Những bất cập của lao động nghề: Vòng luẩn quẩn thiếu công nhân

22/10/2012 08:51 GMT+7

Gần cuối năm, các khu công nghiệp và chế xuất (KCN - CX) TP.Đà Nẵng lại rơi vào điệp khúc thiếu lao động và ồ ạt tuyển dụng.

Tuyển dụng ồ ạt

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm TP.Đà Nẵng, tại sàn giao dịch việc làm Trung tâm Hội chợ triển lãm vừa qua có hơn 50 doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng hơn 5.100 lao động, trong đó nhu cầu cần tuyển lao động phổ thông, công nhân may, lắp ráp kinh kiện, giày dép... chiếm hơn 96%.

Tuyển dụng số lượng lớn công nhân ngành may mặc 
Các doanh nghiệp hiện đang cần tuyển dụng số lượng lớn công nhân ngành may mặc - Ảnh: Nguyễn Tú

Một số đơn vị tuyển công nhân số lượng lớn là Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam (KCN Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu) cần 1.000 công nhân, Công ty Yonezawa cần 702 công nhân, Công ty Mabuchi Motor tuyển 500 công nhân, Công ty may Hữu Nghị cần 500 công nhân, Công ty TNHH Con Đường Xanh (The Blues, KCN Hòa Khánh) tuyển 200 công nhân may...

Trong khi đó, mới hồi ra Tết, The Blues cũng đã đăng tuyển 500 công nhân có tay nghề may, Mabuchi Motor tuyển 700 công nhân, Yonezawa Việt Nam tuyển 1.000 công nhân nữ…

Nhiều đơn vị khác cũng đã 2 – 3 lần mở đợt tuyển dụng số lượng lớn, chưa kể thông báo tuyển dụng liên tục tại Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN và tại đơn vị.

Ông Lương Lực, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm KCN nhận định, các công nhân thường xuyên “nhảy việc” nên doanh thường xuyên chủ động tuyển dụng để đối phó.

Nguyên nhân khan hiếm công nhân theo ông Lực còn do nguồn lao động tại các KCN-CX TP.Đà Nẵng hoàn toàn vắng bóng thanh niên địa phương mà phụ thuộc vào thanh niên ngoại tỉnh, nhất là các tỉnh miền Trung.

Do đó, khi cần lao động, Trung tâm giới thiệu việc làm KCN TP.Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những đợt tuyển dụng ở ngoại tỉnh, mất nhiều thời gian mới đáp ứng đủ nhân công cho KCN.

Chuyển dịch lao động không ổn định

Theo phân tích của bà Đàm Thị Thanh Xuân, Nguyên Chủ tịch Công đoàn các KCN - CX TP.Đà Nẵng, tình trạng “nhảy việc” gây nên xáo trộn, khan hiếm nhân lực vào nhiều thời điểm trong năm tại các đơn vị là do nhu cầu tất yếu muốn tìm cơ hội việc làm, đãi ngộ tốt hơn của công nhân.

Công nhân thường xuyên tìm hiểu chế độ đãi ngộ ở các đơn vị khác và sẵn sàng “nhảy việc” đạt lợi ích cao hơn. “Hiện mặt bằng thu nhập của công nhân các đơn vị có thể nói tương đương, nhưng công nhân vẫn lựa chọn những công ty uy tín thực hiện đầy đủ chính sách và môi trường làm việc tốt” – Bà Xuân nói.

Do đó, dạo quanh các KCN những ngày này, có thể thấy các đơn vị tuyển dụng đều tung ra những hứa hẹn đãi ngộ hấp dẫn, cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua thu hút công nhân như đưa ra thu nhập từ 2.360.000 đồng đến 4.350.000 đồng, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà, khám sức khỏe định kì, quà sinh nhật, đầy đủ chế độ bảo hiểm cùng các khoản thưởng chuyên cần, năng suất.

Những công ty khác “hứa” cuối năm thưởng lương tháng 13 với mức trung bình bằng mức lương tối thiểu (khoảng 2 triệu đồng) để giữ chân công nhân, tiếp nối mức đóng các loại bảo hiểm cho công nhân đã có sổ, giới thiệu môi trường làm việc trang bị máy lạnh toàn xưởng và có cơ hội chuyên tu tại nước ngoài...

Tuy nhiên, theo ông Lương Lực, công ty ồ ạt tuyển dụng rồi công nhân nhảy việc cho thấy sự chuyển dịch nguồn lao động không ổn định. Minh chứng là các công ty có trên 1.000 lao động nhưng năm nào cũng đăng kí tuyển dụng lớn hơn số lượng công nhân.

“Tình trạng khan hiếm công nhân liên tục căn bản là do thu nhập công nhân so với mức sống ở TP.Đà Nẵng còn thấp. Hiện các công ty trả cho công nhân căn cứ mức lương tối thiểu khoảng 2 triệu đồng, nếu tăng ca hết công suất công nhân đạt khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, hàng loạt KCN ở tỉnh ngay tại quê nhà của các công nhân ra đời đã kéo họ trở về, thu nhập thấp hơn nhưng tiết kiệm chi phí sinh hoạt so với mức sống tại TP.Đà Nẵng” – ông Lực phân tích.

Do đó, điệp khúc khan hiếm lao động năm nào cũng làm khó doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa mất năng suất còn công nhân “nhảy việc” cũng bị mất các quyền lợi như thâm niên, nâng cao trình độ tay nghề, các chế độ bảo hiểm...

Nguyễn Tú

>> Trường nghề khó tuyển sinh
>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài - Kỳ 3: Rắc rối liên kết đào tạo ở trường nghề
>> Trường nghề “né” tuyển học sinh cấp II
>> Trường nghề “tự bơi”
>> Thiết bị thực hành trường nghề quá đát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.