Truyền hình thực tế đang “đuối”

11/12/2012 04:10 GMT+7

Sức hút của các chương trình truyền hình thực tế đang giảm nhiệt dần, trong khi số lượng ngày một nhiều hơn.

Từ chương trình truyền hình thực tế đầu tiên của Đài truyền hình VN là Phụ nữ thế kỷ 21 lên sóng năm 2006, đến nay đã có rất nhiều chương trình khác ra mắt. Có thể kể như Yo! Cùng ước mơ xanh, Hành trình 2468, 72 giờ thử thách, Nốt nhạc ngôi sao, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam Idol, Hợp ca tranh tài, Vietnam’s Got Talent, Sáng bừng sức sống, The Voice, Vietnam’s Next Top Model, So you think you can dance, Tôi là người dẫn đầu, Hành trình kết nối những trái tim, Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam...

Khán giả ban đầu rất háo hức trước nội dung mới mẻ, quay hình phát sóng luôn những cảm xúc hậu trường của cuộc thi, cảnh những thí sinh ăn ngủ, tập luyện và cả phát biểu suy nghĩ của người thân, bạn bè thí sinh, giám khảo... Thế nhưng, khi yếu tố “thực tế” của các chương trình này bị bóc trần là dàn dựng, gượng ép và có bàn tay của “đạo diễn” chi phối quá nhiều để cho ra những câu chuyện hấp dẫn... thì công chúng dần hiểu ra rằng nó không hề “thực tế”. Thế nên sự hấp dẫn từ những câu chuyện được tô vẽ đó cũng mất dần sức hút và trở nên “thường”.

Đuối dần

Khó có thể phủ nhận sức hút vang dội của Giọng hát Việt trong những số đầu khi phát sóng tại VN. Lý giải cho sự hấp dẫn khó cưỡng này là bởi chương trình có một format quá mới mẻ, lôi cuốn. Thế nhưng, khi scandal dàn xếp kết quả, thao túng hậu trường của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên “nổ” ra, khán giả như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt khiến họ tỉnh người.

Giọng hát Việt bị giảm nhiệt không chỉ bởi sự cố đó, mà càng đi vào các vòng trong thì sự hạn chế của format này càng lộ rõ. Không còn là một dàn thí sinh muôn màu muôn vẻ trong giọng hát như khi vừa ra mắt nữa; càng loại dần thí sinh, các đội cũng chỉ còn lại vài thí sinh đơn màu trong giọng hát, có thí sinh được chọn chỉ vì tin nhắn bình chọn của khán giả... Chính vì những điều đó nên chất lượng giọng hát hiện là vấn đề của Giọng hát Việt. Thí sinh đã cạn vốn, dần chững lại và đi vào lối mòn; cùng với việc 4 HLV “hết chiêu” tung hứng, nhạt dần, thiếu duyên trong các nhận xét của mình đã khiến nó rơi vào quỹ đạo như phiên bản gốc tại Mỹ: kéo dài càng nhiều đêm thi càng rớt raiting!


The Voice, Vietnam IdolSo you think you can dance tranh nhau “thắng - thua” không chỉ về mặt khán giả trên sóng truyền hình - Ảnh: T.L
 

Đó là mới nói đến chương trình được tổ chức mùa đầu tiên, còn mới mẻ, chứ như Vietnam’s Next Top Model thì sau 3 mùa, sự mới mẻ của một cuộc thi tuyển người mẫu với các thử thách cam go cũng đã bắt đầu nhàm. Mùa thứ 3 giảm sức hút thấy rõ khi không còn tạo nên bất ngờ nào. Cách thức thi cùng với những biểu hiện, xúc cảm quen thuộc của dàn giám khảo kéo dài 2 mùa, cộng với chất lượng thí sinh kém hẳn so với hai mùa đầu đã khiến Vietnam’s Next Top Model bị “rớt giá”, dù nhà tổ chức đã nỗ lực bỏ tiền đầu tư lớn khi cho cả 7 thí sinh sang Mỹ ghi hình.

Còn với Vietnam Idol thì yếu tố hấp dẫn nhất là những tập phát sóng đầu của vòng sơ tuyển với những tình huống, giọng hát “khó đỡ” cốt để gây cười cho khán giả nhưng đến mùa thứ 4 này chương trình cũng khiến khán giả... không cười nổi. So với Giọng hát Việt, Vietnam Idol còn chìm hơn khi  không còn sức hút gì ngoài nhân tố “may mắn” chớp được là chọn thí sinh chuyển giới Hương Giang lọt liên tiếp vào các vòng thi. Đã nhàm và nhạt dần (vì 3 mùa đã qua), lại cộng thêm chất lượng giọng hát của thí sinh không cao (chỉ được mỗi Hoàng Quyên hát có màu, Bảo Trâm hát tạm được vì trong trẻo), Vietnam Idol có thể nói hiện rất “đuối” trong việc để lại dấu ấn đậm nét như mùa thứ 3 với giọng hát vàng Uyên Linh.

Phải là câu chuyện mới

Dù “nhiệt” có giảm, song các “đại gia” như BHD, Cát Tiên Sa, Đông Tây... và nhiều công ty khác vẫn dự định mua thêm nhiều cuộc thi hát, nhiều chương trình thực tế khác từ nước ngoài để thực hiện vào năm tới. Danh sách sắp tới còn có thêm: X Factor, The Win...

Một nhà sản xuất (yêu cầu không nêu tên) đã lý giải: “Ngoài việc tự thân các chương trình không còn mới mẻ thì việc xuất hiện quá nhiều chương trình thực tế hiện nay đã khiến khán giả phân tâm, không còn tập trung đổ dồn sự chú ý để đẩy một - hai chương trình trở nên nóng sốt trong dư luận như trước đây”. “Nhiệt” của mỗi chương trình giảm đi cũng vì thế.

Tất nhiên cơ bản nhất vẫn là chất lượng của thí sinh, giám khảo và format; trong đó chất lượng thí sinh là yếu tố hàng đầu. Thế nhưng hiện tại sự “tỏa sáng” của một bộ phận không nhỏ thí sinh ở đây là do chính nhà tổ chức, giám khảo “bơm, đẩy” thổi phồng, công ty truyền thông lăng xê trên báo chí. Và như bong bóng, tên tuổi thí sinh sẽ dễ xẹp ngay khi cuộc thi kết thúc vì thiếu năng lực.

Bảo Minh, một chuyên viên truyền thông của các chương trình thực tế, đã đưa ra ý kiến rất xác đáng: “Tôi nghĩ rằng tương lai của truyền hình thực tế sẽ không còn là câu chuyện về việc nghi án mua giải, kiện tụng, giả gái, chuyển giới, nghi án thí sinh quan hệ tình cảm với giám khảo... nữa mà sẽ phải là câu chuyện của tài năng thực sự, nghệ thuật thực sự, đầu tư thực sự. Bởi vì câu chuyện nào kể mãi rồi cũng sẽ bị nhàm chán, phải là một câu chuyện mới!”.

Bước nhảy lội ngược dòng ngoạn mục

Không có các ngôi sao thi nhảy như Bước nhảy hoàn vũ, thế nhưng So you think you can dance - Thử thách cùng bước nhảy lại khiến khán giả mê mệt, và được đánh giá là chương trình tạo được nhiều cảm xúc nhất cho khán giả hiện nay. Không một chiêu trò gây ồn ào, không tự tạo scandal, chỉ với những bước nhảy điêu luyện, những giọt mồ hôi và cả máu (do chấn thương trên sàn tập) của những gương mặt đam mê hết mình cho nghệ thuật nhảy múa, Thử thách cùng bước nhảy đã làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục trong sự yêu mến của khán giả xem truyền hình.

Phan Cao Tùng

>> Kỷ lục trò chơi ghép hình
>> Thi trò chơi dân gian
>> Ra mắt trò chơi giáo dục trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam
>> Trò chơi thơ ấu
>> Trò chơi sinh hoạt cộng đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.