Chiến lược mới chống cướp biển

30/10/2012 03:30 GMT+7

Mỹ đang đề nghị triển khai chiến lược mang tên “Al Capone” nhằm triệt hạ 12 đầu sỏ của mạng lưới cướp biển Somalia.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Kelly, chịu trách nhiệm về chính sách chống cướp biển, vừa tiết lộ chiến dịch mới để nhổ tận gốc rễ bọn tội phạm đang hoành hành tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Tờ The Telegraph dẫn lời ông Kelly cho hay toàn bộ ngành kinh doanh tạm gọi là “kỹ nghệ cướp biển” ở khu vực trên nằm trong tay một nhóm nhỏ những kẻ giàu sụ. Nhóm này là đầu mối cho sự vươn vòi bạch tuộc và bành trướng của lực lượng hải tặc Somali. Vì thế, Washington đề nghị chuyển hướng nhắm vào các đầu mối này và xử lý chúng dựa trên các tội trạng về kinh tế như rửa tiền, trốn thuế... Nói cách khác, Mỹ sẽ không tập trung vào việc bắt giữ những tên cướp biển “cò con” trực tiếp tham gia cướp bóc mà chỉ tập trung vào “cá bự”.

 
Một số tên cướp biển bị hải quân quốc tế bắt giữ - Ảnh: Defense.gouv.fr

Chuyển hướng

Theo ông Kelly, phương pháp hợp lý nhất là khoanh vùng đối tượng và xử chúng theo luật chống tham nhũng và rửa tiền. “Đó là cách chúng ta tóm được Al Capone, hắn đã vào tù vì tội gian lận thuế”, Kelly cho biết. Al Capone là trùm xã hội đen từng một thời làm mưa làm gió tại Mỹ hồi thập niên 1920 và bị bắt sau đó chủ yếu vì phạm tội kinh tế.

Thời gian qua, “kỹ nghệ cướp biển” trở thành ngành kinh doanh ăn nên làm ra nhất tại Somalia. Cứ mỗi tàu dầu và tàu vận tải lọt vào tay hải tặc, chúng có thể hét giá đến 11 triệu USD tiền chuộc. Điển hình như tàu dầu MV Irene SL của Hy Lạp bị bắt hồi năm ngoái, theo AP. Sau khi mặc cả, giới chủ trung bình phải mất khoảng 5 triệu USD để chuộc một tàu lớn. Theo đó, tổng thiệt hại về kinh tế cho giới chủ tàu lên đến 12 tỉ USD trong năm 2010. Thời kỳ đỉnh điểm, hải tặc Somalia có lúc từng khống chế hơn 30 tàu và bắt giữ 600 con tin. Tính đến tháng 9, bọn chúng vẫn còn giữ 7 tàu cùng 177 con tin, theo Lực lượng hải quân EU. Cướp biển Somalia sẽ phải tuồn số tiền bất chính ra bên ngoài để mua sắm trang thiết bị cũng như phục vụ tiêu xài.

Rõ ràng, khi giới tội phạm cần “làm sạch” những khoản tiền quá lớn như thế thì chúng dễ dàng lộ ra nhiều điểm sơ hở hơn để các chính phủ có thể khai thác “đánh án”. Đó là lý do để Mỹ tin tưởng vào khả năng thành công khi chuyển hướng tập trung đánh “cá lớn” phạm tội về kinh tế. Báo The Telegraph dẫn lời ông Kelly nói rõ hơn: “Chúng ta phải truy lùng những kẻ mua tàu, vũ khí và sau đó rửa tiền cướp bóc được tại châu Phi cũng như những nơi khác. Rửa tiền là một thủ thuật toàn cầu, chúng không thể giữ tiền ở một chỗ, và chúng ta cần phải phối hợp nhiều đơn vị hành luật trên thế giới”. Thậm chí, phía Mỹ còn tự tin dự đoán toàn bộ những nhân vật đầu sỏ cướp biển Somalia sẽ bị đưa ra tòa trong vài năm tới.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan ngại về tình trạng quan chức Somalia câu kết với các nhóm cướp biển. Theo Reuters, một thủ lĩnh hải tặc tên Mohamed Abdi Hassan “Afweyne” từng dùng hộ chiếu ngoại giao của Somalia để nghênh ngang đi lại tại nhiều nước. Thậm chí, khi nhập cảnh Malaysia hồi tháng 4, y còn huênh hoang tuyên bố mình đang hoạt động chống cướp biển.

Hải tặc dính đòn đau

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hàng hải thế giới, hoạt động cướp biển ở Somalia giảm mạnh trong năm nay. Tính từ đầu năm đến tháng 9, chỉ có khoảng 70 vụ cướp bóc diễn ra, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2011. Đây cũng là mức thấp nhất trong 3 năm qua. Lực lượng hải quân các nước cũng hoạt động hiệu quả hơn nên bọn cướp biển tổ chức đến 176 vụ tấn công nhưng chỉ bắt được 25 tàu trong năm 2011. Hiện tại, 80% số tàu chở container và tàu dầu được hộ tống bởi các lực lượng an ninh vũ trang chuyên nghiệp nên cướp biển cũng khó lòng ra tay hơn.

Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Mỹ đang vận động để chia sẻ gánh nặng pháp lý trong việc xét xử bọn cướp biển bị bắt giữ bởi hải quân quốc tế. Lâu nay, nhiều nước không biết phải áp dụng quy tắc xét xử như thế nào khi bắt giữ cướp biển tại vùng biển Somalia. Panama và đảo quốc Bahamas đã nhận được yêu cầu tổ chức phiên tòa xét xử và giam giữ hải tặc. Hiện tại, khoảng 1.000 người đang bị giam giữ tại 20 quốc gia. Với những nỗ lực trên, cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng sẽ sớm kiềm chế tối đa tình trạng hải tặc hoành hành.

Thụy Miên

>> 12 thuyền viên trở về từ hang ổ cướp biển Somalia
>> Vỡ òa niềm vui đoàn tụ của 12 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt
>> Thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ về nước
>> Tấn công cướp biển Somalia ngay trên... đất liền
>> EU lần đầu tiên không kích cướp biển Somalia
>> Gặp người hùng đánh trả cướp biển Somalia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.