Bangladesh sắp mua tàu ngầm Trung Quốc?

24/01/2013 21:48 GMT+7

(TNO) Chỉ vài ngày sau khi ký kết thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Bangladesh, Thủ tướng Sheikh Hasina ngày 24.1 tuyên bố nước này sẽ tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên nhằm tăng cường sức mạnh hải quân ở vịnh Bengal, theo hãng tin AFP.

(TNO) Chỉ vài ngày sau khi ký kết thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Bangladesh, Thủ tướng Sheikh Hasina ngày 24.1 tuyên bố nước này sẽ tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên nhằm tăng cường sức mạnh hải quân ở vịnh Bengal, theo hãng tin AFP.

“Chúng tôi đã quyết định sẽ sớm bổ sung tàu ngầm cùng các cơ sở căn cứ cho hải quân của Bangladesh nhằm biến nó thành một lực lượng ngăn chặn”, bà Hasina nói khi ra lệnh biên chế chiếc tàu chiến được chế tạo nội địa đầu tiên của nước này tại một căn cứ ở thành phố miền nam Khulna.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - Ảnh: AFP

“Chúng ta sẽ xây dựng một hải quân hiện đại cho các thế hệ tương lai vốn sẽ có khả năng đối mặt với bất kỳ thách thức nào trong cuộc chiến bảo vệ biên giới biển của Bangladesh”, bà nhấn mạnh.

Tuyên bố trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy mong muốn của bà Hasina chi mạnh cho quốc phòng, được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi bà ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 1 tỉ USD ở Nga để mua chiến đấu cơ huấn luyện, máy bay trực thăng và tên lửa chống tăng. Các chuyên gia phân tích nói rằng thỏa thuận với Moscow là thỏa thuận thu mua trang thiết bị quân sự lớn nhất kể từ khi quốc gia nghèo khổ này giành được độc lập vào năm 1971.

 
Bà Hasina không tiết lộ chi tiết về việc Bangladesh sẽ mua bao nhiêu tàu ngầm và mua của nước nào, nhưng một vị tướng quân đội cao cấp nói với các phóng viên rằng Bangladesh đang thương thảo với Trung Quốc về vấn đề này.

Bangladesh, với 1/3 trong tổng dân số 153 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, đã nỗ lực mở rộng năng lực quốc phòng trong những năm gần đây. Nước này đã xây dựng một căn cứ không quân mới gần nước láng giềng Myanmar và bổ sung các tàu chiến.

Một tòa án quốc tế đã chấm dứt một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bangladesh và Myanmar hồi tháng 3.2012, nhưng cuộc tranh cãi đã đẩy hai nước đến bờ xung đột quân sự vào năm 2008, khi Myanmar điều các tàu hải quân đến hỗ trợ việc khoan thăm dò khí đốt. Bangladesh còn có một cuộc tranh cãi với nước láng giềng Ấn Độ về biên giới biển tại vịnh Bengal vốn nhiều tài nguyên.

Bà Hasina nói việc dàn xếp mang tính hòa giải cuộc tranh chấp trên biển với Myanmar đã đảm bảo chủ quyền của nước này đối với vùng biển rộng 111.631 km2, gần bằng kích cỡ của quốc gia này. Bà nói thêm rằng việc thu mua trang thiết bị quốc phòng là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh của khu vực rộng lớn trên, trong đó Dhaka hồi tháng trước đã mời các công ty dầu khí quốc tế đấu thầu thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí của nước này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Bangladesh BSS, chiếc tàu chiến vừa được bà Hasina chính thức ra lệnh biên chế vào ngày 24.1 được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Khulna với sự giám sát của Hải quân Bangladesh. Chiếc BNS Padma được trang bị bốn khẩu đại bác 37 mm và hai khẩu 20 mm nhằm đối phó các cuộc tấn công bằng đường không và đường bộ, và có khả năng gài thủy lôi.

Trùng Quang

>> Bangladesh ký thỏa thuận quốc phòng với Nga
>> Cháy xưởng may Bangladesh, hơn 100 người chết
>> Tàu chìm ngoài khơi Bangladesh, gần 50 người mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.