Thảo luận tại Quốc hội: Chống tham nhũng phải nghiêm minh

10/11/2012 03:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường cả ngày qua, 9.11 về dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, có ý kiến lưu ý phải xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng đã phát hiện chứ không nên kêu gọi tăng nặng hình phạt.

Bức xúc trước tình hình phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý ít, xu hướng hành chính hóa trong xử lý tội tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị: đối với tội tham nhũng không được đặc xá, không được giảm án, không được cho hưởng án treo. “Chúng ta phải coi tham nhũng như ma túy, như tội phản quốc và chúng ta phải tuyên chiến với tham nhũng bởi tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng”, ông Thuyền gay gắt.

“Cần gì phải nghiêm khắc hơn thế nữa”

“Tôi không đồng ý với một số ĐB khi cho rằng đối với các tội phạm tham nhũng phải được xử lý nghiêm khắc, ví dụ không cho hưởng án treo, không giảm án...”, Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ bày tỏ chính kiến. Theo phân tích của ông Độ thì tính nghiêm khắc của pháp luật đối với tội tham nhũng đã được quy định trong bộ luật Hình sự rất rõ, tội tham ô còn quy định xử lý nặng hơn là tội cướp tài sản, tương đương với tội giết người, vậy chúng ta cần gì phải nghiêm khắc hơn thế nữa.  

 

Chương trình QH hôm nay

Sáng nay 10.11, QH thảo luận tại Hội trường dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (truyền hình, phát thanh trực tiếp). Phiên làm việc chiều, QH thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

“Vấn đề quan trọng ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc, mà nghiêm minh ở đây là tất cả các vụ việc tham nhũng, chúng ta phải có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý, kỷ luật là phải kỷ luật, hình sự là phải xử lý về hình sự, như vậy chúng ta mới răn đe được. 100 vụ mà chúng ta chỉ đưa ra 2 vụ xử thật nặng thì như vậy không công bằng, không bình đẳng với người bị phát hiện, còn những người khác vẫn ở trong bóng tối. Tôi nghĩ đó không phải là tính răn đe”, ông Độ khẳng định.

Phải dựa vào báo chí, tai mắt của dân

Ông Trần Văn Độ đề nghị nếu không quy định Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng trong luật thì cần tổ chức một cơ quan chống tham nhũng như ủy ban chống tham nhũng ở một số nước, đó là một cơ quan mang thiết chế Nhà nước, một công cụ đặc biệt. Cơ quan này được thành lập ở T.Ư và các văn phòng ở một số tỉnh có quyền hạn thực sự độc lập, không phụ thuộc vào lãnh đạo chính quyền địa phương, chỉ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Đồng thời luật quy định có biện pháp bảo vệ hữu hiệu về mặt chính trị, về mặt pháp lý thành viên của các ủy ban này. 

 

100 vụ mà chúng ta chỉ đưa ra 2 vụ xử thật nặng thì như vậy không công bằng, không bình đẳng với người bị phát hiện, còn những người khác vẫn ở trong bóng tối. Tôi nghĩ đó không phải là tính răn đe

Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ

Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu quan điểm: Cần có cơ chế pháp lý rõ ràng nhằm tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của báo chí và cơ quan ngôn luận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đảm bảo phóng viên, nhà báo có điều kiện thuận lợi tác nghiệp và phải được bảo vệ tối đa khi tiến hành điều tra đưa tin tức về cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhận định: quy định đòi hỏi cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi chống tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin tài liệu yêu cầu cho những người đứng đầu viện kiểm sát và tòa án ở địa phương, để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng chẳng khác nào đối xử với người dưới quyền của mình, trong khi không hề có biện pháp bảo vệ an toàn cho các nhà báo, cơ quan báo chí. “Lẽ ra phải là sự cộng tác có trách nhiệm thì trong luật lại là sự ràng buộc như điều kiện, khiến cho các nhà báo tốt nhất là đừng dính vào đấu tranh chống tham nhũng để nghỉ cho khỏe, lại tránh được những cạm bẫy nguy hiểm”, ông Quốc nói thẳng.

Đưa “tham nhũng chính sách” vào luật

Ông Quốc cũng nói thẳng: “Nhìn lại 7 năm qua ta thấy việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả. Chỉ có một số vị vụng về nên bị lộ hay bị dư luận báo chí phát hiện mới bị xử lý như là phạt, không những thế chúng ta từng phải chứng kiến người đã bị kết án vào tù lại trở ra như người giải oan, người hăng hái đánh phá tham nhũng lại bị phát hiện là kẻ tội đồ”.

Riêng Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương thì đề nghị bổ sung vào dự luật các hành vi thuộc tội tham nhũng, như lợi dụng chức vụ quyền hạn ban hành các quy định, chính sách trái luật; lợi dụng chức vụ quyền hạn để lũng đoạn, chi phối các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực mình quản lý để vụ lợi. “Nếu chúng ta không bổ sung hành vi về tham nhũng thì các vụ việc tham nhũng bị phát hiện chỉ là tham nhũng vặt trong khi hành vi tham nhũng thông qua ban hành các chính sách, quy định trái luật có lợi cho bản thân gây thiệt hại nghiêm trọng, kéo dài khiến dân bức xúc lại không được phát hiện, tố giác”, ông Đương nói.

Cân nhắc quy định bỏ phiếu tín nhiệm

Trao đổi với Thanh Niên bên hành lang kỳ họp QH sáng qua, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh) nêu quan điểm: Phải cân nhắc quy định lấy phiếu tín nhiệm lần đầu thấp là đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay.

Thưa Bộ trưởng, vừa rồi qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nên mở rộng đối tượng lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng chỉ nên tập trung ở cơ quan hành pháp “nắm tiền, nắm gạo”, trường hợp tín nhiệm lần đầu quá thấp sẽ sẵn sàng thay thế. Bộ trưởng nghĩ sao trước quan điểm này?

Mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đến Giám đốc Sở, tôi hoàn toàn đồng tình.

Với quy định bỏ phiếu tín nhiệm thì là việc khác, việc bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện khi đã có dấu hiệu mất tín nhiệm. Cái này là hệ quả của cái kia, nếu lấy phiếu tín nhiệm thấy rằng anh thấp thì phải xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng tại sao thấp cũng có nhiều nguyên nhân, có thể do chưa đủ năng lực trình độ, do phẩm chất nhưng cũng có thể do chưa đầy đủ thông tin, có những lĩnh vực, những công việc người ta làm thầm lặng, giải trình công việc cụ thể hằng năm cũng chưa rõ lắm, dẫn tới ĐB chưa rõ hết thông tin, cho nên phải cân nhắc.

Lấy phiếu tín nhiệm lần đầu mà dưới 50% đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay tôi cho là hơi vội. Còn chuyện có nên chỉ tập trung bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh ở cơ quan hành pháp, tôi cho là không hẳn, các bạn đừng nghĩ rằng tiềm ẩn tham nhũng chỉ ở chỗ cơ quan điều hành trực tiếp.

Nhưng theo tôi, có vấn đề nữa đặt ra qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, đó là văn hóa từ chức. Một khi người ta thấy thực sự tín nhiệm không được cao, thấy khó có thể khắc phục được những gì tồn tại, yếu kém nên từ chức thì rất đáng hoan nghênh.

 
Ảnh: Ngọc Thắng

Nhìn vào thực tiễn giai đoạn qua, thấy hành động từ chức của quan chức chúng ta gần như rất hiếm, khiến tại diễn đàn QH lần này, rất nhiều ĐB đề cập đến văn hóa từ nhiệm, thậm chí đòi hỏi mở cuộc vận động từ chức. Liệu có áp lực nào khiến việc từ chức của người có chức vụ, quyền hạn trở nên khó khăn, ngoài lý do phần lớn nhiều người nghi ngờ là do “tham quyền cố vị”, thưa Bộ trưởng?

Tất nhiên là khi đã quyết định từ chức thì đó là vấn đề rất hệ trọng. Tôi cũng nói lại ý nữa, công tác cán bộ là công tác của Đảng nên còn phải xem ý kiến cơ quan thẩm quyền của Đảng xung quanh câu chuyện này thế nào, bởi vì công việc nhiều khi là do tổ chức phân công, chưa phải hoàn toàn đúng với sở trường, đúng với sự lựa chọn của người ta nên nếu phân công việc gì đó không phù hợp lắm khiến công việc không được trôi chảy, trong hoàn cảnh nào đó buộc phải từ chức người ta cũng cảm thấy khó.

Hai là hành động từ chức ở ta chưa được phổ thông lắm. Hôm nay giữ chức vụ này, ngày mai không có chức này thì có thể làm việc khác, dần dần phải làm quen với việc đó. Đến lúc nào đó dân trí cao, trình độ ĐB cao rồi thì người ta sẽ sợ nhận nhiệm vụ, lúc ấy mới là quan trọng, lúc ấy mới là hay, còn bây giờ thì phân công công việc không phù hợp khác cũng nhận.

Bảo Cầm (thực hiện)

 

Kiến nghị tăng lương và suất ăn cho công nhân

Ngày 9.11, Tổng liên đoàn Lao động VN đã công bố kết quả khảo sát thực tế tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu trong doanh nghiệp (DN). Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cuộc khảo sát được thực hiện tại 60 DN thuộc các thành phần kinh tế, đại diện cho 4 vùng lương nhằm hoàn thiện chính sách tiền lương, cải thiện điều kiện sống của người lao động (NLĐ). Năm 2012 tình hình sản xuất gặp khó khăn nên giờ làm thêm của NLĐ cũng giảm so với các năm nước, vì vậy thu nhập trung bình của NLĐ vào khoảng 3,6 triệu đồng/tháng.

Trong đó, mức cao nhất là DN nhà nước đạt gần 4,5 triệu đồng/tháng; tiếp đến là DN FDI đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng; DN dân doanh gần 3,5 triệu đồng/tháng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chi tiêu của một gia đình NLĐ (có quy mô phổ biến 3 người) khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu này, ông Đặng Quang Điều cho rằng chỉ đáp ứng được từ 49-56,3% mức sống tối thiểu của NLĐ. Ngoài ra, Tổng liên đoàn Lao động VN còn công bố khảo sát thực trạng bữa ăn ca của NLĐ trong các DN. Theo khảo sát, NLĐ trong DN FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ hơn cả, có 24,3% số NLĐ ở công ty cổ phần và 37,5% ở DN FDI nói bữa ăn thiếu thức ăn.

Từ kết quả khảo sát trên, Tổng liên đoàn Lao động VN kiến nghị, năm 2013, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương tốt thiểu đạt 80% mức sống tối thiểu.  Cụ thể, vùng 1: 3 triệu đồng; vùng 2: 2,8 triệu đồng; vùng 3: 2,5 triệu đồng; vùng 4: 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng cần sớm thành lập Hội đồng lương quốc gia theo quy định của bộ luật Lao động năm 2012; đồng thời ban hành Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 và lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của NLĐ.

Trước tình hình biến động của giá cả thị trường, Tổng liên đoàn Lao động VN kiến nghị cần có văn bản quy định bắt buộc DN cung cấp bữa ăn ca và định hướng giá trị bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh cho NLĐ. Cơ quan này cũng đề xuất tăng mức ăn ca của NLĐ lên 20.000 đồng/suất/ vùng 1; 18.000 đồng/suất/vùng 2; 16.000 đồng/suất/vùng 3; 14.000 đồng/suất/vùng 4.

T.Hằng

Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.