Bế tắc vụ án trộm dê

03/02/2013 03:55 GMT+7

TAND H.Bắc Bình (Bình Thuận) vừa đưa ra xét xử sơ thẩm (lần thứ 9) vụ án “trộm dê”, nhưng lại phải hoãn vì không triệu tập được người bị hại. Vụ án được khởi tố cách đây hơn 8 năm, đang rơi vào bế tắc.

Theo cáo trạng của Viện KSND H.Bắc Bình (ban hành từ ngày 25.11.2005), vào đêm 28.5.2005, Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, ngụ thị trấn Lương Sơn, H.Bắc Bình) đến chuồng dê ở thôn Hòn Mốc, xã Sông Bình (H.Bắc Bình) mở cửa, lùa 52 con dê lên ô tô (xe thuê). Sau đó, bà Nguyệt đem 24 con đến xã Lương Sơn (H.Bắc Bình) gửi người quen để nuôi; số còn lại (28 con) đem về H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cất giấu. Sáng hôm sau, vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và Lê Văn Thái phát hiện mất đàn dê nên trình báo với công an. Sau đó, Công an H.Bắc Bình tiến hành thu hồi được 24 con dê ở Lương Sơn; còn 28 con chở đi Hàm Thuận Bắc (trị giá 70 triệu đồng) thì không tìm thấy.

 Bế tắc vụ án trộm dê
Minh họa: DAd

Ngày 31.5.2005, Cơ quan CSĐT Công an H.Bắc Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyệt về tội "trộm cắp tài sản". Sau khi tạm giam hơn 5 tháng,  ngày 7.10.2005 Viện KSND H.Bắc Bình đã hủy bỏ biện pháp tạm giam. Ngày 23.11.2005, bà Nguyệt bị bắt giam trở lại, đến ngày 28.1.2006 thì được hủy bỏ biện pháp tạm giam. Tính từ ngày truy tố đến nay, TAND H.Bắc Bình đã 9 lần có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng 2 lần phải hoãn tòa để trả hồ sơ bổ sung; còn những lần khác thì hoãn tòa vì vắng mặt bị hại, bị cáo, nhân chứng...

Trong khi đó, bị cáo Nguyệt đã có nhiều đơn thư gửi cơ quan chức năng kêu oan. Theo bị cáo Nguyệt, vào năm 2004 bị cáo đến thôn Hòn Mốc (xã Sông Bình) ký hợp đồng hợp tác nuôi dê với ông Trần Văn Lý (là bà con kêu bằng dượng, ngụ TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) và bà Văn Thị Ổn (mẹ Nguyệt). Trong đó, bị cáo bỏ tiền ra xây dựng trại chăn nuôi trên diện tích đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Lý; đã thả nuôi 15 con và trông coi cho vợ chồng ông Lý 12 con. Vào năm 2005, khi bị cáo đi vắng thì ông Lý làm giấy tờ âm thầm chuyển nhượng đàn dê và quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và Lê Văn Thái. Khi trở về, phát hiện sự việc trên bị cáo làm đơn gửi chính quyền giải quyết. Sau khi hòa giải không thành, UBND xã Sông Bình chuyển hồ sơ đến cho TAND H.Bắc Bình. Phát hiện bà Y có ý định tẩu tán tài sản nên bị cáo lén đưa đàn dê (lúc này sinh sản thêm 25 con) đi gửi nơi khác thì xảy ra vụ án trên.

Ngày 18.1 vừa qua, vụ án lại được đưa ra xét xử (cũng với bản cáo trạng đã ban hành từ năm 2005), nhưng phải hoãn lại vì vắng mặt bà Lê Thị Kim Y  và toàn bộ nhân chứng.

Chưa biết dê của ai

Trong quá trình bị cáo Nguyệt kêu oan, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc. Ngày 23.5.2006, công an tỉnh có báo cáo nêu rõ: “Qua nghiên cứu hồ sơ và xác minh ban đầu cho thấy việc khởi tố, bắt giam Trần Thị Kim Nguyệt và quá trình điều tra vụ án là chưa chặt chẽ, bởi nguồn gốc tài sản 52 con dê là của ba người, chưa xác định mỗi người có bao nhiêu con. Quá trình điều tra cũng không đề cập đến nguồn gốc đất (làm trang trại nuôi dê) do ai mua, nguồn tiền từ đâu...”.

Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận cũng từng có công văn gửi Thường trực Huyện ủy H.Bắc Bình truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm rõ những khuất tất của vụ án. Trong công văn này có nhắc đến chi tiết: “Trước khi bị bắt 2 tháng, Nguyệt đã có đơn khởi kiện dân sự ra tòa về tranh chấp tài sản đàn dê nhưng chưa được tòa giải quyết”.

Quế Hà

>> Tóm gọn băng trộm cắp xe máy lên tỉnh
>> Báo động nạn trộm cắp điện
>> Bắt băng dàn cảnh đụng xe trộm cắp tài sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.