Nỗ lực hơn nữa cho biển Đông

20/11/2012 03:10 GMT+7

Những dịch chuyển gần đây khiến sự phức tạp của vấn đề biển Đông đang gia tăng nên cần phải có thêm nỗ lực từ nhiều phía.

Sáng qua 19.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” chính thức khai mạc tại TP.HCM. Sự kiện này mang rất nhiều ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày Công ước LHQ về luật Biển, 10 năm thông qua Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan tại biển Đông (DOC). Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia. Trong đó, gần 100 đại biểu quốc tế gồm chuyên gia cùng quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ. Hội thảo lần này do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Kéo dài đến ngày 21.11, các đại biểu sẽ tham gia 9 phiên thảo luận bao gồm nhiều vấn đề.

Phó giáo sư Beckman trao đổi cùng một chuyên gia Việt Nam tại hội nghị
Phó giáo sư Beckman trao đổi cùng một chuyên gia Việt Nam tại hội nghị - Ảnh: Ngô Minh Trí 

Phát biểu trong phiên khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định: “Tình hình biển Đông ngày càng phức tạp. Chúng ta đã vài lần phải “nín thở” trước tình hình leo thang căng thẳng, xung đột nóng chỉ còn trong gang tấc”. Đồng thời, Đại sứ Quý lo ngại: “Biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin vốn rất ít ỏi nhưng các bên liên quan đã phải mất hàng thập kỷ xây dựng mới có được”. Vì thế, việc hình thành các cơ sở để giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế là rất cần thiết.

Đây là lý do khiến hội thảo lần này rất chú trọng vào những khía cạnh pháp lý cũng như hướng tới giải pháp thông qua thực thi DOC và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trả lời phỏng vấn Thanh Niên bên lề hội thảo, Phó giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định COC chính là cơ chế rất cần thiết làm nền tảng quan trọng giải quyết tranh chấp biển Đông. Bên cạnh đó, ông Beckman cho rằng việc thiết lập “đường dây nóng” giữa Trung Quốc với ASEAN về vấn đề biển Đông là bước tiến đáng ghi nhận. Đây có thể xem như một phần của quy tắc ứng xử khi phát sinh căng thẳng. Hơn thế nữa, để bước tiến này càng hiệu quả, ông nhận định các bên cũng cần hình thành cơ chế hoạt động và cách thức giải quyết thông qua “đường dây nóng” để ngăn ngừa những nguy cơ xung đột từ các rắc rối bất ngờ.

Cả thế giới quan ngại

Các nỗ lực trên là cần thiết khi biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới, như lời Đại sứ Đặng Đình Quý nhận định trong phiên khai mạc. Thực tế, giới chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận vấn đề biển Đông đang diễn biến phức tạp. Các học giả trình bày các tham luận để mổ xẻ nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phức tạp như hiện tại. Trong đó có các hành động leo thang gần đây của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên bên lề hội thảo trên, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Mỹ, nhận định tranh chấp biển Đông gây quan ngại cho cả thế giới. Theo bà Glaser, hội thảo trên là cơ hội để đại diện từ nhiều nước thể hiện điều này. Đồng thời, Trung Quốc cần hiểu được mối quan ngại chung đó. Vì thế, Bắc Kinh phải nhận thức rằng tranh chấp biển Đông không thể chỉ được giải quyết song phương. Bên cạnh đó, chuyên gia Glaser cũng trao đổi với Thanh Niên về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện chuyến công du đến Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Theo bà, đây là một tín hiệu từ phía Washington nhằm thể hiện sự chú tâm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước khi chuyến thăm diễn ra, truyền thông Mỹ dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia nước này Thomas Donilon cho biết vấn đề biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự của ông Obama.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ

Ngày 19.11, ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Myanmar, theo AFP. Dù chuyến thăm chỉ kéo dài 6 giờ và không có thủ đô Naypyidaw trong lịch trình, Myanmar vẫn là điểm đến gây chú ý nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama sau khi tái đắc cử.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thein Sein, Tổng thống Obama đã đánh giá cao nỗ lực cải cách của chính quyền Myanmar, đồng thời hứa hẹn sẽ tiếp tục ủng hộ nếu nước này duy trì cam kết củng cố nền dân chủ. AP dẫn lời ông Obama khẳng định những cải cách “tại Myanmar” có thể kích hoạt “tiềm năng dồi dào của quốc gia tuyệt đẹp này”. Cách dùng từ của chủ nhân Nhà Trắng cũng được đánh giá là mang một thông điệp quan trọng. Trước nay, Mỹ vẫn gọi nước này là “Burma”, cái tên có từ trước khi chính quyền quân sự chuyển thành Myanmar vào năm 1989. Tuy nhiên, giới chức Washington, và đến nay là Tổng thống Obama, đã tỏ ra bớt cứng nhắc về việc gọi tên trong bối cảnh quan hệ song phương đang chuyển sang hướng tích cực. Về phần mình, ông Thein Sein cho biết hai nước đang cùng tiến về phía trước, dựa trên “sự tin tưởng, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau”. Ông cũng khẳng định Myanmar sẽ “gia tăng gấp đôi nỗ lực” để phát triển nền dân chủ và “mang lại sự thịnh vượng cho đất nước”.

Cùng ngày, Tổng thống Obama đến thăm nghị sĩ đối lập Aung San Suu Kyi, trước khi có bài phát biểu tại Đại học Yangon. 

Thụy Miên

Ngô Minh Trí

>> COC “chưa được thông qua tại hội nghị ASEAN sắp tới”
>> ASEAN hướng mạnh tới COC
>> ASEAN thông qua Tuyên bố Nhân quyền
>> Campuchia sẵn sàng cho Hội nghị ASEAN
>> Campuchia thắt chặt an ninh cho Hội nghị ASEAN
>> Ông Obama sẽ đến Campuchia dự hội nghị ASEAN
>> Hơn 1.000 CEO dự Hội nghị Phát triển bền vững Asean

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.