Sa sút nghề thổ cẩm

18/01/2013 09:45 GMT+7

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên cao nguyên Đắk Lắk có vẻ lâm cảnh “xế chiều” khi nhiều buôn làng từ bỏ khung dệt.

Hết thời sôi động

Trong ngôi nhà dài thênh thang của Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột, chỉ một mình H’Lan loay hoay với khung dệt và tấm vải thổ cẩm dang dở. Chị  ngao ngán: “Trước đây, nhiều chị em tụ tập ở đây cùng dệt, vui lắm; giờ chỉ còn một mình làm, có lúc thấy nản vì không còn nhiều người theo nghề này”.

Sa sút nghề thổ cẩm  
Xã viên dệt thổ cẩm ở HTX Tơng Bông - Ảnh T.N.Q

Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột, Y Phun Ni, từng được báo chí ca ngợi là “chàng trai dệt vải”, không khỏi chạnh lòng khi nhắc đến nghề dệt: “Hồi mới thành lập HTX có gần 40 xã viên dệt thổ cẩm, nhưng nay chỉ còn khoảng 10 người vừa dệt vải vừa may thành phẩm. Đầu ra cho sản phẩm chỉ trông chờ các cửa hàng lưu niệm, không còn cảnh khách hàng đăng ký từng lô hàng lớn như trước kia nữa”. Theo Y Phun Ni, giờ đây hàng thổ cẩm dệt bằng máy rẻ tiền hơn tràn ngập các điểm kinh doanh, nhu cầu trang phục truyền thống của đồng bào nhiều nơi đã bão hòa, một bộ phận người trẻ ở các buôn làng thay đổi thị hiếu theo hướng không thích thổ cẩm... Đó là những nguyên nhân khiến hàng dệt thủ công truyền thống đang mất dần đất sống.

Điểm sáng nhỏ nhoi

Còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, một loạt HTX dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk ra đời. Với các chính sách khuyến khích, ưu đãi vay vốn, ưu tiên trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, những tưởng các HTX này sẽ góp phần vực dậy và phát triển nghề truyền thống của đồng bào bản địa. Tuy nhiên, sau một thời gian sôi động, những HTX này “rơi rụng”  dần, một số HTX ở buôn làng các huyện Lắk, Cư Mgar, TP.Buôn Ma Thuột… gần như không còn gắn bó với nghề, có HTX làm thủ tục giải thể, có HTX chỉ còn “tiếng” mà không hoạt động…

Tuy vậy, trong cảnh “xế chiều” của thổ cẩm, việc duy trì nghề dệt của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông ở xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột là điểm sáng đáng ghi nhận. Thổi ngọn lửa nhiệt tình vào nghề dệt ở đây là bà H’Yam Bkrông, chủ nhiệm HTX, người vừa nhận giải thưởng Kova cuối năm 2012 dành cho tấm gương tiêu biểu của cộng đồng. Bà H’Yam tham gia thành lập HTX từ năm 2003, tự mình nghiên cứu, áp dụng nhiều kiểu mẫu hoa văn dệt truyền thống, truyền nghề và giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho nhiều phụ nữ ở các buôn làng. Giờ đây, HTX Tơng Bông có 42 xã viên, mỗi năm sản xuất hơn 5.000 sản phẩm vật dụng lưu niệm, trang phục dân tộc với chất liệu thổ cẩm, xã viên thu nhập bình quân mỗi tháng gần 2 triệu đồng/người. Bà H’Yam giãi bày: “Chúng tôi phải tìm cách xoay xở đầu ra như quan hệ chặt chẽ với các điểm du lịch, đại lý tiêu thụ sản phẩm, tổ chức một nhóm xã viên chuyên đi bán rong sản phẩm ở các buôn làng, mở thêm ngành nghề sản xuất hàng mộc mỹ nghệ… Nhờ vậy, HTX may mắn duy trì được nghề truyền thống cho đến nay”. Cũng từ hiệu quả hoạt động tự thân mà mới đây HTX Tơng Bông đã được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk hỗ trợ 45 triệu đồng để thực hiện đề án mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

“Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng chịu sự sàng lọc gắt gao của cơ chế thị trường, đơn vị nào năng động, sáng tạo, tổ chức sản xuất, kinh doanh tốt thì đứng vững”. Đó là nhận định của ông Hoàng Khang, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Khang, nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk sa sút nhưng không bao giờ mất hẳn, nó sẽ tìm hướng phát triển với cách làm mới khi có người thực sự tâm huyết với nghề, HTX Tơng Bông là một ví dụ.

Trần Ngọc Quyền

>> Sức sống làng dệt thổ cẩm Srây Skốth
>> Ngọc Hân, Huyền Trang mang thổ cẩm Việt đến Pháp
>> Tây học dệt thổ cẩm, đan gùi
>> Minh Hạnh mang thổ cẩm đến Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.