Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Xây dựng nền giáo dục nhân văn - công nghệ

28/09/2012 03:05 GMT+7

Để tiến tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Đại hội XI của Đảng đã lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (GD) nước nhà làm một trong 3 khâu đột phá của chiến lược 2011-2020.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Xây dựng nền giáo dục nhân văn - công nghệ
Mục tiêu quan trọng của GD phổ thông là dạy và học tri thức để thành người và cơ sở ban đầu để làm người, chuẩn bị vào học nghề - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhìn vào hệ thống GD của chúng ta hiện nay, tuy có nhiều thành tựu rất lớn nhưng cũng còn lắm thực trạng.

Tồn tại nhiều mâu thuẫn 

 

Tư tưởng cốt lõi của triết lý GD nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người - nhất là người tài

Giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội (GD, văn hóa, an sinh và an ninh xã hội) có một khoảng cách đáng kể. Về kinh tế, chúng ta đã đạt mức phát triển trung bình trên thế giới, tuy mới là trung bình thấp và đang còn rất nhiều khó khăn. Nhưng về xã hội, tình hình phức tạp hơn nhiều nên cần có chính sách phát triển hợp lý hơn. Nên coi kinh tế là biện pháp, xã hội, con người là mục tiêu, do đó phải đổi mới nền GD theo một triết lý phục vụ đắc lực yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi chính sách phát triển GD nhanh, quy mô lớn nhưng chính sách đầu tư “đầu vào” thiếu đủ điều thì làm sao có “đầu ra” ưng ý được. Ngân sách cho GD hằng năm chiếm 20% ngân sách nhà nước nhưng thực sự được bao nhiêu không ai biết. Trên thực tế, nhiều nơi 90% ngân sách GD chi vào lương giáo viên.

Còn nhiều điều không thống nhất giữa GD toàn diện và điều kiện thực hiện. Nói “toàn diện” nhưng kết quả “què quặt”; đề ra đường hướng “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, nhưng cứ loay hoay với việc dạy chữ, mà chỉ trong việc này cũng còn bao vấn đề ngổn ngang.                                                   

Trong hoạt động dạy - học vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, kiến thức và kỹ năng, học vấn và năng lực hoạt động, hiểu biết và văn hóa ứng xử… Ở ta, dạy và học chỉ để đi thi, cả tâm lý xã hội lẫn quản lý nhà nước về GD chưa thoát khỏi triết lý giáo dục “hư văn, khoa cử, quan trường”.

Vượt qua thách thức

 

Ba việc cấp thiết phải làm

Để đổi mới căn bản và toàn diện thành công nền GD, cần có 3 điều kiện:

- Từ nay đến 2015 - 2020, đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi ngày.

-  Mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông: Các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến; sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống.

- Chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo (đứng lớp và quản lý) có phẩm chất và tay nghề.  

Thách thức lớn nhất là các cấp ủy và chính quyền có thực sự quan tâm phát triển GD không. Nói GD phải đi trước một bước mà bây giờ đang đứng cuối bảng. Tâm lý xã hội quá nặng nề với triết lý học cốt để đi thi, chạy theo mảnh bằng cũng là một trở ngại lớn. Vì vậy nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành, phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học. Từ đó họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp của chính họ đồng thời giúp gia đình và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

Công tác hướng nghiệp (và cả hướng học) quá lơ là. Không tổ chức “phân luồng” học sinh sau THCS hay THPT (năm 1996 đã có chủ trương phân luồng học sinh sau lớp 9, đến nay chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương và chính sách thực hiện). Hệ thống dạy nghề khôi phục mất gần 2 thập niên vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó lại mở đại học ồ ạt, quá lệch các ngành kinh tế, quản trị, kinh doanh, ngoại ngữ, tin học.

Một thách thức then chốt là tình hình đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cũng đang có nhiều chuyện rối ren, đời sống quá khó khăn, tâm tư nặng nề. Hiện nay nhiều giờ dạy, hoạt động GD… đã bị “hành chính hóa”, thậm chí thương mại hóa, lại có cả tiêu cực, hư đốn.

Triết lý giáo dục nhân văn

Triết lý GD theo tinh thần Đại hội XI của Đảng có thể biểu đạt như sau: Xây dựng nền GD nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học, nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người.

Mục tiêu số một của GD phổ thông là dạy và học một số tri thức để thành người và cơ sở ban đầu để làm người (nhân cách), chuẩn bị vào học nghề (trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học). Tư tưởng cốt lõi của triết lý GD nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người - nhất là người tài. 

Giáo sư Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.