Giải cứu bia tiến sĩ ở Văn Miếu

27/02/2013 03:15 GMT+7

82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu -Quốc Tử Giám hiện có rất nhiều tổn thương. Nguyên do là thời gian, khí hậu và mới nhất là trào lưu sờ đầu rùa trước kỳ thi.

82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu -Quốc Tử Giám hiện có rất nhiều tổn thương. Nguyên do là thời gian, khí hậu và mới nhất là trào lưu sờ đầu rùa trước kỳ thi.

Những dải lụa đỏ được chăng ngay trước bia Văn Miếu - rực rỡ, nhưng lại không để tôn vinh. Trái lại, đó là hàng rào được dựng lên, dù ước lệ để ngăn không cho khách tham quan sờ vào đầu rùa, vào thân bia. Những khách tham quan sờ đầu rùa này phần lớn đều là học sinh, sinh viên. “Đến Văn Miếu trước các kỳ thi hoặc dịp tết, xoa đầu rùa cầu may đã trở thành một hiện tượng văn hóa”, TS Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nói.

Hai giải pháp trước mắt

Cũng theo ông Ngọc, qua nhiều thử nghiệm, hiện Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề xuất hai giải pháp để giải cứu bia Văn Miếu khỏi tình yêu “thái quá” này. Trong khi chờ quyết định phê duyệt của cấp trên, Trung tâm vẫn phải huy động lực lượng bảo vệ trật tự, thường xuyên túc trực giám sát ở khu vực hết sức nhạy cảm này.


Thói quen xấu ở Văn Miếu - Ảnh: Ngọc Thắng 

Giải pháp thứ nhất, sử dụng kính chịu lực đặc biệt (loại dùng trong công nghiệp xây dựng) làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia. Như vậy khách tham quan chỉ được đứng bên ngoài vách kính, chỉ nhìn ngắm, chiêm ngưỡng bia rùa mà không sờ, xoa được vào di sản tư liệu. Giải pháp này hết sức an toàn và triệt để. Nhưng có hạn chế là vách kính không hòa nhập với không gian cổ kính của di tích và di sản.

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất của giải pháp này là việc nó có thể tạo ra những hiện tượng vi khí hậu khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến các bia tiến sĩ.

 

Phải nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ cụ thể của từng tấm bia, nêu rõ đặc điểm, tình trạng, các tác nhân gây hại. Qua đó, lập phương án phù hợp và hữu hiệu với đặc điểm, tình trạng của từng tấm bia đá, từ gia cố, tu bổ thể rắn đến bảo quản, chống xuống cấp lâu dài bề mặt

KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu di tích

Giải pháp thứ hai là làm lan can bằng gỗ cao khoảng 1 m vây quanh nhà bia. Giải pháp này đẹp hơn, hài hòa với cảnh quan di tích, phù hợp với di sản tư liệu. Thế nhưng, thực tế ngay khi dải phân cách như hiện nay đã được dựng lên, kèm theo bảo vệ nhắc nhở, việc cố tình lao vào sờ bia vẫn không giảm. Nhiều học sinh còn được bố mẹ “hộ công” bằng cách canh chừng bảo vệ quay đi để tiện bề “tấn công” bia đá. Ý thức đám đông như vậy khiến vẫn có ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả, triệt để an toàn của phương án này.

Số hóa để bảo vệ bia

Tuy nhiên, về lâu dài, việc ngăn cản hành động thiếu ý thức của khách tham quan chỉ là một trong những giải pháp cần thực hiện để bảo vệ bia tiến sĩ. Bởi thực tế cho thấy, tổn thương thực thể của bia không chỉ là các vết đen bóng do dấu tay sĩ tử.

Nghiên cứu sơ bộ của KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu di tích, cho thấy: “Các bia tiến sĩ có niên đại từ năm 1442 đến 1779 do đó có rất nhiều dạng khác nhau, từ nhiều loại đá khác nhau, kích thước, kiểu thức cũng khác nhau. Ngoài ra, do đã để ở ngoài trời nhiều năm, cho tới 1994 mới có nhà che bia, nên hiện nay tuy có mái che nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên”.

“Các tấm bia có hầu hết các dạng hư hỏng với các vật liệu đá. Có những tấm bia bị sứt mẻ, nứt, vỡ. Một số tấm bia khác có vấn đề sai lệch, mất thẩm mỹ do những lần tu sửa trước đây”, KTS Lê Thành Vinh nói. Thậm chí trong một tấm hình do ông Vinh cung cấp, người xem có thể thấy rõ một tấm bia đã được “vá” từ 5 miếng khác nhau. Đường vá rất to có màu khác hẳn với màu đá của bia, do đó trông vô cùng phản cảm. Một hình ảnh khác lại cho thấy bia đã chịu ngoại lực đến mức lẹm một miếng đáng kể ở chân.

Do vậy, theo ông Vinh, cần tư liệu hóa toàn diện hơn bằng ảnh, hồ sơ viết, bản dập, bản vẽ, tiến hành số hóa và lưu trữ khoa học về những bia đá này. Quan trọng hơn, cần thực hiện tu bổ một cách đầy đủ. “Phải nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ cụ thể của từng tấm bia, nêu rõ đặc điểm, tình trạng, các tác nhân gây hại. Qua đó, lập phương án phù hợp và hữu hiệu với đặc điểm, tình trạng của từng tấm bia đá, từ gia cố, tu bổ thể rắn đến bảo quản, chống xuống cấp lâu dài bề mặt”, ông Vinh nói.

Bản thân quy trình trên cũng đã được Viện Bảo tồn di tích thực hiện tại một số công trình đá khác như bia đá chùa Keo - Thái Bình, bia đá đền Quán Thánh - Hà Nội và Tháp Bút ở đền Ngọc Sơn - Hà Nội. Mới đây nhất, kết quả theo dõi định kỳ bia Quán Thánh (đã qua 11 năm kể từ khi thực hiện bảo quản) cho thấy bề mặt bia ở trình trạng tốt, không bị rêu mốc và các hiện tượng tổn thương khác.

Về các thương tổn hiện thời của bia Văn Miếu, ông Vinh cho rằng các giải pháp trên cần được thực hiện ngay vì các tấm bia vô giá hằng ngày vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp, hư hỏng.

Trinh Nguyễn

>> Gian nan tôn tạo Văn miếu Vinh
>> Giáo dục di sản ở Văn Miếu
>> Hình ảnh không đẹp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.