Tấu hài đang chết

02/10/2012 03:15 GMT+7

Mười mấy năm qua tấu hài làm mưa làm gió trên sân khấu, nhưng giờ đây đã bắt đầu có tín hiệu chết dần.

Quá khứ vàng son

Ôn lại “kỷ niệm”, lúc cả thành phố có trên 40 nhóm hài đăng ký với Sở VH-TT-DL, chưa kể rất nhiều “nhóm chui” chuyên diễn cho các tỉnh và vùng ven. Nhà nhà lập nhóm, nghệ sĩ nào cũng có thể trở thành diễn viên hài được cả. Nhất là anh em nghệ sĩ cải lương, khi không còn gánh nào bám trụ nữa thì lập nhóm hài kiếm sống cũng ngon lành. Dù có người chưa diễn hài bao giờ nhưng cứ diễn riết thành quen, khán giả mê mẩn tuốt luốt. Như Tiểu Bảo Quốc, Tấn Beo, Bảo Chung, Duy Phương, Lê Giang, Tấn Hoàng, Bảo Khương... đều xuất thân từ cải lương nhưng mau chóng trở thành danh hài.

 Phương Anh và Hoàng Sơn trong tiết mục Tuổi thơ đường phố tại cà phê Điểm hẹn Sài Gòn
Phương Anh và Hoàng Sơn trong tiết mục Tuổi thơ đường phố tại cà phê Điểm hẹn Sài Gòn
- Ảnh: H.K

Và cũng có những nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ kịch dài lại đi diễn tấu hài vì kiếm tiền lẹ hơn, mỗi đêm chạy sô 3 tụ điểm, tiền thù lao có vài trăm ngàn. Đi tỉnh thì mấy triệu đồng, lại càng hấp dẫn. Cho nên, người ta thấy nghệ sĩ Ngọc Giàu lập nhóm với Anh Vũ, Hoàng Sơn với Phương Anh, Minh Béo với Bình Mập, Cát Phượng - Thái Hòa, Trung Dân - Trung Hải, Thúy Nga - Thanh Long, Phi Phụng - Thanh Tùng, Bảo Trí - Kim Tuyết, Tiết Cương - Phi Nga... Các tụ điểm, quán bar và chương trình đại nhạc hội, gặp gỡ khách hàng, giới thiệu thương hiệu... không khi nào thiếu tấu hài. Tiểu phẩm hài nở ra như nấm, có khi một tiểu phẩm diễn đến 5, 7 năm mà vẫn còn ăn khách, coi như hốt bạc dài dài. Nghệ sĩ thường chạy sô một đêm 3, 4 tụ điểm.

Buổi hoàng hôn

Nhưng cái gì cũng vậy, khi quá nhiều và vội vã thì bắt đầu kém chất. Tấu hài bắt đầu đi vào nội dung “tào lao” vì cứ đẻ ra cho kịp thời vụ, không cần trau chuốt nội dung lẫn diễn xuất. Thường thấy kiểu hai người nói qua nói lại, rồi thử tài ca hát, đố vui, có khi nói tục một cách khéo léo nhưng phải làm sao cho khán giả... hiểu. Tuy rằng khi duyệt phúc khảo, Sở VH-TT-DL đều có quay hình lưu lại làm “bằng chứng”, nhưng trong quá trình đi diễn, nghệ sĩ có xé rào thì Sở cũng bó tay, chứ làm sao đi kiểm tra cho xuể. Một vài câu nói bậy mà khán giả cười rần thì bầu sô càng khoái chí. Nhưng rồi xem mãi cũng nhàm, khán giả cười hết nổi. Nhất là khi các tiết mục quá cũ, đi vòng vòng lại gặp nhau, không ai thèm mua vé nữa.

Cây hài Anh Vũ cho biết: “Hài bây giờ ế ẩm lắm. Hầu như chỉ còn vài tụ điểm như Trống Đồng, 126, Điểm hẹn Sài Gòn là hoạt động đều đặn. Họ mời, nhưng tôi thường chỉ tham gia mỗi tuần/suất. Ví dụ, gom gom 3, 4 tụ điểm, rồi diễn đúng một đêm, chạy 3, 4 chỗ là xong. Những ngày khác dành thời gian và công sức cho kịch dài tại Sân khấu Phú Nhuận”.

Trung Dân cũng không còn mặn mà với tấu hài nữa mà anh đang đầu tư vào những kịch bản phim dài hơi. Anh cười: “Tôi diễn hài là phải có kịch bản, có nội dung. Giờ mỗi tuần diễn một đêm thôi, hoặc lâu lâu đi tỉnh diễn trong các chương trình sự kiện, đỡ mệt hơn”. Diễn viên trẻ Thu Trang vừa nổi lên như một “nữ quái” ăn khách, nhưng cũng than thở: “Các tụ điểm dẹp hết rồi, chắc do làm ăn không hiệu quả. Chỉ còn vài nơi hoạt động thì không đủ chỗ cho các nhóm hài đăng ký. Tôi vừa sinh con xong mấy tháng nay, cũng nghỉ tấu hài luôn. Diễn cho Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng vừa sức”.

Hoàng Kim

>> HTV2 thực hiện 100 tập hài kịch Tám Thời, Chín Sự
>> Nghe nhạc, xem hài kịch để hiểu về văn hóa giao thông
>> “Giáo sư Xoay” viết hài kịch
>> Hài kịch dành cho những người không thích cười
>> Buổi biểu diễn hài kịch cho bò
>> Bà bầu Hồng Vân làm hài kịch tình huống
>> Chương trình ca nhạc hài kịch đặc biệt
>> Hai kịch bản gay cấn ở Phú Mỹ Hưng
>> Hai kịch bản về tăng trưởng và lạm phát 2009
>> Thị trường bất động sản: Hai kịch bản
>> Chương trình ca nhạc hài kịch "Một thoáng Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.