Tham vọng UAV chiến đấu siêu hiện đại của châu Âu

10/12/2012 03:30 GMT+7

Với máy bay không người lái (UAV) Neuron, các nước châu Âu muốn trở nên độc lập ở lãnh vực đang bị Mỹ “thống trị” này.

Hồi đầu tháng, Neuron thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ căn cứ không quân Istres, miền nam Pháp. Trong vòng 25 phút, được “hộ tống” bởi máy bay chiến đấu Rafale, UAV này đã thực hiện nhiều kỹ thuật phức tạp như áp sát, tăng tốc, đổi hướng đột ngột... Theo tờ La Tribune, Neuron là thành quả đầu tiên của chương trình hợp tác giữa 6 nước châu Âu, được phát triển bởi Tập đoàn Dassault Aviation, trụ sở chính tại Pháp, với vốn đầu tư khoảng 400 triệu euro. Chương trình do Paris khởi xướng từ năm 2003 và nhận được sự ủng hộ từ các tập đoàn Alenia Aermacchi (Ý), Saab (Thụy Điển), EADS - Casa (Tây Ban Nha), HAI (Hy Lạp), Ruag (Thụy Sĩ). 

UAV chiến đấu

Neuron có kích thước xấp xỉ một máy bay chiến đấu thông thường, với chiều dài 10 m, sải cánh 12,5 m, nặng hơn 5 tấn và sử dụng động cơ đẩy Rolls-Royce Turbomeca Adour. Sắp tới, UAV này tiếp tục bay thử nghiệm tại Pháp cho đến năm 2014, sau đó, được đưa sang Thụy Điển để kiểm tra khả năng tác chiến và đến Ý để thực hiện các đợt bắn thử cũng như đo đạc mức độ “tàng hình”. Dự kiến, Neuron có thể được trang bị cho không quân các nước trong khu vực từ năm 2030. La Tribune dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Pháp nhận định: “Chương trình này đánh dấu sự nỗ lực về nghiên cứu khoa học công nghệ để chuẩn bị cho tương lai và giúp giữ vững các thế mạnh về công nghiệp của châu Âu”.

Tham vọng UAV chiến đấu siêu hiện đại của châu Âu
UAV Neuron trong đợt bay thử nghiệm ngày 1.12 - Ảnh: AFP 

Các bên đặt mục tiêu ở phiên bản cuối, Neuron sẽ là một UAV chiến đấu siêu hiện đại có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, phát hiện mục tiêu, không kích... Từ đó, khẳng định được trình độ kỹ thuật về khí động lực học, cấu trúc vật liệu, khoang chứa vũ khí bên trong, công nghệ về “tàng hình”, thuật toán phức tạp cần thiết cho tự động hóa... Đặc biệt, đây có thể xem là máy bay có khả năng tàng hình cao nhất từ trước tới nay. Tờ Le Figaro dẫn lời Giám đốc kỹ thuật của Dassault Aviation Didier Gondoin cho biết dù có kích thước tương đương chiến đấu cơ Mirage 2000 nhưng radar của đối phương chỉ nhận biết Neuron “không lớn hơn một con chim sẻ”. 

Kết hợp thế mạnh

Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất được phân chia tùy vào thế mạnh của mỗi tập đoàn. Theo La Tribune, hãng “đầu tàu” Dassault Aviation chịu trách nhiệm về ý tưởng tổng thể, chế tạo bộ điều khiển, thiết bị liên quan đến khả năng tàng hình, lắp ráp và bay thử nghiệm. Alenia Aermacchi (Ý) nghiên cứu và chế tạo khoang vũ khí bên trong thông minh (Smart Integrated Weapon Bay), hệ thống điện, thiết bị đo gió. Saab (Thụy Điển) chuyên trách phần thân máy bay, cửa sập, hệ thống nhiên liệu. EADS - Casa (Tây Ban Nha) lo phần cánh và kết nối dữ liệu. Hellenic Aerospace Industry (Hy Lạp) đảm nhận phần thân sau, ống gió. Sau cùng, việc thử nghiệm bay ở vận tốc thấp được giao cho hãng Ruag (Thụy Sĩ). Tổng cộng, khoảng 400 kỹ sư đã được huy động và phòng nghiên cứu của 6 hãng nói trên được kết nối trên cùng một hệ thống thông tin để phối hợp thực hiện hoàn toàn “từ xa”.

Sự phân chia hợp lý chính là nguyên nhân giúp chương trình này đạt được những thành công quan trọng bước đầu: đảm bảo tiến độ để bay thử nghiệm, không vượt quá kinh phí đề ra. Không như nhiều chương trình hợp tác quốc tế khác thường được phân chia theo mục tiêu chính trị của mỗi quốc gia (muốn tập trung phát triển kỹ thuật nào), việc nghiên cứu, chế tạo Neuron được chia theo thế mạnh sẵn có của các tập đoàn nên giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lần này, châu Âu cho thấy đã có chiến lược đúng đắn khi đầu tư vào lãnh vực UAV chiến đấu, vốn mới có 2 hãng của Mỹ là Northrop Grumman và Boeing tập trung phát triển qua 2 dòng máy bay X-47B và Phantom Ray. Neuron được khu vực này kỳ vọng sẽ thay thế cho các máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter và Gripen trong vài thập niên tới.

Tuy nhiên, châu Âu còn phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể thật sự độc lập về UAV. Ngoài Neuron, hiện khu vực này còn có UAV chiến đấu Taranis của Tập đoàn BAE Systems (Anh), dự định thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm 2013. Cả 2 máy bay nói trên đều là phiên bản thử nghiệm nên chưa thể sản xuất hàng loạt. Kế đến, việc nghiên cứu, chế tạo về lâu dài chắc chắn sẽ cần rất nhiều kinh phí trong khi châu Âu vẫn đang lận đận vì khủng hoảng kinh tế. Sau cùng, khu vực này cần tránh tình trạng cạnh tranh “nội bộ” quá gay gắt, để Neuron - Taranis không đi vào vết xe đổ như 2 máy bay chiến đấu Rafale - Eurofighter trước đây.

Nếu không nhanh chóng phát huy thế mạnh trong các kế hoạch về UAV, châu Âu có nguy cơ lại bị Washington “phỗng tay trên” nguồn tài chính như đang thu hút sự đầu tư của Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Ý cho chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Đó là chưa kể, các tập đoàn của Mỹ vẫn đang tranh thủ từng phút để giữ vững ưu thế ở lãnh vực máy bay không người lái. Dự định chiếc X-47B của Northrop sẽ được phóng và hạ cánh thử nghiệm trên tàu sân bay từ năm 2013.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Iran sẽ giúp các nước “trị” máy bay không người lái
>> Iran thu giữ máy bay không người lái Mỹ
>> Máy bay không người lái của châu Âu bay thử nghiệm
>> Việt Nam - Thụy Điển hợp tác chế tạo máy bay không người lái
>> Trung Quốc trình làng máy bay không người lái mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.