Bùng phát ăn cắp hàng trong container xuất khẩu

11/01/2013 22:05 GMT+7

(TNO) Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu về tình trạng ăn cắp hàng xuất khẩu trong container bùng phát, khiến uy tín doanh nghiệp bị giảm sút trong mắt đối tác nhập khẩu.

“Mật phục”

Ngày 10.1, sau nhiều lần theo dõi, Công ty công nghiệp Vạn Xuân (TP.HCM) đã bắt quả tang chủ xe và tài xế một công ty vận tải lấy cắp hàng của công ty trong khi chở hàng từ nhà máy ra cảng.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc tài chính của Công ty Vạn Xuân, cho biết công ty xuất khẩu cao su đi Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Mexico và các nước Trung Đông.

Tuy nhiên, thông tin do nhà nhập khẩu phản hồi là những lô hàng cao su xuất sang luôn bị thiếu. Kiểm tra các khâu, Công ty Vạn Xuân nhận định việc mất hàng thường xảy ra trong quá trình vận chuyển từ nhà máy ra cảng.

Ngày 9.1, Công ty Vạn Xuân yêu cầu đối tác vận tải chở 20 tấn (tương đương 600 bành cao su, với trọng lượng hơn 33 kg/bành) nguyên liệu cao su  từ nhà máy Hoa Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) ra cảng Cát Lái (TP.HCM).

Để chắc ăn, Công ty Vạn Xuân yêu cầu chủ doanh nghiệp vận tải phải có mặt ở nhà máy để nhận và kiểm kê hàng.


Các bành cao su hơn 33 kg bị cắt gọt từ 1-3 kg - Ảnh: Công ty Vạn Xuân cung cấp

Sáng 10.1, lô hàng 20 tấn có mặt ở cảng Cát Lái chuẩn bị xuất khẩu đi Malaysia. Tuy nhiên, do có tin báo từ trước, đại diện Công ty Vạn Xuân phối hợp với công an và quân cảng Cát Lái yêu cầu mở container để kiểm tra lô hàng.

Kết quả, lô hàng 20 tấn cao su đã bị "cắt gọt” mất gần 340 kg. Cụ thể, có tới 133 bành cao su bị cắt gọt (mỗi bành bị gọt 1-3 kg) trên đường vận chuyển.

Ông Lý Hùng Cường, nhân viên của Công ty Vạn Xuân, người trực tiếp xử lý vụ việc cho hay chủ xe đã thừa nhận việc lấy cắp khi làm việc với cơ quan công an.

Theo đó, trên đường vận chuyển hàng từ Bà Rịa-Vũng Tàu tới cảng Cát Lái, chủ xe và tài xế đã dừng xe tại ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai), gọi thêm ba người đàn ông khác “rút” hơn 340 kg cao su nguyên liệu đem bán cho đầu nậu.

“Các bành cao su được cắt gọt rất đẹp và chuyên nghiệp. Nếu không đem lên cân từng bành để kiểm chứng trọng lượng thì ngay cả cơ quan chức năng cũng khó phát hiện”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Trung Thành cho hay vụ lấy cắp hàng này là một trong số rất nhiều vụ mà Công ty Vạn Xuân bị từ trước tới nay.

“Nhiều trường hợp, hàng xuất ra nước ngoài bị thiếu, đối tác đòi bồi thường. Thậm chí có nhiều đối tác còn ngưng nhập khẩu khiến công ty thiệt hại rất lớn. Bất đắc dĩ công ty mới phải bắt quả tang như thế này”, ông Thành nói.

Hạt điều, dây cáp điện “không cánh mà bay”

Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su có số lượng lớn như Hòa Thuận, Hoa Sen, Việt Phú Thịnh… khi được hỏi đều khẳng định chuyện mất hàng ở container diễn ra thường xuyên.

Đáng chú ý, việc mất hàng trong container xảy ra đối với ở tất cả mặt hàng xuất và nhập khẩu.

Hiệp hội Điều Việt Nam mới đây đưa ra thống kê trong mấy năm gần đây doanh nghiệp trong ngành mất một lượng hàng trên 5.000 thùng carton hạt điều với giá trị khoảng 2 triệu USD.

Lớn nhất là vụ Công ty TNHH Hải Nam Phát bị mất cắp tới 1.000 thùng carton hạt điều (trị giá 2 tỉ đồng) khi công ty này đóng hàng xuất đi Ai Cập. Kỳ lạ là khi kiểm tra không thấy dấu vết cạy, phá cắt nắp container.

Công ty dây cáp điện Tai Sin Việt Nam cũng từng trình báo với công an về việc thời gian gần đây rất nhiều lô hàng dây cáp điện mà công ty nhập khẩu “không cánh mà bay”.

Điển hình như vụ lô hàng 20 tấn lõi đồng (tương đương 190.000 USD) đóng trong container của Công ty Tai Sin Việt Nam “bốc hơi” tại cảng một cách khó hiểu.

Nhiều chiêu “rút ruột”

Ông Nguyễn Trung Thành chỉ ra một số chiêu thức mà đối tượng “rút ruột” container thường áp dụng.

Chiêu khá phổ biến là tài xế lấy cắp hàng trong quá trình vận chuyển từ nhà máy ra cảng. Đối tượng trộm sẽ cắt bản lề (vẫn giữ nguyên niêm phong) ở cửa hoặc “khoét” trên nóc coinainer để lấy hàng, sau đó hàn và phun sơn lên xóa vết tích.

Một chiêu nữa là đối tượng ăn cắp cấu kết với nhân viên công ty kiểm đếm để bớt xén hàng. Cách thức này rất khó phát hiện vì đa phần công ty xuất khẩu tin tưởng và giao toàn bộ việc kiểm kê hàng cho công ty kiểm đếm.

Riêng với cao su, trên đường vận chuyện, tài xế sẽ ghé vào các cơ sở của đầu nậu để tráo hàng từ bành 33 kg để "đổi" lấy bành 30 kg. Chiêu này thường áp dụng đối với những lô hàng mà nhà nhập khẩu không yêu cầu phải dán tem hay nhãn mác.

Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam còn chỉ ra chiêu thức táo tợn là bọn trộm thành lập công ty vận tải nhỏ nhận vận chuyển hàng cho các doanh nghiệp hoặc các công ty vận tải lớn để trộm cắp hàng.

Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, cho hay tình trạng trộm hàng trong container diễn ra nhiều năm nay. Các cảng vụ và doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Trung Hiếu

>> Thuyền trưởng “rút ruột” gạo, lãnh án
>> Rút ruột gạo xuất khẩu, thuyền trưởng lãnh án 20 năm tù
>> Phá 25 vụ “rút ruột” container, bắt giữ 51 người
>> Rút ruột hàng đóng gói sẵn
>> “Rút ruột” container trộm gần 2 tấn mủ cao su
>> Phá băng trộm "rút ruột" container

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.