Những quyết sách thiếu thuyết phục - Kỳ 3: Nền giáo dục nặng về ứng thí

31/01/2013 03:40 GMT+7

Mục tiêu giáo dục thì toàn diện trong khi cách đánh giá kết quả lại chỉ chú trọng đến điểm số. Mâu thuẫn này được xem là căn nguyên dẫn tới những lệch lạc và tiêu cực của giáo dục hiện nay.

Mục tiêu giáo dục thì toàn diện trong khi cách đánh giá kết quả lại chỉ chú trọng đến điểm số. Mâu thuẫn này được xem là căn nguyên dẫn tới những lệch lạc và tiêu cực của giáo dục hiện nay.

Nói nhưng không làm

Điều 27 luật Giáo dục 2005 ghi: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 Nền giáo dục nặng về ứng thí
Giáo dục Việt Nam vẫn còn đặt nặng vào kết quả của các kỳ thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng: “Luật Giáo dục đã nói rất rõ và rất đúng. Nhưng trên thực tế thì nền giáo dục (GD) của chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “GD ứng thí”, mục đích đi học chỉ là để đi thi, để có một văn bằng, càng cao càng tốt”.  Phó giáo sư Cương phân tích: “Chúng ta luôn nói đến là phải GD toàn diện trên 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ. Tiếc thay, chúng ta chỉ nói nhưng không làm. Thế là con em chúng ta chỉ học “văn” mà không học “lễ”. Các môn học “làm người” hoàn toàn thiếu vắng trong chương trình GD. Đó là sự lệch hướng lớn nhất, kéo theo mọi lệch hướng khác như học cái gì? Học như thế nào?”.

 

Chúng ta luôn nói đến là phải giáo dục toàn diện trên 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ. Tiếc thay, chúng ta chỉ nói nhưng không làm

Phó giáo sư Văn Như Cương

Đồng quan điểm, Giáo sư Hoàng Tụy chỉ rõ: “Mâu thuẫn lớn trong GD phổ thông hiện nay là một mặt ta lên án bệnh học vẹt, học vì mảnh bằng và luôn hô hào cải tiến phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh (HS), học đi đôi với hành… Mặt khác vẫn duy trì cách thi cử cổ lỗ, dung túng, thậm chí khuyến khích (vô tình bằng chế độ lương phi lý) dạy thêm, học thêm tràn lan. Những việc đó, cộng thêm chương trình và sách giáo khoa bất cập, là nguyên nhân trực tiếp tạo ra nếp dạy và học lạc hậu trong nhà trường; gây ra mất công bằng, dân chủ, làm cho môi trường học đường ngày càng bị ô nhiễm, GD lún sâu vào xu hướng hư học, đi ngược hẳn các phương châm GD tiến bộ”.

Quay cuồng với thi cử

Tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan ngay từ GD mầm non đã diễn ra ngày càng phổ biến.

Để thi vào lớp 1, nhiều gia đình cho con bỏ học mẫu giáo lớn để học trước chương trình tiểu học. Cứ như thế, tiểu học thì học thêm để thi vào THCS, THCS học thêm để thi vào THPT, THPT thì học thêm để thi vào ĐH, CĐ. Ở bậc THPT, dư luận nói đến phát chán rằng, nhiều trường chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp và thi ĐH. Có trường hết học kỳ 1 đã dạy xong các môn phụ để dành thời gian cho các môn thi. Dù năm nào Bộ GD-ĐT cũng có văn bản nhắc nhở “tuyệt đối không cắt xén chương trình…” nhưng các trường nào có quan tâm vì chỉ lo sao cho HS phải đạt tỷ lệ thi tốt nghiệp cao nhất, đỗ ĐH, CĐ càng nhiều càng tốt.

Ông Hồ Tuấn Anh, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho rằng: “Thực tế dạy thêm, học thêm cũng theo quy luật cung - cầu nên không thể giải quyết triệt để bằng những mệnh lệnh hành chính. Nếu còn HS có nhu cầu học thêm thì ắt sẽ có giáo viên dạy thêm. Ở quê tôi, hầu hết các bậc phụ huynh có con đi học thêm đều chấp nhận tốn kém để thi đậu ĐH, coi đó là mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Vì thế, dù con không muốn học thêm thì cũng bị bố mẹ ép phải học”. Ông Tuấn Anh tâm sự thêm: “Có lần giáo viên chúng tôi tự đặt câu hỏi với nhau nếu bây giờ tăng lương cao cho giáo viên đủ sống thì có đi dạy thêm nữa không? Một giáo viên dạy toán giỏi có tiếng ở quê tôi trả lời với thực trạng học để ứng thí thì dù có tăng lương đến 100 triệu đồng tháng cũng không thể chấm dứt dạy thêm được. Thậm chí khi đó, giá học thêm còn đắt hơn, vì nó phải tương xứng với lương của giáo viên”.

Cách vận hành nền giáo dục theo hướng lệch lạc như đã nêu khiến cho bao thế hệ HS quay cuồng trong thi cử. Không một nhà trường nào, gia đình nào, cá nhân nào cưỡng lại được nền học vấn khoa cử hiện hành. Cách cưỡng lại duy nhất là bỏ tiền cho con du học ở một nước có nền GD phát triển, hay theo cách nói thời thượng là “tị nạn GD”.

Còn ngành GD-ĐT thì nhiều năm qua cũng chỉ loay hoay với cách cải tiến về kỹ thuật thi cử. Cả xã hội ngao ngán chứng kiến ngành GD-ĐT năm nào cũng thay đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT. Nào là thi theo cụm, nào là chấm đổi chéo bài thi… rất căng thẳng, tốn kém tiền của, công sức, thời gian… nhưng rồi năm nào sau kỳ thi cũng phát lộ ra một scandal gian dối chỉ với mục đích làm đẹp tỷ lệ tốt nghiệp THPT, mà đỉnh điểm là vụ việc ở Trường THPT Đồi Ngô Bắc Giang trong kỳ thi 2012.

Đã nhận ra nhưng... phải chờ

Giải trình về chất lượng GD phổ thông cuối năm 2012, đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nói rõ: “Mục tiêu GD và các tiêu chí đánh giá kết quả GD chưa thống nhất với nhau: mục tiêu GD thì toàn diện, trong khi đánh giá lại thiên về kết quả học tập”. Cũng theo ông Luận đánh giá, chất lượng GD THPT hiện nay đang dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp THPT và các địa phương chịu một sức ép lớn về tỷ lệ này. Chính vì vậy mới có chuyện nới lỏng coi thi, chấm thi không chặt để có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Bộ GD-ĐT cũng chính thức thừa nhận, kết quả tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây là “bất thường”. Tuy nhiên, hướng giải quyết cụ thể cho việc thi cử, đánh giá ra sao vẫn chưa có gì rõ ràng. Giống như mọi vấn đề khác của GD phổ thông, vẫn phải chờ đổi mới sau 2015.

Tuệ Nguyễn

>> Những quyết sách thiếu thuyết phục
>> Những quyết sách thiếu thuyết phục: Làm chương trình không có tổng chỉ huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.