Phi công UAV ám ảnh vì “giết người như chơi game”

16/01/2013 04:00 GMT+7

Nhiều phi công điều khiển máy bay không người lái (UAV) của không quân Mỹ gặp bất ổn tâm lý nghiêm trọng do bản chất của loại khí tài này.

“Tôi đã giết nhiều người”. Nỗi ray rứt này, ngày này qua ngày khác làm Brandon Bryant suy sụp. Không thể chịu nổi gánh nặng tâm lý, anh quyết định xuất ngũ. Mới đây, Bryant đã trải lòng mình với tờ Der Spiegel. Trong bối cảnh UAV thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đấu Mỹ - Iran tại vùng Vịnh hay Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, lời kể của cựu phi công 27 tuổi một lần nữa khiến dư luận nhìn lại mặt trái của chiến tranh từ xa.

Cho đến giữa năm 2012, nơi làm việc chính trong 6 năm tại ngũ của Bryant là căn phòng bề ngoài trông giống một container đặt tại căn cứ ở bang New Mexico. Căn phòng không có cửa sổ, cửa chính cũng thường xuyên đóng để đảm bảo an ninh. Đây chính là buồng lái của những phi công đặc biệt như Bryant.

 Hai phi công Mỹ điều khiển UAV MQ-1B Predator từ  một căn cứ ở Iraq - Ảnh: US Air Force
Hai phi công Mỹ điều khiển UAV MQ-1B Predator từ  một căn cứ ở Iraq - Ảnh: US Air Force

Nhấn nút - giết người

Trước mặt Bryant và các đồng nghiệp là hàng loạt màn hình máy tính. Hình ảnh, dữ liệu liên tục được truyền về. Khi xác định được mục tiêu, chỉ cần một cú nhấn nút của anh là sẽ có người thương vong cách đó hàng ngàn cây số. Trong số hàng loạt nhiệm vụ đã thực hiện, Bryant vẫn nhớ như in đợt không kích ở Afghanistan.

Lần đó, UAV Predator do anh điều khiển truyền về hình ảnh một ngôi nhà nhỏ vách đất, bên cạnh có xây chuồng dê. Phòng chỉ huy xác định đây chính là mục tiêu “chống khủng bố” và ra lệnh tấn công. Bryant nhấn nút, đánh dấu mái nhà bằng tia laser và đồng nghiệp ngồi kế bên nhấn nút phát hỏa. Chiếc UAV phóng ra một tên lửa Hellfire. Vào những giây cuối cùng trước khi tên lửa chạm mục tiêu, Bryant tá hỏa khi thấy một em bé thình lình xuất hiện bên hiên nhà. Quá trễ để đổi hướng bay của tên lửa. Màn hình máy tính lóe lên một vệt sáng. Căn nhà đổ sập, đứa trẻ biến mất.

“Chúng ta vừa giết một đứa trẻ?”, Bryant quay sang hỏi đồng nghiệp, trong lòng quặn thắt. Viên phi công kia gật đầu. Trong lúc họ vẫn còn hoang mang thì viên chỉ huy đợt tấn công xuất hiện và nói chắc nịch: “Chỉ là một con chó”. Bryant xem lại đoạn phim và tự hỏi: “Một con chó đi trên 2 chân?”.

Gặp nhà báo của Der Spiegel tại quê nhà ở bang Montana, Bryant cười nhẹ nhõm: “Đã 4 tháng rồi, tôi không còn mơ thấy những hình ảnh từ máy quay hồng ngoại nữa”. Anh đã thực hiện 6.000 giờ bay với UAV, đã “chứng kiến rất nhiều người chết, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em”.

Trước đây, Bryant không bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình giết người. Tốt nghiệp cấp 3, anh muốn trở thành nhà báo, nhưng chỉ sau 1 học kỳ ở đại học, anh đã “xính vính” vì học phí quá cao. Tình cờ nghe bạn bè bảo đại học của không quân hoàn toàn miễn phí, Bryant thi thử rồi đậu rất cao. Anh bắt đầu học cách điều khiển UAV, phân tích dữ liệu như hình ảnh, bản đồ, điều kiện thời tiết…

Lần đầu tiên được quyền khai hỏa, Bryant nhớ rất rõ đã giết chết 3 người. Anh thường xuyên nhận nhiệm vụ theo dõi những đối tượng bị nghi dính líu với Taliban, có khi trong vài tuần lễ. Anh nhìn thấy mọi sinh hoạt, đôi khi rất “riêng tư” của họ vì nhiều người Afghanistan có thói quen leo lên nóc nhà ngủ vào mùa hè. Và khi lệnh trên đưa xuống, Bryant sẽ nhấn nút để khai tử những người bị xác định là khủng bố. Viên phi công trẻ tuổi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng trong suốt 6 năm trời, không lúc nào tâm hồn anh được thanh thản.

Về nguyên tắc, giới chức quân sự Mỹ luôn khẳng định chỉ ra lệnh tấn công bằng UAV khi đảm bảo thân nhân của đối tượng không ở cùng nơi. Tuy nhiên, theo Der Spiegel, máy móc, dù hiện đại, tinh vi đến đâu, vẫn không thể “nhìn” tuyệt đối chính xác. Đó cũng là lý do, chính quyền Afghanistan và Pakistan phải thường xuyên phản đối các vụ UAV thảm sát dân thường trong thời gian qua.

Tờ The New York Times đăng một nghiên cứu cho thấy 46% phi công UAV “căng thẳng cao độ” trong công việc. Trong đó, 29% có dấu hiệu “kiệt sức” và 4% mắc hội chứng rối loạn stress sau sang chấn tâm lý. Trên thực tế, tuy không bị đe dọa trực tiếp bởi bom đạn nhưng nhiều phi công UAV không thể vượt qua khó khăn về mặt tinh thần như: cùng lúc phải sống ở cả thời chiến và thời bình, giết người một cách quá dễ dàng… Theo một số nguồn tin, thậm chí có người đã tự sát.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Philippines phát hiện xác UAV Mỹ
>> Syria cải tiến Mig-21 thành UAV?
>> Hàn Quốc sắp mua UAV tối tân
>> Iran có thể chế tạo UAV RQ-170 của Mỹ
>> Iran “giải mã hết bí mật” UAV Mỹ
>> Tham vọng UAV chiến đấu siêu hiện đại của châu u 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.