Cuộc chiến giữ rừng: Chưa có hồi kết...

12/11/2012 10:46 GMT+7

Cuộc chiến giữ rừng sẽ không bao giờ kết thúc nếu như vẫn còn... rừng.

Theo chu kỳ, lâm tặc sẽ rộ lên phá hoại một thời gian rồi lại lắng xuống, âm ỉ. Lực lượng kiểm lâm cũng từ nhận định tình hình đó để mở các đợt trấn áp quy mô. Nhưng việc tuần tra, nhận định, vây bắt của kiểm lâm đụng đâu cũng gặp khó…

Vào rừng, tùy cơ ứng biến

Tuần rừng có thể coi là công việc vất vả nhất mà lực lượng kiểm lâm phải thực hiện thường xuyên. Rừng bao la là vậy, thâm u là vậy nhưng sẽ còn “teo” lại nếu như không có dấu chân của người giữ rừng…

kiểm lâm và dân chung sức, lâm tặc sẽ khó có chỗ dung thân  
Nếu kiểm lâm và dân chung sức, lâm tặc sẽ khó có chỗ dung thân - Ảnh: do Khu BTTN Đakrông cung cấp

“Muốn đi tuần rừng phải chuẩn bị nhiều thứ lắm. Cuốc bộ trong rừng 2,3 ngày trời nên sức khỏe phải tốt, đồ ăn phải đầy…Riêng với chúng tôi còn phải xác định nguồn tin báo ở khu vực nào có phá rừng để mà đi nữa!”- Bùi Văn Duẩn, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Đakrông nói. Việc đảm bảo bí mật trong các đợt triển khai tuần rừng là tối quan trọng... Nhiều khi lâm tặc và kiểm lâm vờn nhau, “ra đòn gió” cả mấy ngày trời mới chính thức “tung chiêu”. Vậy nên đồng bào miền núi trên này có câu chuyện vui rằng cán bộ kiểm lâm có “nhà máy may” ở trong rừng vì khi vào thì mang áo quần bình thường mà khi ra thì ai cũng mang sắc phục kiểm lâm. “Bí mật thế chứ cũng nhiều lần bị lộ. Lâm tặc cắt cử bọn “chim lợn” ăn ngủ ngay trước trụ sở của mình, hễ mình có động tĩnh là nó báo ngay...”- Nguyễn Xuân Tuấn, Trạm trưởng trạm kiểm lâm khu vực Tà Long cho biết.

 
“Người Vân Kiều, Pa Kô chúng tôi lớn lên, sinh ra từ rừng, ai cũng yêu rừng như cha mẹ. Nhưng mà vì dân bản nghèo quá, lúa ngô ít, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mới đánh liều vào rừng thôi…”- Già làng Pả Ai (bản A Ho, xã Thanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) tâm sự.

Giữa tháng 8.2012, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông đã có một chuyến tuần rừng gian nan vào tiểu khu 730 (thuộc xã Húc Nghì, H.Đakrông), nơi có nhiều “diễn biến nóng” trong thời gian gần đây. Theo lời kể của ông Hoàng Ngọc Tiến (Giám đốc Khu), chỉ riêng việc đi đến nơi cũng mất gần 1 ngày trời. “Ở đoạn đầu chúng tôi phát hiện khá nhiều súc gỗ được vứt ngổn ngang bên đường. Vào sâu, chúng tôi đã bắt tại trận 2 lâm tặc đang dùng máy cưa xăng triệt hạ mấy cây cổ thụ. Một tên bỏ chạy thục mạng, một tên anh em bắt lại được…”- ông Tiến nói.

Nhưng cũng có một điều bất hợp lý mà rất…hợp lý rằng, khi vào rừng dẫu kiểm lâm có phát hiện ra hàng đống gỗ thì cũng đành chịu. “Gỗ nặng thế chúng tôi chỉ được mấy người, làm sao kéo về được. Chỉ biết thế rồi ra ngoài bìa rừng lập chốt, đợi lúc nào lâm tặc kéo gỗ ra mới chặn bắt…”- một kiểm lâm viên chia sẻ. Khốn nỗi, ngày trước lâm tặc còn “dại” nên đốn bao nhiêu gỗ kéo ra ngoài tập kết bấy nhiêu, còn bây giờ sau khi đốn, cưa thành phách chúng vẫn để lại trong rừng, ai hỏi mua thì mới kéo về 2,3 phách…. Trong khi đó, cứ vào rừng là mọi thông tin liên lạc sẽ bị cắt đứt, nên kiểm lâm phải tự chủ động, tùy cơ ứng biến với tất cả tình huống có thể xảy ra. Có người cảm thán rằng: “Trong rừng thì biết kêu ai, nhắm bắt lâm tặc được thì rượt đuổi, còn lỡ chúng bỏ chạy hoặc chống cự thì cũng chịu chứ biết làm sao…”

Dân chính là “mắt rừng”

Một con số làm tôi hết sức bất ngờ rằng để quản lý 230.000 ha rừng, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Quảng Trị chỉ có chưa đến 200 người (trong đó chưa trừ ra bộ phận hành chính, tạp vụ, lái xe…). Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị thừa nhận rằng lực lượng của mình là quá mỏng. Theo quy định ngành, mỗi kiểm lâm viên chỉ phụ trách 500 ha rừng nhưng tại Khu BTTN Đakrông, mỗi kiểm lâm viên phải “gánh” hơn 3.000 ha! Ngoài ra, chỉ có kiểm lâm biên chế mới được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ (súng, roi điện …), dừng xe nghi có chở gỗ lậu để kiểm tra, lập biên bản vi phạm. “Hầu hết các trạm kiểm lâm chỉ có trạm trưởng và trạm phó là vào biên chế, còn lại toàn là anh em làm hợp đồng. Chúng tôi đi vắng là anh em hợp đồng như trói tay trói chân…”- Bùi Văn Duẩn, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Đakrông nói.

Tập tục đốt rừng làm nương rẫy  
Tập tục đốt rừng làm nương rẫy cũng làm cho rừng nghèo đi - Ảnh: do Khu BTTN Đakrông cung cấp

Chính bởi lực lượng vừa thiếu vừa yếu, lại hoạt động trên địa bàn rừng núi rộng lớn nên nhiều người cho rằng cuộc chiến giữ rừng chỉ có thể thắng khi có dân. “Nếu có dân, lâm tặc sẽ không còn nơi nào để ẩn nấp, qua mặt kiểm lâm…”- ông Nguyễn Thế Hải, Hạt phó hạt kiểm lâm H.Hướng Hóa nhắn nhủ.

Trong 2 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã có cơ chế thành lập những tổ kiểm lâm địa bàn, do chính những thanh niên địa phương đảm trách (được trả phụ cấp trách nhiệm hằng tháng), cũng như giao khoán trách nhiệm bảo vệ rừng cho từng hộ gia đình… Những kết quả bước đầu là tín hiệu đáng mừng cho thế thắng đang dần nghiêng về “những người giữ rừng”. “Nếu Nhà nước có sự hỗ trợ tối đa hơn cho người dân trong công tác bảo vệ rừng sẽ làm giảm gánh nặng đáng kể cho lực lượng kiểm lâm, đồng thời sẽ phát huy được thế mạnh trong quần chúng…Bởi “mắt rừng” chính là dân!”- Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị Lê Văn Quý một lần nữa khẳng định.

Tập kết gỗ lậu bên suối

Ngày 9.11, Hạt kiểm lâm H.Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát hiện 21 phách gỗ thuộc nhóm III đến nhóm V (gồm gỗ trường, dẻ, sú)  với với tổng khối lượng gần 5 m3 đang được giấu cạnh bờ suối thuộc thôn Pa Kông, xã Hướng Linh. Đây là số gỗ lậu do lâm tặc tại xã Hướng Linh vừa khai thác và đang có ý định kéo ra ngoài để tiêu thụ.

Nguyễn Phúc

>> Cuộc chiến giữ rừng Buôn Ja Wầm
>> Cuộc chiến giữ rừng: Máu đổ giữa rừng xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.