“Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 4: Thủ tục khiến khách nản lòng

20/12/2012 00:20 GMT+7

Một số thủ tục cả chính thức và không chính thức nhiêu khê và không hợp lý, đi ngược với thông lệ quốc tế đã phần nào khiến du khách có cái nhìn kém tích cực về hình ảnh du lịch VN.

Giữ giấy tờ tùy thân

Hầu hết khách sạn (KS) ở VN đều tạm giữ giấy tờ tùy thân của du khách từ lúc làm thủ tục nhận phòng cho tới khi trả phòng. Đối với khách trong nước, giấy tờ mà KS đòi là CMND. Còn khách nước ngoài, dĩ nhiên là hộ chiếu. Điều này hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế.

Đối với du khách nước ngoài, đây là chuyện bất bình thường. Một nhân viên tiếp tân KS ở TP.HCM cho hay, nhiều du khách nước ngoài đã phản ứng, nhất quyết lấy lại hộ chiếu và chuyển qua thuê KS khác. Tuy nhiên, KS nào cũng như thế, nên khách cuối cùng đành chấp nhận. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, đang đưa một đoàn khách gồm các hãng lữ hành ở Canada đến VN khảo sát, cho biết tại nhiều điểm đến, KS giữ hộ chiếu của cả đoàn đến ngày về mới trả.

“Khách nói, hộ chiếu là tài sản cá nhân, phải luôn giữ bên người mỗi khi ra nước ngoài. Suốt chuyến đi, tôi cứ áy náy với những vị khách lần đầu tới VN, mà cũng chẳng tìm ra cái lý gì để giải thích với họ về việc KS tạm giữ giấy tờ. Nói đúng sự thật thì chắc chắn khách sẽ nghĩ họ không được “chủ nhà” tôn trọng”, ông Huê nói. Có hai lý do KS giữ giấy tờ, một là báo cáo tạm trú với cơ quan quản lý và phòng ngừa rủi ro bị khách quỵt tiền phòng. Tuy nhiên, ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội KS TP.HCM, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các KS không đầu tư công nghệ để quản lý dữ liệu của khách. Một số KS lớn đã làm theo cách cho nhân viên photocopy giấy tờ và báo cáo cơ quan quản lý bằng phần mềm.

Thực ra, khi khách nhập cảnh vào VN đã được hải quan kiểm soát và lưu giữ thông tin hộ chiếu trong máy tính. Chuyện sợ khách ở KS rồi “đánh bài chuồn” mà không thanh toán thì quá vô lý. Ở Thái Lan, Singapore hay Trung Quốc, khách sẽ đặt tiền cọc, có thể bằng tiền mặt và sẽ được hoàn lại khi trả phòng, hoặc xác minh thẻ tín dụng (verify credit card). Đối với khách đi tour theo đoàn, tiền phòng đã được các công ty du lịch chịu trách nhiệm thanh toán. “Điều này khiến khách bực mình. Hơn nữa, giấy tờ tùy thân luôn được sử dụng những lúc cần thiết, thì không có lý do gì tạm giữ của khách”, ông Huê nói.

“Chuyện nhỏ” gây khó lớn
Nhiều quy định chính thức lẫn không chính thức đang gây khó chịu cho du khách nước ngoài - Ảnh: N.Sơn

Thủ tục nhiêu khê

Nhưng không chỉ trong ngành KS. Ông Phan Thân, giám đốc một công ty lữ hành ở TP.HCM kể, có lần một cơ quan quản lý địa phương đòi hỏi phải cung cấp hộ chiếu và bằng lái bản chính trước một tuần mới cho phép một đoàn khách du lịch bằng mô tô qua cửa khẩu vào VN. “Hộ chiếu và bằng lái là vật bất ly thân của khách, đòi lấy trước sao được. Hơn nữa, họ đang còn du lịch ở Thái Lan, mà đòi hộ chiếu khác nào làm khó?”, ông Thân bức xúc.

Ngoài ra, việc đòi hỏi quá nhiều thủ tục xin giấy phép cho các đoàn khách vào VN du lịch bằng mô tô là không cần thiết. Ngoài các thủ tục mà các nước trong khu vực đều cần, gồm giấy đăng ký xe của khách, lý lịch trích ngang của khách, lý lịch của xe, bằng lái xe, cơ quan quản lý VN còn yêu cầu phải có giấy kiểm định xe; công ty du lịch tổ chức chuyến đi phải thực hiện phương án an toàn giao thông. Chưa hết, du khách phải gửi qua VN số máy xe, số sườn xe và khi vào VN, phải chuyển đổi bằng lái tạm thời. Vì thế, nhiều đoàn khách đã cắt VN ra khỏi hành trình.

“Xe ở một số nước, chủ muốn cà số máy để gửi qua VN phải tới hãng mở máy ra mới lấy được. Tổng cộng để làm xong thủ tục, họ phải gửi qua VN cả chục bản scan giấy tờ để làm hồ sơ. Trong khi các nước chỉ đòi hỏi 4 loại giấy tờ là đủ”, ông Thân cho biết. Việc cấp bằng lái tạm thời cho khách mô tô mỗi tỉnh lại làm mỗi khác. Như TP.HCM, bằng lái tạm do Sở GTVT cấp; còn ở Tây Ninh thì do công an.

Còn phương án an toàn giao thông, các nước trong khu vực không đòi hỏi. Rủi ro tai nạn thì loại hình du lịch nào cũng có thể gặp phải, không riêng du khách mô tô. Ngoài ra, khách nước ngoài lái xe mô tô cũng giống VN, cho nên đổi bằng lái tạm thời là thừa.

Theo ông Thân, loại hình du lịch bằng xe mô tô rất phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ, Úc. Đây là đối tượng khách giàu có, tiêu xài nhiều. So với tour thông thường, chi phí cho một tour mô tô vào VN đắt hơn 70%, do khách phải gửi xe bằng đường biển cả đi và về… Khách thường chi đậm cho mua sắm, vì họ sử dụng container chứa xe mô tô, nên có thể dồn hàng vào đó. Nếu thủ tục của VN đơn giản, sẽ có nhiều đoàn khách mô tô vào VN, bởi địa hình nước ta rất phù hợp với loại hình du lịch này.

Các thủ tục rườm rà, khác biệt khiến du khách nản lòng và VN mất 80% thị trường khách mô tô tiềm năng. Đối tác nước ngoài từ chối đưa khách vào VN và công ty lữ hành VN cũng ngán tham gia tổ chức tour này.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.