAN 2012
>> Chung kết Người đẹp Thanh lịch Việt Nam tại Ba Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.