Đôi đũa

03/03/2013 03:15 GMT+7

Đôi đũa, theo nghĩa thông thường là do hai que tre, gỗ, nhựa…hợp lại để sử dụng một cách tổng hợp. Nhưng ở phương diện ẩm thực của Việt Nam ta, ngoài đôi đũa cái (còn gọi là đũa bếp) để xới cơm trong nồi, thì đũa con có rất nhiều chức năng: gắp, và (cơm), dầm, trộn… Đây là ý tưởng độc đáo của người xưa, thể hiện trí thông minh, sáng tạo đầy bản lĩnh và sự thủy chung. Bởi dùng đũa thì phải dùng cả đôi. Dùng một chiếc sẽ trở nên khập khiễng.

Mỗi dân tộc đều có cách ăn riêng. Người phương Tây ăn bằng muỗng, nĩa. Người Ấn Độ ăn bốc bằng tay. Người Việt Nam ăn bằng đũa. Ăn bằng đũa có lẽ là mô phỏng theo động tác của con chim nhặt hạt. Ngày xưa thường dùng đũa bằng tre có sẵn ngoài rào. Sau này, do yêu cầu của thực tế cuộc sống mà người ta chế ra đũa gỗ mun, dừa, cau, nhựa, nhôm…Ở Việt Nam ta, từ danh gia vọng tộc đến hàng thứ dân nghèo khổ, từ thành thị đến nông thôn đều dùng đũa trong bữa ăn. Đôi đũa gắn liền với đời sống hằng ngày của mọi người. Nó trở thành một đặc điểm văn hóa của người Việt.

 Không biết tự bao giờ, hình tượng đôi đũa đã đi vào ca dao tục ngữ, thơ ca của dân tộc ta. Ý như: “Nói cho ra đầu ra đũa”. Hoặc: “Bây giờ chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.” Hay: “Xứng đôi vừa lứa chọn nơi. Hay gì đũa mốc mà chòi mâm son”. Nhà thơ Thu Bồn lại đề cập đến đôi đũa bằng cách khác: “Bữa ăn sum vầy bên bếp lửa. Mẹ so đũa thừa lại nhớ đến ta”.

Ngoài ra đôi đũa còn thể hiện tính tập thể, tinh thần đoàn kết  (chuyện bó đũa). Minh chứng cho sự thiêng liêng (bẻ đũa ăn thề). Khi chết còn có đôi đũa cắm trên quả trứng, chén cơm để trên quan tài với ý tiễn người quá cố về nơi an nghỉ sau cùng. Mấy năm gần đây, đôi đũa còn được thể hiện trên con tem bưu chính… tạo nên một nét đẹp truyền thống độc đáo của văn hóa dân tộc. 

Nguyên Hạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.