Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 3: Thiết côn vô địch

27/02/2013 00:00 GMT+7

Trong Tây Sơn thất hổ tướng, có 2 người chết trận là Võ Đình Tú và Nguyễn Văn Tuyết, còn Lê Văn Hưng thì bị gian thần hãm hại.

Trong Tây Sơn thất hổ tướng, có 2 người chết trận là Võ Đình Tú và Nguyễn Văn Tuyết, còn Lê Văn Hưng thì bị gian thần hãm hại.

Giỏi võ nghệ, binh pháp

Võ Đình Tú sinh trong một gia đình giàu có ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định), được một nhà sư dạy binh pháp và võ nghệ từ thuở nhỏ. Ông chẳng những côn quyền xuất chúng, binh pháp tinh thông mà còn có tài bắn cung, nhảy cao, cưỡi ngựa... Đến khi ba anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa, Võ Văn Dũng giới thiệu Võ Đình Tú với Nguyễn Nhạc.

Theo Địa chí Bình Định, Võ Đình Tú được Nguyễn Huệ tin yêu như ruột thịt, hay bàn chuyện quân cơ. Có lần, Nguyễn Huệ nói với các tướng: “Đình Tú có tài văn, võ; ngày sau sẽ là bề tôi rường cột”. Còn Bùi Thị Xuân cũng vì quý tài ông mà tặng một lá cờ đào có thêu bốn chữ vàng: "Thiết côn vô địch".

 
Quân Tây Sơn ra trận - Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung

Hoàng đế Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn lục đục. Võ Văn Dũng cùng Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng bắt Bùi Đắc Tuyên dìm nước đến chết. Trần Quang Diệu kéo binh đóng ở bờ nam sông Hương. Võ Văn Dũng liền đem quân đóng ở bờ bắc sông Hương, mượn lệnh vua để chống lại Quang Diệu. Để tránh chuyện “nồi da xáo thịt”, Võ Đình Tú hòa giải mối hiềm khích giữa hai vị tướng này. Nhưng vì nghi ngờ bộ ba Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú sẽ hợp nhau chống lại mình, vua Quang Toản phong cho Võ Đình Tú chức Binh bộ Tham tri vào coi quân ở Phú Yên và Quy Nhơn.

Sách Võ nhân Bình Định viết: Võ Ðình Tú đi kinh lý Phú Yên được tin quân Nguyễn đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm, Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi với cung tên và súng đạn. Võ Ðình Tú bị mắc mưu giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào những tiếng súng nổ. Võ Đình Tú bị trúng đạn, đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy ra khỏi trận tuyến, chạy một mạch về Phú Phong. Ðến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết. Võ Ðình Tú cũng đã lạnh hết chân tay. Ðó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).

Lấy trộm ngựa của chúa Nguyễn

Theo hai nhà nghiên cứu Quách Giao và Quách Tấn, Nguyễn Văn Tuyết là người An Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông được võ sư Trần Kim Hùng (ở thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn) nhận làm đệ tử và truyền dạy võ công. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nam tuần đến Quy Nhơn có đem con tuấn mã quý tên Xích Kỳ, là cống vật của Cao Miên. Nguyễn Văn Tuyết đợi đêm khuya lẻn vào hành cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Ngựa bị mất trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết nhưng nhờ Trương Phúc Loan ra sức cầu xin mới được miễn. Sau này, Nguyễn Khắc Tuyên biết chuyện nhưng không dám truy cứu.

Nghe tin Tây Sơn vương chiêu mộ hào kiệt, Nguyễn Văn Tuyết liền đầu quân. Tại đây, ông lại gặp Trần Thị Lan, cô cháu gái của sư phụ đang sống cùng chị dưới trướng Bùi Thị Xuân. Hai người cùng nhau kết duyên vợ chồng. Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Mãn Thanh tiến vào Thăng Long, Nguyễn Văn Tuyết là người cưỡi ngựa về Phú Xuân báo cáo tình hình. Ngày mùng 4 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), đồng loạt với các cánh quân khác, Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã tấn công đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương.

Khi Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân rồi kéo quân ra Thăng Long, vợ chồng Nguyễn Văn Tuyết tham gia đoàn hộ giá vua Quang Toản chạy lên vùng núi phía bắc. Ông bị trúng đạn của quân Nguyễn và hy sinh trên đường đi, bà Trần Thị Lan cũng tự vẫn, quyết không để rơi vào tay quân Nguyễn. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802).

Lê Vô Địch             

Lê Văn Hưng xuất thân trong một gia đình nghèo ở thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (nay thuộc H.Tây Sơn), là một võ sĩ có sức mạnh và sở trường về môn đánh côn (hay gọi là roi trường). Vì đánh chết một cường hào, Hưng bị tầm nã trốn lên tới tận An Khê rồi gia nhập vào quân Tây Sơn. Ban đầu ông chỉ là lính mộ rồi thăng dần lên và cuối cùng trở thành võ tướng phụ trách huấn luyện kỹ thuật đánh roi cho nghĩa binh.

Năm 1778, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận, Diên Khánh. Nhưng khi ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chặn đánh, Lê Văn Quân kéo tàn quân chạy về Gia Định, từ ấy quân Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng và Nguyễn Ánh gọi Hưng là Lê Vô Địch. Trong cuộc chiến giữa quân Tây Sơn với liên quân nhà Nguyễn - Xiêm La, Lê Văn Hưng là người đã đánh chết tướng Tôn Thất Mậu và bắt sống tướng Nguyễn Huỳnh Đức của nhà Nguyễn.

Theo cuốn Võ nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao, lúc còn trẻ, Lê Văn Hưng có ở nhờ nhà họ Dương trong thôn. Ông có giao tình với người tớ gái của chủ nhà tên là Ngọc Bích, tặng cho nàng một chiếc nhẫn vàng hẹn 5 năm sau đến cưới. Nhưng vì mải mưu đồ sự nghiệp nên Hưng lỗi hẹn, nàng Ngọc Bích buồn rầu nhịn ăn mà chết. Trong thời gian trấn thủ Diên Khánh, Lê Văn Hưng mãi nhớ đến tình xưa nên nhờ người cầu hồn Ngọc Bích lên để gặp. Hồn hẹn cùng Hưng rằng 13 năm sau sẽ đến hầu khăn túi.

Nhiều năm sau, có một thương gia giàu có tại Phú Xuân tặng Lê Văn Hưng một ca kỹ tên Ngọc Bích. Chẳng những tên trùng mà dung nhan cũng phảng phất người tình cũ nhà họ Dương. Lê Văn Hưng cầm tay nàng vuốt ve thì trông thấy nơi ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái có vết hằn sâu như vết một chiếc nhẫn. Ông nhận Ngọc Bích làm thiếp và rất thương yêu nàng.

Tại Phú Xuân, do tính tình cương trực, Lê Văn Hưng thường hay phản đối những hành động sai trái của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Nhân Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy trấn thủ, rút quân về Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên khép tội có ý muốn tạo phản, tâu vua chém đầu răn chúng. Vua Cảnh Thịnh chuẩn tấu dù Ngô Văn Sở và Trần Văn Kỷ hết lòng can ngăn.

Hoàng Trọng

>> Đầu năm đi cầu an ở đất Tây Sơn
>> Dâng mai cho nghĩa sĩ Tây Sơn
>> Không gian Tử Cấm thành nhà Tây Sơn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.