Kể chuyện đánh B52: Ngã xuống trước ngày cưới

10/12/2012 03:05 GMT+7

Nếu như chị Nhàn còn biết đến mùi khói pháo của đám cưới thì chị Ngô Thị Ngọc Tường lại ngã xuống trước ngày cưới của mình 2 hôm. Chị vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 24.

Cô sinh viên trường y xinh đẹp

Trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Phạm Việt Tùng nói về chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội có cảnh quay chị Tường nằm trong quan tài, mặt chị bình thản như chưa hề trải qua những giây phút kinh hoàng sau các loạt bom rải thảm trước đó. Trên bàn làm việc của chị Tường còn la liệt những thiệp cưới chưa kịp gửi đi. Thiệp ghi ngày 22.12 là tổ chức lễ cưới, chị Tường bị trúng bom ngay trong đêm B52 đánh vào Hà Nội 18.12 nhưng đến 2 ngày sau chị mới trút hơi thở cuối cùng, ngay tại nơi chị đang công tác - Bệnh viện Bạch Mai. Trong phim của ông Tùng cũng có cảnh chị Tường về với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Bắc để khám bệnh cho họ, chứng tỏ tác giả đã “tích lũy” tư liệu khá kỹ về chị.

Kể chuyện đánh B52: Ngã xuống trước ngày cưới
Tên lửa tham gia đánh B52 - Ảnh: Trần Đăng

Ông Tùng xác nhận điều đó, rồi kể: “Năm 1968, bấy giờ Tường còn là sinh viên của Trường đại học Y Hà Nội đang sơ tán tại Thái Nguyên. Dạo ấy tôi có đăng ký với cơ quan làm phim về chủ đề trí thức trẻ về với người dân vùng nông thôn. Thế rồi tôi được người ta giới thiệu cho một nữ sinh viên, sẽ là nhân vật xuyên suốt bộ phim tài liệu có tên Mái trường xanh sau đó. Sinh viên Ngô Thị Ngọc Tường là nhân vật được chọn. Vậy nên mới có cảnh cô ấy đi khám bệnh cho đồng bào vùng cao như đã thấy trong phim”. Cũng theo đạo diễn Tùng, thời ấy, nhà báo muốn quay phim về đề tài gì, nhân vật như thế nào đều phải “báo cáo lên trên” để “trên” chọn người tiêu biểu nhất. Cô Tường là sinh viên ưu tú của Trường đại học Y bấy giờ. Sự thông minh, hoạt bát và xinh đẹp của cô bác sĩ tương lai đã hút hồn anh đạo diễn trẻ, để 4 năm sau, trước khi chị Tường bị trúng bom rồi mất, ông Tùng đã có một món quà tặng chị: chiếc nón Ba Đồn mà cho đến mãi hôm trở lại Hà Nội mới đây, ông mới tiết lộ với tôi. “Vật kỷ niệm đã được trao tận địa chỉ người nhận, nhưng đó cũng là lúc tôi biết cô ấy sắp cưới chồng!”, ông nói.  

Kể chuyện đánh B52: Ngã xuống trước ngày cưới 1 
Sinh viên Ngô Thị Ngọc Tường - Ảnh lấy từ phim tư liệu của Phạm Việt Tùng

Mảnh bom nghiệt ngã

Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ngày ấy, cũng là anh chồng của chị Tường, kể: “Tôi cũng không nhớ đích xác cô Tường bị thương từ một mảnh bom lạc hay mảnh vỡ của thân máy bay, xuyên qua vùng thắt lưng. Đêm 18.12, còi báo động liên tục, hết đợt này đến đợt khác, đêm ấy cô không trực bệnh viện mà là ở nhà. Cứ vài ba chục phút lại báo động một lần, mẹ cô Tường nói với con gái: “Thôi, con nằm ở phía sát vách, để mẹ nằm ngoài, chui hầm cho dễ. Cô Tường đã đổi vị trí cho mẹ, và rồi một mảnh bom lạc đã xuyên qua vách, trúng vào người Tường”. Chị Tường được đưa đến Bạch viện Bạch Mai cấp cứu, hai ngày sau thì chị mất. Tôi hỏi ông Đại: “Còn vụ bom Mỹ đánh Bệnh viện Bạch Mai là ngày nào, thưa bác?”. Giáo sư Đại nói: “Một số người nghe nói bom Mỹ đánh Bệnh viện Bạch Mai làm chết 28 người, toàn là bác sĩ và nhân viên y tế, cứ ngỡ bác sĩ Tường chết trong đợt đó nhưng không phải đâu. Cô ấy bị thương và đưa vô Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, ngày 20.12 thì mất. Hai ngày sau đó, bom Mỹ mới đánh vào Bệnh viện Bạch Mai. Nếu không bị nạn, đám cưới của cô Tường và em trai tôi sẽ được tổ chức ngày 22.12 năm đó”.

Nhắc lại trận bom nhớ đời và hết sức tàn bạo ấy, Giáo sư Đại rùng mình: “Suốt mấy ngày trước đó, tôi và các đồng sự thức trắng đêm để cứu cô Tường, vì ngoài việc cô ấy là người của bệnh viện, Tường còn là người nhà của tôi nữa. Mệt nhoài trong mấy ngày liền nên đêm 22.12, tôi được nghỉ trực cơ quan, nếu không thì có khi tôi cũng không còn có dịp để trò chuyện với anh đây”. Trước khi B52 đánh vào Hà Nội, gần như toàn bộ bệnh nhân của các bệnh viện được đưa đi sơ tán, vì vậy, trận rải thảm vào Bệnh viện Bạch Mai làm 28 người chết, 22 người bị thương, đều là nhân viên y tế.

Chuyện cũ đã qua, giờ chỉ còn lại những kỷ niệm về một thời đạn lửa. Tôi hỏi ông Tùng: “Bác có ngại gì không khi đưa “vụ” chiếc nón Ba Đồn lên báo?”. Ông cười: “Không sao. Đó là kỷ niệm mà”. Rồi ông chợt nhìn về phía xa xăm. Ở nơi ấy, ông đã có một thời trẻ trai và đắm đuối với một mái tóc dài, giờ đã đi xa.

Trần Đăng

>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ
>> Kể chuyện đánh B52: Rối nước cũng “tham chiến”
>> Kể chuyện đánh B52: Anh nuôi đánh B52
>> Kể chuyện đánh B52 - B52 rơi giữa làng hoa
>> Kể chuyện đánh B52: Bốn mươi năm, một mối tình

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.