Thế giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ

12/02/2013 17:28 GMT+7

(TN Xuân) Thường lọt khỏi lịch trình của du khách nhưng 2 bảo tàng “không đụng hàng” của Mỹ sẽ làm hài lòng những ai mê chuyện huyền ảo, ly kỳ.

Bảo tàng Ripley’s Believe It or Not Odditorium (gọi tắt là Odditorium) tại New York là “thánh địa” của giới hâm mộ kỳ nhân quái sự. Trong khi đó, Bảo tàng Gián điệp quốc tế ở thủ đô Washington D.C được dành riêng để tôn vinh cái nghề cổ xưa thứ hai của loài người. Cả hai đều là bảo tàng tư nhân.

Kỳ quái Odditorium

Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định mua vé thăm Odditorium, thuộc “đế chế” Ripley’s Believe It or Not (tạm dịch: Chuyện khó tin của Ripley - Tin hay không thì tùy!) thay vì tòa nhà Empire State lừng danh. Bà cô phúc hậu phụ trách đặt vé giúp khách tại khách sạn cười: “Hồi nhỏ tôi thích vào chỗ này lắm. Cậu không chọn lầm đâu”. Không được khách nước ngoài biết đến nhiều như Empire State hay Ground Zero nhưng Odditorium, nằm ngay rìa Quảng trường Thời đại, là điểm đến không nên bỏ qua tại New York.

Robert Ripley (1890-1949) là họa sĩ biếm họa, doanh nhân và nhà phiêu lưu được nhiều thế hệ người Mỹ hâm mộ. Cùng các cộng sự, ông đi vòng quanh thế giới để thu thập những mẫu vật độc đáo, hình ảnh về các nền văn hóa còn bí ẩn khi đó, những câu chuyện khó tin hay đơn giản là những sự thật ít người biết. Đến nay, Chuyện khó tin của Ripley đã phát triển từ các mẩu lượm lặt trên báo thành chương trình truyền hình ăn khách, cả trăm cuốn sách cũng như hàng chục bảo tàng tại nhiều nước với tổng cộng 20.000 hình ảnh và 30.000 mẫu vật.

Không khí âm u rờn rợn bao trùm Odditorium New York với các gian triển lãm được thiết kế khéo léo ở từng ngọn đèn, từng cánh cửa để giúp du khách đắm chìm vào thế giới của những điều thần bí. Ai yếu bóng vía sẽ nổi gai ốc khi một mình đứng giữa căn phòng đầy những dê hai đầu, cá sấu khổng lồ hay bộ sưu tập đầu người của một tù trưởng người Igorot. Những hiện vật thu hút nhiều du khách nhất phải kể đến một phần Bức tường Berlin, cục than vớt từ xác tàu Titanic hay mẩu tóc của “cha già” nước Mỹ George Washington.

Dĩ nhiên, Chuyện khó tin của Ripley lâu nay cũng hứng chịu nhiều chỉ trích như “nhảm nhí”, “rẻ tiền”. Nhưng thế nào là “rẻ tiền” khi tâm lý thích khám phá những điều kỳ lạ, bí ẩn là một trong những động lực phát triển của loài người. Thế nào là “nhảm nhí” khi hầu như tất cả các tờ báo lớn trên thế giới đều có mục Lượm lặt dành cho phụ nữ có râu, bí khổng lồ hay bò 6 chân...

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ
Vại bia cao gần 1 m vào thế kỷ 19 của Đức

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ2
Nhạc công 3 chân Francesco Lentini (1881-1966). Ông đã lập gia đình và có 4 người con đều bình thường - Ảnh: Trọng Kha

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ3
“Quý bà râu tóc” trong một đoàn tạp kỹ Mỹ cuối thế kỷ 19

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ4
Xác nhồi bông của con cá sấu dài 4,2 m bị giết ở sông Nile năm 2004 sau khi ăn thịt ít nhất 17 người

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ
Than vớt từ xác con tàu Titanic định mệnh

Thử làm 007

Ngay khi bước vào cửa của Bảo tàng Gián điệp quốc tế (thành lập năm 2002), khách tham quan có thể chọn cho mình một lý lịch giả, học thuộc các chi tiết và dùng chúng hóa thân thành một “điệp viên hoàn hảo” trong các trò chơi lý thú. Dưới “vỏ bọc” Hạnh Trần, 30 tuổi, nhân viên hãng Intel, tôi đang đắm chìm vào thế giới của James Bond với các nhiệm vụ nguy hiểm nhưng đầy hấp dẫn… thì bất ngờ một nhân viên bảo tàng trông rất hầm hố chặn tôi lại hỏi: “Anh tên gì?”. Sau vài giây ngớ người, tôi sực tỉnh: “Hạnh Trần”. “Tốt!”, anh nhân viên cười trước khi nháy mắt rồi bỏ đi tìm người khác “tra vấn”.

Bảo tàng có khoảng 600 hiện vật cùng cả ngàn hình ảnh về tình báo, gián điệp và phản gián từ thời thượng cổ đến nay cũng như những đạo cụ điện ảnh lừng danh bao gồm xe hơi đầy đủ “đồ chơi” của 007 và bộ mở khóa trong Mission: Impossible. Các gian trưng bày được phân chia theo hoạt động (nghe lén, theo dõi, lập và phá mã, đánh cắp tài liệu, phá hoại, ám sát...), theo từng thời kỳ hay danh sách các điệp viên huyền thoại. Khó ai ngờ nhiều nhân vật nổi tiếng như nữ danh ca Josephine Baker và nhà văn Daniel Defoe, tác giả Robinson Crusoe, đều là những đặc vụ xuất sắc.

Gian trưng bày về thời Chiến tranh lạnh thu hút nhiều người nhất nhờ cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa CIA-FBI-MI6 đối đầu KGB-Stasi với những tên tuổi đã đi vào lịch sử: thiếu tướng phản gián huyền thoại Rem Krassilnikov của KGB hay cựu đặc tình FBI Robert Hanssen. Krassilnikov là nguyên mẫu của nhân vật Karla bí hiểm trong tiểu thuyết điệp báo lừng danh Tinker Taylor Soldier Spy của nhà văn Anh John Le Carre, còn Hanssen đã bán bí mật của Mỹ cho Liên Xô rồi Nga suốt 22 năm và bị cho là điệp viên nhị trùng gây thiệt hại lớn nhất cho Washington từ trước đến nay… Thật thú vị khi được thấy những hình ảnh, hiện vật về cái thời mà Đại sứ quán Liên Xô tại Washington D.C cùng Đại sứ quán Mỹ tại Moscow “thi xem ai bị gắn nhiều bọ nghe lén hơn”.  Tuy nhiên, do Hội đồng quản trị của bảo tàng gồm nhiều cựu nhân viên và lãnh đạo CIA nên có thể dễ dàng nhận ra sự thiên vị rõ ràng dành cho phương Tây.

Theo đoạn kinh Cựu ước trưng bày tại đây thì Moses từng cử người đến thăm dò kẻ thù tại Canaan. Xét về độ cổ xưa thì tình báo chắc chỉ đứng sau nghề “bán phấn buôn hương” và phát triển liên tục, ngày càng tinh vi, khó lường. Có lẽ Bảo tàng Gián điệp quốc tế sẽ phải sớm cập nhật thêm gian trưng bày về những gián điệp mạng khét tiếng bị cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc mà Lầu Năm Góc từng đánh giá là hiểm họa mới trong thời hiện đại.

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ 5
“Nụ hôn tử thần”, súng ám sát giấu trong thỏi son khét tiếng của KGB

Thé giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ 6
Thuốc độc giấu trong hậu môn dùng để tự sát khi bị bắt của điệp viên CHDC Đức

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.