Vụ phá rừng lớn nhất tại Hà Tĩnh: 15 bị cáo lãnh án

31/01/2013 14:37 GMT+7

(TNO) Sáng ngày 31.1, sau hai ngày làm việc, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo liên quan trong vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo cáo trạng của Viện KSND Hà Tĩnh, trong thời gian từ tháng 6.2010 - 6.2012, khu rừng tại địa bàn xã Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) do Ban quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh thuộc Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn quản lý. Nhưng, ban quản lý ở đây đã để một số người vào khai thác trái phép, gây thiệt hại hơn 700m3 gỗ từ nhóm III - VIII.

Trong đó, Phạm Anh Tuấn (44 tuổi, trưởng ban) đã thống nhất và cho phép Nguyễn Thanh Bình (48 tuổi, ở xóm 5, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn), Nguyễn Hữu Huân (43 tuổi, ở xóm 10, xã Sơn Lĩnh, H.Hương Hơn) vào rừng khai thác, vận chuyển trái phép 138,072 m3 gỗ tròn và nhận hối lộ của những người này 24 triệu đồng.

Hà Tĩnh: Hơn 40 năm tù cho 15 kẻ phá rừng
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 31.1 - Ảnh: T.H

Được sự giúp sức của Nguyễn Trung Kiên (28 tuổi, ở xóm 5, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn) cùng với sự tiếp tay của Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Bình đã nhiều lần tổ chức cho Nguyễn Tuấn Khánh (29 tuổi, xóm 6, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn) và Nguyễn Văn Tuấn (xóm 10, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn) trực tiếp vào rừng phòng hộ Khe Sinh khai thác, vận chuyển trái phép 68,295m3 gỗ. Sau khi vận chuyển số gỗ này về xưởng của mình, Nguyễn Thanh Bình đã đưa hối lộ 12 triệu đồng cho Phạm Anh Tuấn.

Trong thời gian này, Nguyễn Thanh Bình đã cho Lê Văn Tình (39 tuổi, xóm 6, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn), Lê Quốc Vương (36 tuổi, xóm 1, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn), Uông Công Giáo (36 tuổi, xóm 1, xã Sơn Hồng, H.Hương Sơn) tạm ứng tiền để mua sắm công cụ vào rừng khai thác được 188,307m3 gỗ.

Cùng với thủ đoạn trên, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Huân tổ chức cho Phan Văn Vy (29 tuổi, xóm Lâm Phúc, xã Sơn Lâm, H.Hương Sơn) vào rừng Khe Sinh khai thác được 28m3 gỗ. Sau khi vận chuyển số gỗ này ra khỏi rừng, Huân đã hối lộ cho Phạm Anh Tuấn 12 triệu đồng.

Tiếp tay và bao che

Điều đáng nói là có một số nhân viên, cán bộ của Ban quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh đã tiếp tay, bao che để tình trạng phá rừng xảy ra trong một thời gian dài.

Bùi Văn Thảo (phó ban), Phạm Nhật Tân (trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét) cùng thống nhất chủ trương của Phạm Anh Tuấn để cho Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân khai thác, vận chuyển hơn 41.000m3 gỗ trái phép. Còn Nguyễn Duy Tý là nhân viên gác sào chắn, lại trực tiếp mở sào cho Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân vận chuyển 22m3 gỗ ra ngoài.

Trong thời gian phụ trách địa bàn, Trần Văn Khoa (39 tuổi, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Sơn Linh), Lê Quý Ly (42 tuổi, kiểm lâm viên), Phạm Văn Cẩn (52 tuổi, kiểm lâm viên) đã không làm tròn trách nhiệm của mình, để xảy ra tình trạng khu rừng thuộc địa bàn của mình quản lý bị khai thác trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tổng số gỗ khai thác trái phép liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm của Trần Văn Khoa, Lê Quý Ly và Phạm Văn Cẩn hơn 800m3 gỗ.

Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo các mức án như sau: Phạm Anh Tuấn nhận án 12 năm tù, Nguyễn Thanh Bình 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hữu Huân 3 năm tù, Phan Nhật Tân 3 năm tù, Lê Tình 2 năm tù, Nguyễn Trung Kiên 2 năm tù, Lê Quốc Vương 18 tháng tù, Nguyễn Tuấn Khanh 2 năm tù, Uông Công Giáo 18 tháng tù, Phan Văn Vy 12 tháng tù, Bùi Văn Thảo 2 năm tù, Nguyễn Duy Tý 12 tháng tù, Trần Văn Khoa 24 tháng tù (cho hưởng án treo), Phạm Văn Cẩn 18 tháng (cho hưởng án treo), Lê Quý Ly 18 tháng tù (cho hưởng án treo).

Ngoài hình thức bị phạt tù, các bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại tài sản của Nhà nước với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Tin, ảnh: Trần Trung Hiếu

>> Giám đốc ban quản lý rừng bị tố tiếp tay phá rừng
>> Chặt phá rừng phòng hộ
>> Bắt 18 lâm tặc phá rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
>> Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh 2
>> Sâu róm tàn phá rừng thông
>> Phá rừng vì thiếu đất sản xuất
>> Lợi dụng trồng cao su để chặt phá rừng
>> Phá rừng gần UBND xã
>> Phá rừng phòng hộ
>> Điều tra cán bộ kiểm lâm câu kết lâm tặc phá rừng
>> Phá rừng hàng loạt
>> Phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.