Lo ngại bội chi ngân sách

29/10/2012 03:20 GMT+7

Còn 2 tháng nữa mới hết năm, nhưng con số bội chi ngân sách Tổng cục Thống kê công bố ngày 27.10 đã lên tới hơn 155.000 tỉ đồng, vượt dự toán cả năm Quốc hội phê duyệt là 140.200 tỉ đồng.

>> Bội chi ngân sách 60.440 tỉ đồng
>> Chi ngân sách nhà nước đạt hơn 450.000 tỉ đồng
>> Chi ngân sách để trả lại phí thu sai của dân
>> Bội chi ngân sách nhà nước 12.000 tỉ đồng

Trong khi nguồn thu ngày càng eo hẹp, sụt giảm, "vung tay" chi lễ hội, chi khánh tiết, mua sắm tài sản, quản lý hành chính bộ máy cồng kềnh… là nguyên nhân chính khiến ngân sách thâm hụt.

Thất thoát về tham nhũng, về đầu tư công trình không cần thiết dẫn tới ngân sách lúc nào cũng bội chi. Nhưng vì tâm lý nhiệm kỳ, vì nể nang nhau nên không dám cắt, cắt ai cũng sợ

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính

Thu ít, chi nhiều

Tổng cục Thống kê vừa công bố con số không mấy sáng sủa về thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện từ đầu năm đến 15.10.2012. Theo cơ quan này, do tình hình khó khăn chung của cả nền kinh tế, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, dầu thô chỉ đạt dưới 70% dự toán, trong khi đó chi ngân sách đạt 75,1% dự toán năm. Điều đáng ngại, bội chi ngân sách ước 155.000 tỉ đồng, vượt hơn 10,7% kế hoạch bội chi cả năm 2012.

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS), thu ngân sách tính đến hết tháng 9.2012 vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên (dầu khí), còn thu nội địa và thu cân đối xuất nhập khẩu giảm mạnh (tổng số giảm 25.500 tỉ đồng). Nếu không có dầu thô tăng giá bù đắp chắc chắn thu ngân sách sẽ không đạt được như dự toán. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với những năm trước đó khi nguồn thu luôn vượt dự toán rất cao.

Mặc dù nguồn thu khó khăn, nhưng chi ngân sách lại không thể cắt giảm so với dự toán, cũng như phong trào tiết kiệm như tuyên bố từ đầu năm của Chính phủ, ngược lại còn tăng lên nhiều, đặc biệt trong cơ cấu chi thường xuyên. Số liệu của Bộ Tài chính chỉ rõ, năm nay mức chi tiêu cho bộ máy quản lý hành chính, cho các sự nghiệp kinh tế - xã hội (chi thường xuyên) đã vượt so cùng kỳ rất cao. Cụ thể, trong báo cáo số liệu theo chuẩn quốc tế 9 tháng 2012 về NSNN, chi đầu tư phát triển chỉ tăng 5% so cùng kỳ, chi trả nợ tăng 0,5%, riêng chi thường xuyên tăng 20,5%. Trong tổng mức chi NSNN 9 tháng 605.000 tỉ đồng, chi thường xuyên chiếm tới hơn 70% (hơn 477.000 tỉ đồng), riêng chi quản lý hành chính gần 58.000 tỉ đồng. Trong khi đó năm 2011, chi thường xuyên 9 tháng 392.475 tỉ đồng.

Lo bội chi ngân sách
Năm nay mức chi tiêu cho bộ máy quản lý hành chính, chi thường xuyên... đã vượt so với cùng kỳ rất cao - Ảnh: Ngọc Thắng 

 

Siết lại tất cả các khoản chi thường xuyên

Tại cuộc họp báo hôm qua, trao đổi với báo chí về vấn đề bội chi ngân sách, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết bội chi năm nay QH phê duyệt ở mức 4,8% GDP. Trong cơ cấu chi, có hai khoản mục quan trọng là chi đầu tư và chi thường xuyên. Ở các nước chủ yếu ngân sách tập trung chi thường xuyên, nhưng Việt Nam với đặc thù phải thực hiện nhiều chính sách đầu tư phục vụ an sinh xã hội, xây dựng điện, đường, trường, trạm kêu gọi DN quá khó khăn, nên không thể cắt vốn đầu tư đi. “Vậy tiền ở đâu ra. Chỉ còn hai cách là tăng thu và tiết kiệm chi. Tăng thu làm sao vẫn nuôi được nguồn, phải có chính sách để DN còn đường phát triển, sản xuất để thu tiếp. Cách thứ 2, cắt chi thường xuyên để làm lương, nhưng tất cả nguồn chi cho chương trình an sinh xã hội, y tế giáo dục đều rất công khai và cũng không thể giảm ngay biên chế xuống. Chỉ còn cách siết lại tất cả các loại chi thường xuyên sao cho tiết kiệm nhất có thể. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 10, Thủ tướng chỉ đạo đi nước ngoài dứt khoát phải chặt chẽ hơn nữa từ trung ương đến địa phương và rất nhiều khoản chi khác cũng phải tiết kiệm”, ông Đam nói.

Gần 40.000 khoản chi sai

Nguyên nhân khiến ngân sách rơi vào cảnh thu ít - chi nhiều được Ủy ban TCNS chỉ rõ ở hai nguồn quan trọng: chi đầu tư công, chi thường xuyên. Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết việc bố trí vốn đầu tư công manh mún, giải ngân vượt khối lượng thực hiện trong 9 tháng gây lãng phí ở không ít dự án. Trong xây dựng cơ bản cũng chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối nguồn vốn, mặc dù Chính phủ đã ra chỉ thị gắn với trách nhiệm của từng người đứng đầu khi đặt bút ký phê duyệt dự án. Thứ hai, chi thường xuyên còn bộc lộ nhiều sự lãng phí, tốn kém, chi không hợp lý, nhiều đơn vị hoạt động đặc thù y tế, tài nguyên môi trường, giáo dục… được phân bổ ít, trong khi lĩnh vực khác phân bổ nhiều, dẫn tới nơi cần thì thiếu - nơi chưa cần lại thừa, hay chi tiêu vượt mức.

Nhưng điều đáng lo hơn cả, theo ông Hiển, đó chính là kỷ luật tài chính lỏng lẻo, không nghiêm túc trong chi tiêu. Kể từ đầu năm đến nay, hệ thống Kho bạc nhà nước phát hiện 39.800 khoản chi sai, 18.400 đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục chi tiêu theo chế độ quy định. Tình trạng này biểu hiện rõ nhất trong chi thường xuyên, đặc biệt chi cho lễ hội, khánh tiết, hội họp, đi công tác nước ngoài… Khi mà nguồn lực hạn chế, còn nhu cầu “vô biên” thì sự thiếu kỷ luật, thiếu giám sát chặt chẽ sẽ dẫn tới hành vi “vung tay quá trán”, tiêu xài hoang phí, lạm chi. “QH luôn đặt ra vấn đề tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên. Dự toán đã ấn định rồi nhưng quá trình tổ chức thực hiện vẫn phát sinh như chi tăng hội nghị, khánh tiết, mua sắm xe công, lễ hội… Chúng ta đã cảnh báo nhiều lần những khoản chi này vượt do chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, còn nhiều lỏng lẻo”, ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng: “Nhà nước muốn bội chi ở một mức nhất định để kích thích phát triển, nhưng bội chi trong nhiều năm qua luôn ở mức cao do bị thất thoát lãng phí quá nhiều. Nghiêm trọng hơn nhiều là việc Chính phủ còn đang phải mang Quỹ dự trữ trả nợ thay cho một số tập đoàn, tổng công ty vì phải bảo lãnh cho các đơn vị này. Đặc biệt là các đơn vị đầu tư xi măng, nhà nước bảo lãnh tín dụng dễ dãi. Hậu quả là bây giờ phải bơm ngân sách ra để trả nợ thay, phải đền, trả cả lãi lẫn vốn. Đó là chưa kể, các bộ ngành, địa phương “vẽ” ra nhiều dự án, lãng phí nhất là bảo tàng xây bỏ không, rồi còn dự định xây dựng trung tâm vũ trụ… hàng nghìn tỉ đồng, trong khi chính sách an sinh xã hội chưa thể đảm bảo".

“Thất thoát về tham nhũng, về đầu tư công trình không cần thiết dẫn tới ngân sách lúc nào cũng bội chi. Nhưng vì tâm lý nhiệm kỳ, vì nể nang nhau nên không dám cắt, cắt ai cũng sợ”, ông Hải lo ngại.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH:

Chính phủ nói nhiều lần tinh giản nhưng bộ máy cứ ngày càng phình ra từ trên xuống dưới. Chúng ta phải cắt giảm chi thường xuyên như hội họp, đi nước ngoài; chỉ nên giữ lương và trợ cấp xã hội. Các khoản chi khác phải cắt ít nhất 10% so với thực chi 2012, vì hiện còn quá nhiều khoản chi “vô tội vạ”. Chúng ta vẫn phải đảm bảo chi đầu tư công theo dự toán để phát triển, nhưng nên gác lại những dự án, chương trình chưa phải đầu tư gấp, nhất là trụ sở cơ quan, mua sắm công... để dồn vốn cho đường sá, giao thông, trường học, bệnh viện đang rất bức xúc.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH:

Chúng tôi đề nghị Chính phủ phải cố gắng thực hiện tốt chính sách chi đã ban hành. Phải hạn chế ban hành chính sách mới không tính tới khả năng thu, mỗi thứ một tí cộng vào sẽ rất lớn. Điều quan trọng nhất cân đối giữa thu - chi, còn bội chi phải khống chế, QH quy định trần nợ công, khả năng trả nợ rồi, vì vậy khi dư địa thu khó khăn càng phải thận trọng hơn khi quyết định chi. Chúng ta cần phải tái cơ cấu lại, cố gắng tránh rơi vào bội chi kép, tức vừa bị bội chi theo chu kỳ, vừa theo cơ cấu. Lần này, chúng tôi cương quyết đề nghị phải cắt giảm các khoản chi thường xuyên như mua sắm tài sản, du lịch, hội họp nước ngoài, khánh tiết... sẽ kiến nghị QH đưa vào Dự thảo Nghị quyết ban hành, không để tình trạng này kéo dài nữa.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.