Nhà báo Nguyễn Công Khế: Anh Phạm Duy đã ra đi mãn nguyện

27/01/2013 21:50 GMT+7

(TNO) Vừa nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, nhà báo Nguyễn Công Khế, người khai sinh ra chương trình ca nhạc Duyên dáng Việt Nam - chiếc cầu nối cho nhiều nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại trở về biểu diễn trên quê hương Việt Nam, đã dành cho Thanh Niên Online những chia sẻ đầy cảm xúc, hoài niệm về “người anh lớn” này.

>> Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
>> Nhạc sĩ Phạm Duy đã “nghìn trùng xa cách”

* Ông đón nhận thông tin về sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào?

- Nhà báo Nguyễn Công Khế: Tôi vẫn nhớ khi nghe tin Duy Quang mất, tôi có đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy, lúc đó anh vừa qua một cơn tai biến và đang nằm một chỗ do sức khỏe không tốt. Tôi cảm nhận được rằng mặc dù rất buồn nhưng tinh thần của anh vẫn luôn lạc quan.

Anh bảo với tôi rằng "Duy Quang ra đi như thế nhưng nó cũng đã để lại cho đời những tác phẩm và giọng ca được mọi người nhớ mãi. Và như thế đối với một con người thì không có gì phải ân hận”. Và tôi nghĩ rằng, lúc đó anh cũng đã chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi hoàn toàn mãn nguyện của mình.

* Được biết ông là một trong những người đã tiên phong nỗ lực hỗ trợ đưa nhạc sĩ Phạm Duy về nước sinh sống và làm việc, tại sao ông lại quyết định thực hiện công việc gây nhiều luồng dư luận như vậy ở thời điểm bấy giờ?

- Nhà báo Nguyễn Công Khế: Trước đây có một đài phát thanh nước ngoài đánh giá rằng, nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 không thể không kể đến 3 cái tên: Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Và tôi đồng ý với quan điểm đó.

Cuộc đời của Phạm Duy luôn chìm nổi theo vận nước. Khi ông tham gia kháng chiến, bỏ kháng chiến về thành, rồi qua Mỹ sinh sống, tất cả những giai đoạn đó là khúc quanh của lịch sử Việt Nam.

Và bởi vì tôi nghĩ rằng, cuộc đời con người luôn có việc này việc khác. Nhưng theo từng giai đoạn sáng tác, Phạm Duy luôn có những đóng góp nhất định cho nền âm nhạc Việt Nam, như những bài thời kháng chiến chống Pháp, những bài tình ca như Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Nha Trang ngày về không người Việt Nam nào thuộc thế hệ trước mà không nhớ.

Tôi nghĩ rằng những nhân vật tài năng như thế đều là tài sản chung của dân tộc Việt Nam, dù có những lúc họ không cùng quan điểm với chúng ta, do cuộc sống đưa đẩy chuyện này chuyện khác...


Nhà báo Nguyễn Công Khế (trái) trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Duy trước đây - Ảnh tư liệu

* Ông đã làm những gì để hỗ trợ nhạc sĩ Phạm Duy trong thời điểm quyết định về nước này?

- Nhà báo Nguyễn Công Khế: Mặc dù ở nước ngoài, nhưng qua thư từ, gặp gỡ qua lại, tôi được biết rằng nhạc sĩ Phạm Duy luôn hướng về quê hương và nung nấu ý định trở về nước. Anh từng nói với tôi rằng dù có chuyện gì đi nữa thì vẫn muốn được sống ở quê nhà, được chết ở quê nhà, như vậy cũng mãn nguyện lắm rồi!

Khi Phạm Duy bày tỏ ý định về Việt Nam, tôi cũng có một số hỗ trợ. Lúc đó tôi đi gặp anh Phạm Quang Nghị (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin), anh Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương), tôi cũng nói với Thủ tướng Phan Văn Khải về việc anh Phạm Duy có nguyện vọng muốn về và nên tạo điều kiện cho anh về nước.

Thời gian đầu khi về Việt Nam, anh Phạm Duy như người đứng giữa. Nhưng ở chỗ thân tình, tôi biết rằng, anh luôn rất hài lòng với quyết định của mình. Anh say mê làm việc và cống hiến, để tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị trong khoảng thời gian trở về sinh sống tại quê nhà này.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, Báo Thanh Niên và anh em phóng viên đã rất gần gũi với nhạc sĩ Phạm Duy và luôn xem anh như là một người anh lớn, hỗ trợ rất nhiều trong việc ổn định cuộc sống của nhạc sĩ khi vừa về Việt Nam, cũng như truyền bá rộng rãi những tác phẩm của nhạc sĩ đã sáng tác trong thời gian qua. Cũng không thể không kể đến những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của Công ty Văn hóa Phương Nam...

* Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất khi cùng nhạc sĩ Phạm Duy sắp xếp cho hành trình hồi hương của mình?

- Nhà báo Nguyễn Công Khế: Tôi từng viết bài về cuộc gặp giữa nhạc sĩ Phạm Duy và Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Thanh Niên. Hồi đó tôi nhớ rằng, khi còn ở nước ngoài, anh viết thư về cho tôi và nói rằng anh luôn mong muốn được gặp "Anh Sáu", tôi rất bất ngờ và cảm kích khi nhạc sĩ sử dụng tên gọi trìu mến mà người dân Việt Nam vẫn thường gọi Thủ tướng.

Trong buổi gặp gỡ đó, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cuộc nói chuyện thân tình của hai người bạn già mà giữa họ không hề có khoảng cách về chính trị, quá khứ. Cố Thủ tướng cũng nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ ý định sinh sống và làm việc lâu dài tại quê hương của nhạc sĩ Phạm Duy lúc bấy giờ.

* Hình ảnh nào ấn tượng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy sẽ luôn đọng lại trong ông?

- Nhà báo Nguyễn Công Khế: Đối với tôi, anh Phạm Duy là một người nói chuyện rất có duyên, với giọng Hà Nội pha chút Sài Gòn đặc trưng. Là một nghệ sĩ, lại được đào tạo bài bản, anh rất uyên bác và thông minh.

* Xin cảm ơn anh!

Hiền Nhi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.