Các ứng viên kế nhiệm bà Hillary Clinton

08/11/2012 16:46 GMT+7

(TNO) Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry nổi lên như những ứng cử viên sáng giá cho chức Ngoại trưởng Mỹ sau khi bà Hillary Cliton nhất quyết ra đi.

>> Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử
>> Ông Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ 

Hãng Bloomberg dẫn lời sáu quan chức và cựu quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay, bà Rice có mối quan hệ thân cận với Tổng thống vừa tái đắc cử Barack Obama và chia sẻ nhiều quan điểm về chính sách đối ngoại với ông.

Theo những nguồn tin của Bloomberg, ông Obama vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và bà Clinton có thể vẫn tiếp tục ở lại thêm vài tháng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Vào hôm 7.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tái xác nhận bà Clinton sẽ rời khỏi chức Ngoại trưởng.

“Bà ấy định chứng kiến quá trình chuyển tiếp cho một người kế nhiệm và sau đó quay trở lại với cuộc sống riêng tư và nghỉ ngơi, suy nghĩ và viết lách”, bà Nuland nói.

Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Bill Daley và các quan chức khác nói động thái đầu tiên của ông Obama sẽ là chọn người kế nhiệm Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner.

Ông cũng có thể cần phải tìm những người thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Giám đốc An ninh Quốc gia James Clapper và Đại diện Thương mại Ron Kirk.

Theo hãng Reuters, các ứng cử viên thay thế ông Panetta bao gồm cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về chính sách Michele Flournoy, người có thể trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Lầu Năm Góc, và ông Ashton Carter, người phó hiện tại của ông Panetta.

Các nguồn tin của Bloomberg cho hay, bà Rice được ông Obama ưa thích hơn hai ứng cử viên tiềm năng khác là John Kerry và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon.

Nga thích ông Kerry làm Ngoại trưởng

Nga thích chứng kiến việc Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry thay thế bà Hillary Clinton trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama, theo một tờ báo Nga vào hôm nay, 8.11.

Tờ Kommersant dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, bà Susan Rice được giới ngoại giao Nga xem là “quá tham vọng và hung hăng”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc từng đấu khẩu dữ dội với những đại diện của Moscow trước việc họ liên tục từ chối ủng hộ hành động cứng rắn với Syria.

“Moscow sẽ khó hợp tác với Washington hơn” nếu bà Rice trở thành Ngoại trưởng, quan chức Nga giấu tên nói.

Nguồn tin này cho biết lo ngại duy nhất của Moscow là ông Obama có thể không chọn ông Kerry vì lo ngại đảng Dân chủ mất ghế tại Thượng viện.

Bà Rice, người không có liên hệ với cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, nổi tiếng với tính cách mạnh mẽ và luôn hết lòng bênh vực chính sách ngoại giao của ông Obama tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cuộc họp liên cơ quan.

Bà là người chủ trương viện trợ cho quân nổi dậy Libya, những người đã lật đổ cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Những người ủng hộ bà Rice cho rằng bà có công trong việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép can thiệp quân sự vào Libya khi đó.

Dẫu vậy, trong những tháng cuối cùng trước kỳ bầu cử, bà Rice đã dính “phốt” khá nặng khi phát biểu về vụ tấn công ở thành phố Benghazi của Libya khiến đại sứ Mỹ tại nước này thiệt mạng.

Bà Rice đã phủ nhận việc vụ tấn công được lên kế hoạch từ trước, trái ngược với những kết luận sau đó của tình báo Mỹ, vốn mô tả đây là một vụ tấn công khủng bố.

Bà Rice ngay lập tức trở thành mục tiêu cho những cáo buộc bưng bít từ phe của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney, phía lập luận chính phủ đã cố gắng giấu giếm bản chất thật sự của vụ tấn công nhằm che đậy lỗ hổng an ninh.

Bà Clinton và ông John Kerry đã phải lên tiếng bênh vực bà Rice còn Nhà Trắng khẳng định bà chỉ đơn giản trình bày những gì được biết vào lúc đó song vụ việc có khả năng sẽ có tác động tiêu cực trong các phiên điều trần trước Thượng viện để thông qua chức Ngoại trưởng.

Trong khi đó, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là một cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông John Kerry có đủ phẩm chất để trở thành Ngoại trưởng Mỹ.

Ông Kerry sẽ mang hàng thập kỷ kinh nghiệm để đối mặt với những câu đố hóc búa về ngoại giao, bao gồm cuộc khủng hoảng Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông và thế bế tắc trong chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, điểm yếu của ông Kerry lại nằm ở chính chiếc ghế Thượng nghị sĩ của ông. Các chiến lược gia của đảng Dân chủ sẽ phải đắn đo trước nguy cơ mất một ghế ở Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa khi mà họ chỉ có được 53/100 ghế ở đây.

Kerry buộc phải từ nhiệm chức Thượng nghị sĩ để nhận chức vụ trong nội các và một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức nhằm lấp đầy vị trí mà ông để lại, mở ra cơ hội để đảng Cộng hòa giành giật chiếc ghế này.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.