Các kế hoạch quân sự nổi bật

17/12/2012 03:15 GMT+7

Giữa tuần trước, tạp chí chuyên ngành quốc phòng Jane’s Defence Weekly vừa công bố báo cáo về tình hình quốc phòng toàn cầu năm 2012.

Tờ Jane’s Defence Weekly (JDW) thuộc Công ty IHS chuyên cung cấp thông tin, báo cáo phân tích về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng. Nhiều năm qua, báo cáo quốc phòng thường niên của JDW được xem như đánh giá toàn diện, đầy đủ về tình hình quân sự của hầu hết các khu vực trên thế giới. Trong báo cáo mới nhất, JDW đánh giá năm 2012 đóng vai trò bản lề đối với chiến lược quân sự của Mỹ khi Washington chính thức tuyên bố chuyển hướng trọng tâm về khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy.

Đã triệt thoái lực lượng khỏi Iraq, Mỹ giờ đây đang lên cả kế hoạch tái phối trí quân đội trên toàn cầu sau khi đưa toàn bộ binh sĩ rời Afghanistan vào năm 2014.  Đồng thời, để dồn trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương, Washington lại đang phải ra sức hoàn thiện học thuyết tác chiến không biển nhằm đối phó chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” (anti-access/are-denial, viết tắt A2/AD) mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc lại phải đối mặt với việc bị cắt giảm ngân sách do tình hình nợ công và thâm hụt ngân sách tăng cao. Dự kiến, ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bị cắt giảm 487 tỉ USD trong giai đoạn từ 2012-2021. Giữa bối cảnh như thế, Lầu Năm Góc dù cố giữ vững sức mạnh nhưng vẫn sẵn sàng cho kế hoạch tinh giản lực lượng. Theo đó, đến năm tài chính 2017, tổng số lục quân có thể giảm từ 562.000 xuống còn 490.000 binh sĩ, lính thủy đánh bộ giảm từ 202.000 xuống còn 182.000 binh sĩ.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn đang xúc tiến nhiều kế hoạch hiện đại hóa quân sự và kéo dài tuổi thọ của các khí tài vẫn còn hữu dụng, đáp ứng tiêu chí tiết giảm ngân sách.

Nhiều chương trình hiện đại hóa

Gần đây, tờ Defense News đưa tin Lầu Năm Góc vừa thông báo quốc hội về việc chi tiền trang bị thêm 32 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35. Như vậy, sau nhiều vướng mắc Washington vẫn xúc tiến kế hoạch trang bị diện rộng loại F-35. Mặc dù vậy, quá trình trang bị F-35 chắc chắn sẽ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Vì thế, Lầu Năm Góc phải tiến hành kế hoạch nâng cấp khoảng 300 chiếc chiến đấu cơ F-16 C/D để kéo dài tuổi thọ số máy bay này trong khi chờ F-35.

Dù kế hoạch trang bị thêm máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk Block 30 bị tạm ngưng nhưng không quân Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục chương trình bổ sung RQ-4 Global Hawk Block 40. Bên cạnh đó, không quân Mỹ dự kiến sẽ nâng cấp dòng máy bay do thám U-2 để kéo dài thời gian hoạt động thêm nhiều năm, có thể đến năm 2023.


UAV X-47B bay thử nghiệm trên tàu sân bay - Ảnh: Defense News
 

Về khí tài cho lục quân và lính thủy đánh bộ, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm tăng cường khả năng đổ bộ, đáp ứng học thuyết mới của Mỹ. Lục quân Mỹ đang đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa phương tiện tác chiến mặt đất. Trong đó, Washington dự kiến sớm trang bị loại xe bọc thép đa dụng với giá thành khoảng 1,8 triệu USD mỗi chiếc để thay thế dòng M113 tồn tại nhiều năm qua.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc dường như cũng đang ra sức thực hiện kế hoạch phát triển phương tiện tác chiến chiến thuật hạng nhẹ và xem xét hiện đại hóa dòng Humvee. Đồng thời, Mỹ lên kế hoạch trang bị 579 xe chở lính thủy đánh bộ. Khả năng tấn công đổ bộ tất nhiên vẫn là ưu tiên khi Lầu Năm Góc muốn sớm trang bị loại phương tiện tấn công đổ bộ thế hệ mới trọng tải 31 tấn. Loại phương tiện này có thể bắt đầu tấn công đổ bộ ở khoảng cách 12 hải lý (khoảng 20 km) tính từ bờ biển.

Trong khi đó, hải quân vẫn đóng vai trò then chốt trong chính sách quân sự của Mỹ, nhất là khi Washington chuyển hướng về châu Á - Thái Bình Dương. Giữa năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố đến năm 2020 sẽ triển khai 60% tàu chiến của nước này tại Thái Bình Dương. Theo DJW, hải quân Mỹ đang bổ sung thêm hơn 30 tàu đổ bộ. Đặc biệt, chương trình tàu mẹ đổ bộ lớp San Antonio trị giá gần 2 tỉ USD mỗi chiếc sẽ được xúc tiến nhanh hơn để sớm đóng mới thêm. Loại tàu này được xem là một siêu hạm đổ bộ có thể chở theo nhiều loại khí tài cỡ lớn khác.

Trong năm 2012, Mỹ cũng chính thức cho về hưu hàng không mẫu hạm USS Nimitz sử dụng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong các bước để Mỹ hiện đại hóa lực lượng tàu sân bay, chuẩn bị tung ra siêu hàng không mẫu hạm là lớp Gerald R.Ford, chiếc đầu tiên dự kiến mang tên USS Gerald R.Ford, đồng thời Lầu Năm Góc đang dần thay thế tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio bằng hàng chục chiếc lớp Virginia. Bên cạnh đó, các loại tàu chiến cận bờ lớp Independence và Freedom cũng đang được tăng cường.

Một trong những nỗ lực quan trọng của hải quân Mỹ là hoàn thiện khả năng tác chiến của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 trên tàu sân bay. Năm nay, hải quân Mỹ đạt được nhiều bước tiến về vấn đề này. Cũng trong năm nay, hải quân Mỹ vừa thử nghiệm UAV X-47B trên tàu sân bay. Loại UAV tấn công này là một bước đột phá với khả năng bán trí tuệ nhân tạo, có thể hướng đến không cần người điều khiển như những máy bay không người lái lâu nay.

Ngô Minh Trí

>> Rơi máy bay ở Nigeria, 1 thống đốc và 5 người khác thiệt mạng
>> Mỹ mua thêm 32 máy bay tàng hình F-35
>> Mỹ quan ngại vụ Trung Quốc điều máy bay đến gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Lái" máy bay không người lái
>> Nhật điều chiến đấu cơ chặn máy bay Trung Quốc
>> Chiến đấu cơ Nhật cất cánh đuổi máy bay Trung Quốc
>> Iran tuyên bố chế tạo được máy bay không người lái của Mỹ
>> Máy bay quang năng vòng quanh thế giới
>> Máy bay đụng nhau tại Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.