Chỉ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia

19/11/2012 18:21 GMT+7

(TNO) Chỉ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia (công trình công ích, công cộng), còn đối với các dự án kinh tế, thương mại thì phải trưng mua. Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu quốc hội (ĐBQH) trong buổi thảo luận Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều nay (11.19).

Theo ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), người dân Việt Nam gắn liền với mảnh đất, vì vậy phải đảm bảo quyền lợi cho người dân trong việc thu hồi đất.

“Phải thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách là quyền đối với tài sản vì thực tế hiện nay đất đang được tồn tại với mỗi người như tài sản: có mua, bán, sử dụng, chuyển nhượng, đem lại giá trị và còn là giá trị lớn”, ĐB Lai nói.

Bên cạnh đó, ĐB Lai cho rằng Nhà nước không nên để tồn tại hai cơ chế giá đất như hiện nay (giá theo khung giá của Nhà nước và giá thị trường) vì tình trạng này còn tồn tại thì sẽ không giải quyết rốt ráo được tiêu cực đất bị làm giá.

 
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng việc trưng mua, thu hồi đất cần qua thủ tục minh bạch, công khai - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng tình với ĐB Lai, nhiều ĐB đã đề nghị Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo quyền lợi của người dân đối với đất đai như quyền đối với các tài sản khác, đặc biệt là khi thu hồi đất.

“Về quyền của Nhà nước đối với đất đai, phạm vi quyền định đoạt Nhà nước là quá lớn, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, lợi ích nhóm và nảy sinh một số tiêu cực về đất đai”, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thẳng thắn phát biểu.

Theo đó, ĐB Phong đề nghị Luật Đất đai cần quy định rõ vì những mục đích sử dụng đất khác nhau thì có cơ chế thu hồi phải khác nhau, vì an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia hoặc đối với người sử dụng đất vi phạm pháp luật là thu hồi; vì kinh tế, thương mại là trưng mua.

Cùng quan điểm trên, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nói thêm: Việc trưng mua, thu hồi đất cần qua thủ tục minh bạch, công khai thu hồi để làm gì, kế hoạch như thế nào và chỉ thu hồi khi đã hoàn thành mọi thủ tục và không có khiếu nại của người dân. Đồng thời, bồi thường phải tính đến tổn thất về sinh kế của người bị thu hồi đất.

Đóng góp thêm ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng việc Nhà nước thu hồi đất chỉ nên giới hạn ở các trường hợp cần thiết, cần đến đâu, thu hồi đến đó và hoán đổi đất khi thu hồi.

Đặc biệt, “cần có quy định thu hồi đất đối với các dự án quá hạn, tránh tình trạng đầu cơ, chờ tăng giá”, ĐB Vũ Chí Thực đề xuất.

Qua các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng vì gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân, nên sau khi ghi nhận các ý kiến của ĐB, QH sẽ tục lấy ý kiến của nhân dân, các nhà quản lý, chuyên gia - nhà khoa học để hoàn thiện dự luật.

Nguyên Mi

>> Nhiều tiêu cực, sách nhiễu trong quản lý nhà nước về đất đai
>> Khiếu nại, tố cáo đất đai: Nhiều cán bộ bao che cho cấp dưới làm sai
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Chống tham nhũng trong quản lý đất đai
>> Dự luật Đất đai sửa đổi: Chưa “bịt” được kẽ hở tham nhũng
>> Khiếu nại tố cáo về đất đai rất nghiêm trọng !
>> Thảo luận về luật Đất đai, Thuế thu nhập cá nhân...
>> Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất
>> Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.