Chặng đường chông gai của Giáo hoàng Benedict XVI

12/02/2013 14:30 GMT+7

(TNO) Trong một thông báo bất ngờ vào hôm 11.2, Tòa thánh Vatican cho biết Giáo hoàng Benedict XVI sẽ thoái vị vào ngày 28.2.

Phát biểu bằng tiếng Latinh tại công nghị, Giáo hoàng 85 tuổi nói với các Hồng y ở Rome (Ý) rằng tình trạng sức khỏe của ông không cho phép ông tiếp tục đảm đương sứ vụ.

Việc một Giáo hoàng thoái vị là điều cực kỳ hiếm trong lịch sử. Vào thời Trung cổ, Giáo hoàng Celestine V đã thoái vị trong năm 1294, chỉ sau năm tháng giữ chức. Ông qua đời gần hai năm sau đó, khi sống đời ẩn sĩ. Vị Giáo hoàng cuối cùng thoái vị tính tới thời điểm này là Giáo hoàng Gregory XII, vào năm 1415.

Chặng đường chông gai của Giáo hoàng Benedict XVI
Đức Giáo hoàng Benedict XVI đưa ra tuyên bố thoái vị trong buổi công nghị mới đây - Ảnh: Reuters

Theo BBC, có một quy định trong luật Hội thánh nói rằng việc thoái vị của Giáo hoàng sẽ hợp lệ nếu đó là quyết định tự do và hợp thức.

Đăng quang ở tuổi 78, Giáo hoàng Benedict XVI là một trong những tân Giáo hoàng cao niên nhất trong lịch sử khi được bầu lên vào năm 2005.

Từng là một giáo sư yêu thích chơi dương cầm, Hồng y Joseph Ratzinger (tức Giáo hoàng Benedict XVI sau này) đã trông đợi ngày nghỉ hưu ngay từ khi Giáo hoàng John Paul II qua đời vào năm 2005. Ông nói ông chưa khi nào muốn trở thành Giáo hoàng.

Giáo hoàng Benedict được những người bảo thủ ngợi ca vì nỗ lực tái xác nhận bản sắc truyền thống của Công giáo. Song, những người chủ trương tự do cáo buộc ông đã quay lưng lại với cải cách và khoét thêm hố sâu với người Hồi giáo, Do Thái và những hệ phái Thiên Chúa giáo khác, theo Reuters.

Giáo hoàng Benedict có sức khỏe tương đối tốt trong phần lớn của cuộc đời song dấu hiệu cho thấy ông đang dần suy yếu xuất hiện vào năm 2011, khi ông bắt đầu sử dụng một xe lăn để di chuyển dọc lối đi chính của Đại thánh đường St. Peter.

Trong một cuốn sách xuất bản vào năm 2010, Giáo hoàng nói ông sẽ không do dự trở thành vị giáo hoàng đầu tiên tự nguyện thoái vị trong gần 600 năm qua, nếu cảm thấy ông không còn đủ sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý để lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Bất chấp sự tôn kính lớn lao dành cho người tiền nhiệm đầy sức hút và ưa công du, những phụ tá của Giáo hoàng Benedict nói ông kiên quyết không thay đổi cung cách sống lặng lẽ để noi theo phong cách của Giáo hoàng John Paul.

Tuy nhiên, phần lớn triều đại của Giáo hoàng Benedict bị phủ bóng bởi những tai tiếng về lạm dục tình dục trẻ em. Giáo hoàng đã ra lệnh mở cuộc điều tra chính thức về các vụ lạm dụng tình dục ở Ireland, vốn dẫn đến việc từ chức của nhiều giám mục. Dẫu vậy, quan hệ giữa Vatican với Ireland đã xấu đi trầm trọng trong triều đại của ông, đến mức Dublin đóng cửa tòa đại sứ của họ tại Tòa thánh vào năm 2011.

Bê bối cũng nổ ra ngay trong lòng Tòa thánh vào năm 2012 khi một người quản gia của Giáo hoàng bị phát hiện là nguồn rò rỉ hồ sơ về các cáo buộc tham nhũng trong kinh doanh của Vatican.

Là Giáo hoàng người Đức đầu tiên trong 1.000 năm, Giáo hoàng Benedict đã đối đầu với quá khứ của đất nước khi ông thăm trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz.

Tự gọi mình là “đứa con của nước Đức”, ông đã cầu nguyện và hỏi rằng tại sao Đức Chúa lại im lặng khi 1,5 triệu nạn nhân, phần lớn là người Do Thái, đã chết trong Thế chiến thứ hai.

Hồng y Ratzinger từng phục vụ trong tổ chức Thanh niên Hilter, vốn bị cưỡng bách tham gia với các thanh thiếu niên Đức thời đó. Ông chưa bao giờ tham gia đảng Quốc xã và gia đình ông chống lại chế độ của Adolf Hitler.

Tuy nhiên, chuyến đi đến Đức của ông cũng gây ra cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong triều đại của ông. Trong một bài phát biểu tại trường đại học, Giáo hoàng đã trích lời một vị Hoàng đế đế quốc Đông La Mã nói rằng Hồi giáo chỉ mang lại điều xấu xa cho thế giới và lan truyền nó bằng gươm giáo.

Sau các cuộc biểu tình bao gồm các cuộc tấn công vào nhà thờ ở Trung Đông và vụ sát hại một nữ tu ở Somalia, Giáo hoàng nói ông tiếc nuối vì những hiểu nhầm mà bài phát biểu gây ra.

Trong một động thái được đa số đánh giá là mang tính hòa giải, ông thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2006 và cầu nguyện tại Ngôi đền xanh ở Istanbul cùng với Đại giáo sĩ của thành phố.

Song vài tháng sau đó, cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami đã gặp Giáo hoàng và nói những vết thương giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo vẫn rất sâu sắc bởi bài diễn văn nói trên.

Năm 2007, Giáo hoàng Benedict đã bổ nhiệm một giám mục người Ba Lan từng có thời gian làm gián điệp cho chế độ cũ. Vị giám mục này đã phải từ chức sau đó.

Giáo hoàng đã có chuyến thăm thành công đến Mỹ năm 2008. Ông đã xin lỗi về vụ bê bối lạm dụng tình dục, cam kết rằng những tu sĩ phạm tội ấu dâm sẽ phải ra đi, đồng thời an ủi các nạn nhân.

Song năm 2009 đã trở thành một năm đầy khó khăn với Giáo hoàng. Thế giới Do Thái, cũng như nhiều người Công giáo, đã phẫn nộ khi Giáo hoàng bãi bỏ việc rút phép thông công với bốn giám mục theo chủ nghĩa truyền thống, gồm cả một người công khai phủ nhận việc tàn sát người Do Thái hồi Thế chiến thứ hai.

Giáo hoàng cũng bị phản đối dữ dội vào tháng 3.2009 khi nói với các phóng viên trên một chiếc máy bay đưa ông đến châu Phi rằng việc sử dụng bao cao su trong cuộc chiến chống lại bệnh AIDS chỉ khiến vấn đề trầm trọng thêm.

Công Chính

>> Ai sẽ kế nhiệm Đức Giáo hoàng Benedict XVI?
>> Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức
>> Kẻ bắn Giáo hoàng năm 1981 đổ thừa Iran
>> Giáo hoàng Benedict XVI bác bỏ tin đồn tận thế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.