Chống tham nhũng thật

11/11/2012 04:31 GMT+7

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua theo quy trình rút ngắn, tại một kỳ họp mà không phải 2 kỳ họp như thông lệ, phần nào chứng tỏ sự sốt ruột của Quốc hội (QH) trước tình trạng tham nhũng “không giảm mà còn tăng”.

Rất nhiều đề xuất từ các đại biểu QH cũng cho thấy sức nóng từ xã hội đã phả vào nghị trường hầm hập. Các giải pháp thì đủ cả, từ pháp lý như tăng hình phạt, xếp tham nhũng vào tội chống lại chế độ, đến thể hiện ý chí chính trị như mở cuộc vận động người tham nhũng từ chức, QH ra thông điệp cam kết không tham nhũng…

Thực ra, luật pháp chả thiếu cả cơ chế, bộ máy chống tham nhũng lẫn sự nghiêm khắc với tội tham nhũng. Vấn đề là có làm thật, chống thật hay không mà thôi. Nói như trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND tối cao, Chánh tòa Quân sự T.Ư, “vấn đề quan trọng là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc. Chúng ta phải có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý, kỷ luật là phải kỷ luật, hình sự là phải xử lý về hình sự thì mới răn đe được”. Thực tế, các vụ án nhóm tội liên quan đến chức vụ thường to như con voi lúc đầu và bé như con kiến lúc kết thúc là điều khiến dư luận bức xúc hơn cả. Còn tại sao lại như thế, thì đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phân tích: đối tượng tham nhũng tính toán chặt chẽ, từ liên doanh trong nội bộ, liên kết trên dưới. Khi bị phát hiện thì chạy án, chạy tội, chạy tù.

Điều này thật dễ hiểu, bởi quyền lực là đặc trưng cơ bản nhất của hành vi tham nhũng.

Muốn đạt được kết quả, chống tham nhũng phải được thực hiện trên cả hai phương diện: phòng ngừa hiện tượng tham nhũng và kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng đang tồn tại.

Phòng ngừa tệ tham nhũng phải bắt đầu từ việc hoàn thiện công tác kiểm tra giám sát đối với tất cả các hoạt động của cán bộ có chức có quyền. Tất cả các cán bộ quản lý và lãnh đạo, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng chịu sự kiểm tra giám sát của tập thể. Đối thoại giữa cán bộ quản lý, lãnh đạo với quần chúng, nhân viên để trả lời câu hỏi chất vấn của quần chúng phải trở thành công việc thường xuyên. Bởi lẽ, thực tế đã chứng minh, tuyệt đại đa số các vụ tham nhũng không được phát hiện từ các bản kê khai tài sản, hay các cuộc thanh tra nội bộ mà đều từ phát hiện của báo chí và tố cáo của người dân.

Phải kiên quyết xử lý mọi hành vi tham nhũng dù đó là vi phạm hành chính hay tội phạm. Trong mọi trường hợp, khi xử lý người vi phạm nhóm tội tham nhũng, bắt buộc phải thu hồi toàn bộ tài sản đã bị chiếm dụng - điều chưa hề được đề cập trong cả bộ luật Hình sự và luật Phòng, chống tham nhũng. Thậm chí, đối với những hành vi tham nhũng nghiêm trọng (trong nhóm tội phạm về kinh tế), ngoài thu hồi tài sản bị chiếm dụng, cùng với hình phạt chính, còn cần các hình phạt bổ sung như tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm những chức vụ, nghề nghiệp như một số nước đang áp dụng.

Và cuối cùng, tội phạm tham nhũng thường có đồng phạm, có “ê kíp”. Muốn chống tham nhũng thật phải đừng sợ “rút dây động rừng”. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.