Tại sao chúng ta buồn nôn ?

13/10/2012 03:05 GMT+7

Các chuyên gia cho hay đã phát hiện được cơ chế chịu trách nhiệm cho cảm giác buồn nôn bí ẩn ở người.

Buồn nôn là tình trạng vô cùng khó chịu và thường xảy ra do phản ứng phụ của nhiều loại thuốc lẫn liệu pháp điều trị khác nhau. Không giống như ói mửa, buồn nôn lại là một tình trạng khá bí hiểm và chưa được nghiên cứu cặn kẽ. Với cuộc nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Guelph tại Ontario (Canada), bí ẩn đằng sau tình trạng trên có thể sớm được giải mã cặn kẽ để tìm ra phương pháp xử lý thích hợp.

Theo báo cáo trên chuyên san Neuroscience, Giáo sư khoa tâm lý học Linda Parker cho hay dù người nào cũng từng trải qua trạng thái này, cơ chế sinh học thần kinh của tình trạng buồn nôn lại ít được biết đến do thiếu các mô hình nghiên cứu ở động vật. “Chúng ta đều biết về tình trạng nôn ói. Phản xạ ói được mô tả rất chi tiết, nhưng kinh nghiệm về sự buồn nôn lại khác. Nó xảy ra như thế nào? Nơi nào đã phát sinh cảm giác này?”, Giáo sư Parker đặt câu hỏi. Do vậy, các chuyên gia Canada đã tìm hướng tiếp cận mới khi nghiên cứu chuột thí nghiệm. Sau quá trình quan sát, họ phát hiện dù chuột không thể ói mửa như người, chúng vẫn thể hiện được phản ứng gớm ghiếc như cứ há hốc miệng khi hít phải mùi vị khiến chuột từng bị cảm thấy buồn nôn trong quá khứ. Do vậy, phản ứng há hốc miệng ở chuột cung cấp một mô hình cho phép tìm hiểu các cơ chế não sản sinh ra tình trạng muốn nôn ở người.

Tại sao chúng ta buồn nôn ?
Ảnh: Shutterstock

Sử dụng mô hình trên, các nhà nghiên cứu của Đại học Guelph cùng với Giáo sư Paul Fletcher của Đại học Toronto đã xác định được chính sự thải ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở vùng vỏ não thùy đảo liên kết với nội tạng có thể là nguyên nhân gây nên cảm giác buồn nôn. Vỏ não thùy đảo là nơi tiếp nhận mùi vị và tình trạng bệnh tật ở não. Dựa trên các cấu trúc tế bào và dữ liệu được nhập, vỏ não thùy đảo có thể được chia thành 2 khu vực: vỏ não thùy đảo vị giác và nội tạng. Phần vị giác tiếp nhận các dữ liệu về mùi vị, còn phần nội tạng chịu trách nhiệm thu thập các xung động thần kinh từ những khu vực của ruột, có thể tạo ra cảm giác khó chịu này.

Nghiên cứu trước đó cho thấy chất dẫn truyền thần kinh serotonin đóng vai trò trọng yếu trong việc gây ra tình trạng muốn ói. Trên thực tế, những thuốc chống ói truyền thống như ondansetron được dùng trong liệu pháp hóa trị là thuốc ngăn cản hoạt động của một dạng thụ quan serotonin, gọi là serotonin-3. Các chuyên gia hy vọng công trình nghiên cứu trên sẽ cho phép hiểu thêm về các quá trình xử lý thần kinh cơ bản bị ảnh hưởng bởi những thuốc điều trị theo toa, với ứng dụng cụ thể nhằm kiểm soát tình trạng buồn nôn và ói mửa đến từ liệu pháp hóa trị ở những trường hợp ung thư.  

Tụ Yên

>> Dễ trị buồn nôn trong thai kỳ
>> Hạn chế cơn buồn nôn ở thai phụ
>> Gừng giúp chống buồn nôn
>> Mỗi sáng buồn nôn
>> Gừng trị buồn nôn ở thai phụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.