Săn cổ vật Óc Eo - “Sóng vàng” ở kinh đô cổ vật

18/02/2013 03:05 GMT+7

Các di vật ngàn năm bị chôn vùi trong lòng đất của nền văn hóa Óc Eo đã tạo nên những làn sóng săn tìm ở miền Tây.

Xứ sở “đầy vàng”

Thị trấn Óc Eo (H.Thoại Sơn, An Giang) được biết đến như là “kinh đô cổ vật”. Địa danh nổi tiếng với những phát lộ các hiện vật của đế quốc Phù Nam bị chôn vùi hàng ngàn năm.

Chúng tôi tìm đến thị trấn nằm bên chân núi Ba Thê này trong những ngày mà bên các quán cà phê, người ta hay nhắc về cụm từ “di tích đặc biệt” do Chính phủ vừa công nhận cho vùng di chỉ này. Dù rằng phần nhiều người dân Óc Eo chưa hẳn đã biết sự “đặc biệt” là thế nào, song ở đây, người ta tin rằng cứ đào sâu xuống dưới vài lớp đất là gặp cổ vật. Những lời đồn đã khơi mào cho các cuộc săn tìm, từ bậc đại gia chơi đồ cổ cho đến cánh "ve chai lông vịt" cũng “máu” lên vì cổ vật.

 
Ông Lê Văn Điệp bên cánh đồng gần gò Giồng Cát, nơi ông từng cùng “đội quân” bòn vàng đào bới tìm trong thời gian dài - Ảnh: T.T

 
Hố đất này là dấu tích còn sót lại sau khi đôi vợ chồng trẻ bòn được trên 50 lượng vàng

Khi nhiều cư dân Óc Eo tìm lục trong xó nhà đâu đó còn món cổ vật nào sót lại hay không, cũng là lúc họ bắt đầu tiếc nuối khoảng thời gian ghẻ lạnh với những vật dụng ngàn năm, đối xử với cổ vật như đồ hàng xén. Đó là những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Óc Eo nổi tiếng như xứ sở “đầy vàng". Ông Đặng Minh Trí (thị trấn Óc Eo) tới giờ còn ngạc nhiên: “Thiệt vô lý đến mức mình chống xuồng trên ruộng cũng gặp chiếc khâu vàng lủng lẳng trên đọt năng”. Những chuyện kể mang hơi hướng hoang đường cứ nối dài. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là vàng đã nuôi sống rất nhiều hộ gia đình người dân Óc Eo trong thời “vô lý” như thế.

Ở những gò đất cao như gò Cây Thị, gò Giồng Cát, gò Óc Eo (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo), mỗi khi mưa xuống, người ta lại đổ ra các rẫy để lượm vàng. Vàng được phát hiện ở đây đã qua chế tác với nhiều kiểu dáng: nhẫn, khuyên tai, vòng, chuỗi, vàng lá được chạm trổ; vàng thủ công với nhiều hình thù lạ, vàng trứng cá (hình thù như trứng cá)… Có người may mắn còn lượm được cả vàng “bánh cam” (có khối hình tròn). Chị Nguyễn Thị Bé Bốn, Trưởng ấp Trung Sơn, nói nhờ có vàng mà nhiều gia đình đã vượt qua thời thắt ngặt. Bản thân chị lúc đó còn đi học phổ thông ở Núi Sập, cuối tuần lại về Óc Eo để theo cánh bòn vàng kiếm sống.

Tin đồn “vàng trời cho” lan nhanh. Nhiều đoàn người từ xa đi xuồng ghe tới tham gia vào đội quân bòn vàng. Không bao lâu, các gò đất ở đây bị băm nát vì vàng. Và cũng trong thời gian này, nhiều hiện vật khác cũng tan nát vì vàng.

Tàn phá cổ vật

Cùng chúng tôi đến cánh đồng xanh mạ gần gò Giồng Cát, ông Lê Văn Điệp, Phó ban nhân dân ấp Trung Sơn, bảo thời gian trước ông cũng đã từng tham gia vào cánh đào vàng. “Lúc đông ken có cả ngàn người tới đây. Vì gò Giồng Cát trước là đất “của chung” nên người xa gần cứ tới mà đào. Mỗi người xí phần một khoảnh đất nhỏ rồi đào đãi từng thau. Còn những nơi đất đã có chủ thì phải thương lượng mua lớp đất mặt với giá 1 chỉ vàng cho mỗi tầm vuông (9 m2)”, ông Điệp nói.

Cũng theo lời ông Điệp, thời gian đầu ai đi bòn vàng không có nhiều cũng có ít. Người may mắn thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ. Còn không thì cũng đãi được vàng “trứng lươn” hay mạt vàng đem ra chợ Óc Eo bán. Vàng bòn được ở các hầm này được mua với giá thấp hơn vàng 24K nhưng cao hơn vàng 18K. Một ngày đào đãi, người bình thường cũng kiếm được một, hai chỉ vàng. Người khá hơn thì năm, bảy cây. Cá biệt, người dân ở Óc Eo vẫn còn nhớ đến đôi vợ chồng ở xứ xa đến bòn vàng. Họ sống trên chiếc xuồng cũ nát đậu ở đường vòng đai núi Ba Thê. Trong một lần đào khoảnh đất rộng khoảng 2 m2 ở gò Giồng Cát, họ gặp chiếc hộp màu bạc được chạm trổ rất đẹp. Khi mở chiếc hộp ra thì bất ngờ trong đó toàn nữ trang bằng vàng. Mang ra chợ Óc Eo bán mới biết số vàng nặng trên 50 lượng. Người ta nói sau lần may mắn đó, đôi vợ chồng nghèo đã bỏ về quê mua ruộng đất làm ăn, không quay lại bòn vàng nữa.

“Không ai giàu lên nhờ bòn vàng cả”, ông Điệp cố gắng lục trong trí nhớ còn có ai khác ở xứ này đổi đời nhờ trúng quả vàng. Thỉnh thoảng, cũng có người gặp được vàng “bánh cam”, nhưng rồi bao nhiêu cũng xài hết. “Của người xưa hàng ngàn năm, mình đi bòn rút để bán thì làm sao mà giàu được”, ông Trí tin rằng: “Ông trời cho vàng lúc đó dân ở đây đói khó. Bây giờ đã khá lên rồi thì ai mà cho nữa”. Ông chỉ tiếc một điều là trong thời gian bòn vàng, nhiều cổ vật có giá trị đã bị làm hư hại. Chưa nói đến nhiều hiện vật khác, các hiện vật bằng vàng bòn được đều đã qua chế tác. “Chúng là vàng, nhưng quý hơn vàng, vì đó là vàng cổ vật”. Thời đó không ai nghĩ thế. Bởi tất cả số “vàng cổ vật” ấy đều bị nấu nung. Đến khi lệnh cấm bòn vàng được ban ra thì đã muộn.

Về sau, người ta nói rằng không còn vàng dưới lòng đất ở Óc Eo nữa. Một cảm giác lo lắng len lỏi vào giấc ngủ của không ít người đi bòn vàng. Nhất là sau cái chết của một bà chủ tiệm kim hoàn trong lúc bà này đang nấu “vàng cổ vật”.

Hôm cùng chúng tôi vượt dốc lên đỉnh Ba Thê, ông Trí nói rằng ông tin ở Óc Eo này vẫn chưa hết vàng. Bằng chứng là cách nay không lâu, vẫn có người lượm được con cá bằng vàng rất đẹp. Người này đem đến ông bán giá cổ vật. Ông không đủ tiền mua nên họ mang ra tiệm vàng. Mới đây, lại có người rủ ông Trí đi lên núi Ba Thê đào vàng, ông lắc đầu: “Tôi còn phải kiếm gạo nuôi vợ con nữa”. 

Tiến Trình

>> Phương án phân chia cổ vật sau khai quật trên tàu đắm
>> Một cụ ông hiến tặng 56 cổ vật và hiện vật quý
>> Khai quật khẩn cấp cổ vật dưới biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.